Hợp tác xã nông nghiệp khó chuyển đổi số

Tại các doanh nghiệp hợp tác xã ở Hà Nội, việc chuyển đổi số thương mại điện tử đang khó khăn dù công nghệ thông tin cũng như làn sóng mua sắm trực tuyến diễn ra nhanh chóng. Làm thế nào để hợp tác xã có thể chống chịu áp lực cạnh tranh trong khi không ứng dụng tốt được các thay đổi về công nghệ thông tin hiện nay?  

Việc áp dụng công nghệ số vào lĩnh vực nông nghiệp ở các hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn.
Việc áp dụng công nghệ số vào lĩnh vực nông nghiệp ở các hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn.

1/Chuyển đổi số lên các sàn trực tuyến đối với nông sản đang được các bộ, cơ quan, ban, ngành rất quan tâm và đưa ra nhiều giải pháp gỡ khó. Bên cạnh việc phát triển nhanh, mạnh của các cơ sở hạ tầng viễn thông cũng như sự phổ cập của điện thoại thông minh, các doanh nghiệp đã có thể xây dựng sàn thương mại điện tử riêng phục vụ bán hàng, dễ dàng tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã tiếp cận và ứng dụng với chi phí thấp. Tuy vậy, theo ước tính, chỉ có khoảng 1,84% số hợp tác xã nông nghiệp có website riêng. Theo khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn (IPSARD), chỉ có 4/40 hợp tác xã thử nghiệm ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản.

Cản trở lớn là hiện nay, trình độ công nghệ của ban lãnh đạo và cán bộ hợp tác xã còn hạn chế, phần lớn chỉ sử dụng máy tính ở các tác vụ cơ bản. Nhiều người ứng dụng công nghệ số trong thương mại điện tử còn kém… Từ đó, dẫn đến quy cách làm việc rập khuôn, thiếu sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh và cho năng suất kém. Hiện tại, hầu hết các hợp tác xã đều chưa tiếp cận với các ứng dụng bán hàng trực tuyến thịnh hành hiện nay như Shopee, Sendo, Lazada…, dù đây là các giải pháp đầu ra giàu tiềm tăng đối với hợp tác xã.

Bà Bùi Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã rau sạch Thanh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội cho biết, với sản phẩm chính là rau mầm và rau Baby Leaf, hợp tác xã  đang vận dụng thành công chuyển đổi số vào sản xuất và phân phối rau sạch đến đông đảo người tiêu dùng, dù còn gặp nhiều khó khăn trong khâu vận dụng thương mại điện tử. “Dù chỉ 10 nghìn đồng một bó rau hơn 200g, nhưng hợp tác xã cũng cố gắng vận dụng, sản xuất với quy trình đóng gói tự động, sơ chế sạch sẽ để vừa tiết kiệm chi phí, lại vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Nhưng hiện nay quy mô máy móc, đất đai, nguồn lực cho các công trình tự động còn nhỏ, năng suất cho ra chưa xứng tiềm năng nên dù chúng tôi có xây dựng website, liệt kê điểm bán cụ thể và hỗ trợ đặt hàng online… nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn khi đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Nguyên nhân là bởi hầu hết các thành viên trong hợp tác xã đều không thành thạo công nghệ, không biết làm thế nào để đưa sản phẩm trực tuyến đến tay người tiêu dùng để họ biết đến mình nhiều hơn”, bà Hà nói.

2/Tính đến hiện tại, đã có 26,1% số hợp tác xã  sử dụng internet để tham gia bán hàng trên các trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, để đưa nông sản sạch đến gần và phổ biến hơn với người tiêu dùng, liên minh hợp tác xã, cán bộ các sở, ban, ngành cần đẩy nhanh việc đào tạo đội ngũ nhân sự để họ mạnh dạn áp dụng công nghệ thông tin vào trong sản xuất, quản trị kinh doanh. Bản thân các hợp tác xã  cũng cần phải có sự liên kết với nhau để có thể tự tìm cho mình các giải pháp phù hợp. Đồng thời, chủ động tiếp cận, tìm hiểu các giải pháp số khác giúp cải thiện quy cách làm việc của doanh nghiệp hợp tác xã sao cho nhanh, gọn, tiết kiệm…

Bà Dương Thị Anh Xuân, Giám đốc Hợp tác xã  rau sạch Hà Hồi, Thường Tín cho biết, việc áp dụng chuyển đổi số nền tảng thương mại điện tử đang hết sức khó khăn đối với các hợp tác xã nông nghiệp nhỏ. “Rau bán trực tuyến rất khó, không biết vận chuyển kiểu gì vì rau phải bảo quản đông lạnh, còn nếu muốn xuất khẩu lại phải tìm các doanh nghiệp trung gian, hợp tác xã  nhỏ với năng lực sản xuất có hạn nên khó có thể đáp ứng được đầu ra này. Nếu muốn chuyển hướng bán hàng trên các sàn điện tử thì phải đầu tư thêm nhiều máy móc, khâu đóng gói, bảo quản hơn nữa chứ không hề đơn giản. Chúng tôi cũng đã thành lập một website phân phối sản phẩm cho các nhà hàng, siêu thị có nhu cầu nhưng chưa vận hành được nhiều, chỉ hầu hết bán cho các chợ đầu mối như bao năm nay thôi”, bà nói.

Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, Nhà nước cần có các chính sách đặc thù nhằm khuyến khích các thành viên ứng dụng nhiều hơn giải pháp số ở hợp tác xã, đặc biệt là thương mại điện tử. Bên cạnh đó, các cấp cũng cần chú trọng định hướng vào công tác đào tạo con người, thu hút nguồn lực trẻ vào làm việc tại hợp tác xã, đặc biệt là nguồn nhân lực thành thạo về công nghệ thông tin, sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số của các hợp tác xã…