Dự án chống ngập “chết” chìm

Các đợt triều cường cuối năm 2021 khiến nhiều tuyến đường TP Hồ Chí Minh bị ngập nước. Trong khi dự án chống ngập do triều cường trị giá hơn 10 nghìn tỷ đồng vẫn chưa thể hoạt động, dù đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc. 

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu vẫn chưa hẹn ngày hoàn thành.
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu vẫn chưa hẹn ngày hoàn thành.

Điệp khúc ngập

Liên tiếp thời gian gần đây, tại một số tuyến đường ven sông, rạch như Trần Xuân Soạn, Lê Văn Lương (quận 7); bờ kè kênh dọc đường bến Mễ Cốc, bến Phú Định (quận 8); Lương Định Của, Quốc Hương, Thảo Điền (thành phố Thủ Đức), mực nước dâng khá cao, gây ngập từ 30-50 cm trên diện rộng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và đi lại của người dân.

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, thành phố đang thực hiện 59 dự án, công trình xây dựng, phát triển hệ thống thoát nước, chống ngập. Trong đó, 53 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách và sáu dự án sử dụng vốn ODA. Tiêu biểu là dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu có tổng mức đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng-giai đoạn 1 (dự án chống ngập do triều cường) do Công ty TNHH Trung Nam BT1547 làm chủ đầu tư.

Theo đại diện chủ đầu tư, tính đến đầu tháng 11, dự án chống ngập do triều cường đã đạt hơn 90% khối lượng. “Khi công trình hoàn thành, sẽ kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP Hồ Chí Minh. Trong đó, sẽ giải quyết ba điểm ngập do triều gồm đường: Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn (quận 7) và quốc lộ 50 (huyện Nhà Bè)”, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT1547 Nguyễn Tâm Tiến nói.

Tuy nhiên, từ giữa tháng 11/2020, dự án phải tạm ngưng thi công đến nay do UBND TP Hồ Chí Minh chưa ký phụ lục hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao) gia hạn thời gian thực hiện dự án (hợp đồng đã hết hạn từ tháng 6/2020) vì gặp vướng mắc trong việc lựa chọn quỹ đất. Khi phụ lục hợp đồng không được ký, ngân hàng không thể giải ngân số tiền còn lại, khiến chủ đầu tư không đủ kinh phí cấp cho các đơn vị thi công.

Theo chủ đầu tư, mặc dù Chính phủ đã ra Nghị quyết gỡ nhiều vấn đề cho dự án này, nhưng gần sáu tháng qua dự án vẫn chưa có gì tiến triển. Chủ đầu tư vẫn đang chờ UBND TP Hồ Chí Minh hoàn tất các thủ tục ký kết phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành để tiếp tục thi công dự án. Khi phụ lục hợp đồng không được ký thì ngân hàng không thể giải ngân số tiền 1.800 tỷ đồng còn lại, dẫn đến dự án bị đình trệ.

Gỡ khó, vẫn vướng

Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Đặng Phú Thành nhìn nhận, việc thay đổi các chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động xây dựng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án chống ngập, do phải cập nhật, chờ hướng dẫn thực hiện đối với công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng; tiến hành điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho phù hợp theo quy định.

Để giải quyết căn cơ tình trạng ngập do triều cường, trao đổi với Thời Nay, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Quân cho biết, thành phố đã và đang triển khai các dự án thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập úng đã được Thủ tướng phê duyệt. Trong đó, xây dựng tuyến đê bao dọc sông Sài Gòn, từ Bến Súc đến sông Kinh Lộ, với tổng chiều dài khoảng 149 km; hệ thống cống ngăn triều, trạm bơm dọc theo đê bao. Về dự án giải quyết ngập do triều, thành phố hiện đang xác định các khu đất để hoán đổi và đáp ứng những yêu cầu theo phụ lục hợp đồng BT. 

Vào cuối tháng 10 vừa qua, thành phố đã giao Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị chủ trì phối hợp chủ đầu tư và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức, thực hiện. Hiện, các bên đã hoàn tất việc xác nhận giá trị khối lượng hoàn thành của dự án, từ đó, làm cơ sở để giải ngân khoản vay. UBND thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện theo trình duyệt báo cáo giám sát đánh giá đầu tư và điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Trước đó, vào tháng 4 năm nay, Thủ tướng đã ký Nghị quyết 40 về việc gỡ vướng, để TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai dự án theo cơ chế đặc thù nhằm bảo đảm lợi ích kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư. UBND thành phố được giao chịu trách nhiệm trong quá trình hoàn thành dự án theo quy định; thanh toán cho nhà đầu tư và rà soát, loại bỏ các chi phí bất hợp lý. 

Chính phủ đã yêu cầu TP Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm khắc phục tối đa tồn tại pháp lý đang vướng mắc; hiệu quả chống ngập của dự án; không để tiêu cực, thất thoát...