Huy động máy thở để cứu người bệnh

Tình hình dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh vẫn diễn biến phức tạp, số mắc mới ngày 24/7 là hơn 5.000 ca. Số mắc mới ngày 25/7 là 4.555 ca. Tại Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021, Chính phủ đã chỉ đạo: “Tập trung, ưu tiên nguồn lực cao nhất có thể cho hoạt động phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội”.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh tiếp nhận máy thở của Nhóm thiện nguyện Hạt Vừng. Ảnh: CTV
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh tiếp nhận máy thở của Nhóm thiện nguyện Hạt Vừng. Ảnh: CTV

Thêm máy là cứu thêm người 

TP Hồ Chí Minh vừa đề nghị Bộ Y tế chi viện thêm 927 bác sĩ; 4.137 điều dưỡng, kỹ thuật viên y tế. Bên cạnh đó, nhiều trang thiết bị bảo hộ cho đội ngũ thầy thuốc, máy móc phục vụ công tác điều trị đều đang quá tải, cần cung cấp kịp thời. Nhà báo Thái Bình (báo Sức khỏe và Đời sống) cho biết, chiều 23/7, 5.000 chiếc khẩu trang N95 (loại có van) do nhóm phóng viên y tế tại Hà Nội kêu gọi quyên góp đã đến Bệnh viện (BV) đa khoa Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), BV đa khoa Đồng Nai và sẽ sớm đến BV đa khoa Sa Đéc và Đồng Tháp, nơi đang điều trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19. Các bác sĩ tại đây đang thiếu khẩu trang đạt chuẩn. Sự chi viện kịp thời này khiến các thầy thuốc yên tâm làm việc và cấp cứu bệnh nhân.

Chị Trần Mai Anh, thành viên Nhóm thiện nguyện Hạt Vừng cũng cho biết, trong sáng 23/7, nhóm vừa trao thêm 22 máy thở cho bốn BV điều trị Covid-19 ở miền nam là Thủ Đức, Phạm Ngọc Thạch, Nhiệt Đới và Quân dân Y miền đông. Tại buổi tiếp nhận, Đại tá Hoàng Việt, Giám đốc BV Quân dân y miền đông, chia sẻ: “Hiện BV đã chuyển  công năng sang điều trị cho 365 bệnh nhân Covid-19 có bệnh nền, trong đó 133 bệnh nhân nặng, sắp tới sẽ cần lượng lớn máy thở. Vì vậy, việc nhận thêm một máy là đang cứu thêm một người!”.

Cả nước chung tay dập dịch như lời kêu gọi của Chính phủ, nhiều nhóm thiện nguyện, nhiều nhà hảo tâm đã gấp rút vào cuộc. Rất nhiều máy thở đã được mua từ tiền quyên góp của mọi người trên cả nước. Riêng nhóm Hạt Vừng đến  nay đã kêu gọi mua được 52 chiếc máy thở chuyển cho các BV ở TP Hồ Chí Minh và đang tiếp tục quyên góp để mua thêm máy gửi cho huyện Củ Chi. Chị Mai Anh chia sẻ: “Thật xúc động khi đọc được các tin nhắn như “hai con em trích phần tiết kiệm để mua máy, vì Sài Gòn”, “mong bệnh dịch nhanh qua để cuộc sống trở lại bình thường” hay thậm chí có người hỏi “ngày 1/8 còn chiến dịch không anh, vì em phải chờ đến lúc đó mới có lương để trích một phần vì Sài Gòn”. 

Tính mạng người dân là trên hết

Đáng tiếc, trong lúc các nhóm thiện nguyện đang chạy đua với thời gian để có máy thở và chuyển vào những nơi đang khẩn thiết yêu cầu, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã đưa ra Công văn số 4355 về việc chấn chỉnh hoạt động vận động tài trợ. Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố giải thích với báo chí về văn bản này: “Sở Y tế thành phố nhắc các đơn vị trực thuộc khi có nhu cầu thì báo lên Sở Y tế để phối hợp cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh điều phối, tập trung cao độ vào việc cứu chữa bệnh nhân và các công tác khác theo phân công”.

Nhiều ý kiến cho rằng, văn bản của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh là “rào cản” công tác chống dịch đang cần hỗ trợ cấp thiết như hiện nay. Trước diễn biến của dịch ngày càng phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm, các cơ sở y tế đang gặp nhiều khó khăn thì đây là lúc cần huy động tất cả các nguồn lực xã hội cùng chung tay hỗ trợ. 

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đã thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TP Hồ Chí Minh và điều phối 2.000 máy thở cho kho dự trữ này. Tuy nhiên, khi số lượng bệnh nhân tăng nhanh thì việc thiếu máy thở, thiếu các trang thiết bị phòng, chống dịch... là điều dễ hiểu. Thời gian gần đây, nhiều BV lớn và BV dã chiến tại TP Hồ Chí Minh liên tục khẩn cấp phản ánh về tình trạng này. Tại Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021, Chính phủ cũng đã chỉ đạo: Căn cứ tình hình dịch bệnh, yêu cầu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết…

Trao đổi với phóng viên, nhiều chuyên gia hồi sức tích cực cho rằng, hiện tại số lượng ca nhiễm ngày một tăng cao tại một số tỉnh, thành phố dẫn đến số bệnh nhân nặng ngày càng gia tăng, tạo gánh nặng cho các cơ sở y tế. Trong khi đó, trang thiết bị y tế là những nhu cầu thiết yếu nhất cho điều trị các bệnh nhân nặng như máy thở, oxy. Mặc dù Bộ Y tế đã tăng cường cho các cơ sở y tế một lượng lớn trang thiết bị y tế, nhưng việc phân bố cần thời gian, nếu có được nguồn lực tại chỗ, hoặc được tài trợ từ các nhà hảo tâm, cơ sở y tế sẽ được trang bị nhanh chóng, cấp cứu kịp thời cho những bệnh nhân tiến triển nặng.