Đừng tự ý dùng thuốc điều trị Covid-19

Ngày càng có nhiều F0 phải điều trị tại nhà, nhân viên y tế thì quá tải. Không ít gia đình đã tự tìm hiểu, mua thuốc được cho là chữa Covid-19 trôi nổi trên thị trường. Các chuyên gia cảnh báo, việc dùng tùy tiện sẽ gây nguy hại cho sức khỏe…

Việc dùng không theo chỉ định sẽ dẫn đến lợi bất cập hại. Ảnh: NAM ANH
Việc dùng không theo chỉ định sẽ dẫn đến lợi bất cập hại. Ảnh: NAM ANH

Tràn lan thuốc điều trị Covid trôi nổi

Không khó khi chỉ một cú nhấp chuột là đã ra hàng loạt thông tin quảng cáo bán thuốc kháng virus được cho là chữa Covid-19. Rồi kèm theo là thuốc kháng viêm, thuốc chống đông… giống như các gói thuốc được y tế cơ sở cấp phát cho các F0. Các loại thuốc này đều được quảng cáo là hàng xách tay, chất lượng bảo đảm. 

Thế nhưng, liên tục thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã kiểm tra, bắt giữ nhiều vụ buôn bán thuốc được cho là chữa Covid trôi nổi nhập lậu vào Việt Nam. Trung tá Ngô Anh Thuấn, Phó Đội trưởng Đội 5, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội cho biết: “Tại các vụ án này, thuốc thu giữ được đều do nước ngoài sản xuất, chưa được phép nhập khẩu, chưa được cơ quan chức năng của Việt Nam kiểm định chất lượng. Hầu hết các giao dịch được thực hiện trên hội, nhóm kín trên Zalo, Facebook. Có loại được giao với giá vài triệu đến cả chục triệu đồng. Có nhiều kiểu chào mời, nhưng đều khẳng định, thuốc nhập từ nước ngoài, bảo đảm điều trị Covid-19 hiệu quả”.

Trong khi đó, theo Bộ Y tế, tại Việt Nam hiện nay, thuốc điều trị Covid-19 chứa hoạt chất molnupiravir chỉ đang được sử dụng theo chương trình thí điểm có kiểm soát cho F0 thể nhẹ. Thử nghiệm ban đầu cho thấy, đây là thuốc an toàn, giảm tải lượng virus. Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc vừa đồng ý đề xuất Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện cho ba loại thuốc điều trị Covid tại Việt Nam. Như vậy, chúng ta có thể hiểu là thuốc mới đang được cấp phép chính thức, đang chờ thời gian cấp phép; việc mua bán thuốc trôi nổi trên thị trường, chưa nói đến việc chất lượng chưa được kiểm chứng và việc dùng không theo chỉ định sẽ dẫn đến lợi bất cập hại. 

Nguy cơ bùng phát bệnh tiềm ẩn

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, chuyên gia điều trị Covid, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo: Thời gian qua, rất nhiều trường hợp dù không có triệu chứng gì, không có chỉ định sử dụng thuốc kháng virus nhưng vẫn tìm nhiều cách thức khác nhau để có thuốc này sử dụng. Đây chính là cơ hội để cho những người có ý định trục lợi cung cấp thuốc với giá trên trời. 

Lạm dụng thuốc kháng virus có hai nguy cơ: Thứ nhất, tác dụng phụ của thuốc đã được các nhà sản xuất khuyến cáo: chính là nguy cơ gây đột biến các tế bào sinh sản. Do vậy, các thuốc molnupiravir không dùng cho phụ nữ mang thai, không dùng cho những người có ý định mang thai. Thứ hai, molnupiravir chuyển hóa trên gan và có ảnh hưởng không tốt cho gan nên nếu lạm dụng sẽ dẫn đến viêm gan nhiễm độc, ngộ độc gan, suy gan.

Ngoài thuốc kháng virus, còn một số loại thuốc nằm trong danh mục điều trị như kháng sinh, kháng viêm, chống đông nằm trong các gói thuốc được chia theo dạng A, B, C khác nhau. Nhưng có tình trạng nhiều người dân tự mua về, phòng khi trong gia đình có người mắc Covid-19 đem ra sử dụng. Không ít trường hợp, truyền tai nhau, tự ý dùng thuốc kháng viêm chứa corticoid như thuốc Medrol. 

Rất nhiều loại thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid hiện nay có tác dụng phụ. Nếu người dân dùng thiếu kiểm soát thì sẽ chịu hậu quả. Thí dụ, thuốc chống đông: Quá trình đông máu của một cơ thể là bình thường nhưng dùng thuốc chống đông vào thì nguy cơ lớn nhất là chảy máu. Hoặc thuốc chống viêm cũng phải dùng đúng thời điểm, không phải lúc nào dùng cũng có lợi. Thí dụ như giai đoạn đầu của Covid là giai đoạn mà phản ứng viêm chưa cần phải kiểm soát thì nhiều  người lại lạm dụng thuốc chống viêm dẫn đến hệ miễn dịch tê liệt, không thải loại được virus ra ngoài, đồng thời kéo theo nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn. Thuốc chống viêm cũng góp phần gia tăng chảy máu đường tiêu hóa, cùng làm cho nhiều bệnh tiềm ẩn trong cơ thể bùng phát lên, thí dụ như là bệnh lao.

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG THUỐC ĐIỀU TRỊ COVID NHƯ SAU:

Khi sốt từ 38oC, ta dùng hạ sốt. Đối với thuốc chống viêm, phải đúng điều lượng, đúng thời điểm khi bệnh nhân bắt đầu suy hô hấp, thở nhanh hơn. Lúc đó, đo độ bão hòa oxy trong máu SPO2 96% trở xuống (người bình thường 98%). Thời điểm dùng thuốc kháng viêm cũng phải dùng thuốc chống đông. Lúc đó, cần nhanh chóng liên hệ y tế cơ sở, khi y tế cơ sở chưa đến kịp thì nới lỏng quần áo và ngồi ở tư thế thoải mái nhất, uống đủ nước. Nếu có tình trạng sốt thì có thể tự dùng thuốc hạ sốt. Về hỗ trợ cung cấp oxy, hiện nhiều gia đình đã có máy tạo oxy. Tuy nhiên, lưu lượng tạo oxy của máy thấp, chỉ dùng hỗ trợ trong thời gian đợi y tế đến và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện (Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, chuyên gia điều trị Covid, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai).