Chủ quan với Covid-19

Bạn đọc viết:

Lê Thu Hà (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội)

Khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát, chính quyền ở những nơi có ca lây nhiễm đã nhanh chóng yêu cầu giải tỏa chợ cóc, chợ tạm để phòng dịch. Thế nhưng, với sự thiếu ý thức của không ít tiểu thương và người dân, sự lơ là của một bộ phận lực lượng chức năng, nhiều chợ cóc, chợ tạm vẫn hoạt động bất chấp Covid-19. 

Thực tế, nhiều chợ cóc, chợ tạm vẫn họp công khai, vô tư theo kiểu “đuổi thì chạy” và tất nhiên là chạy tới lúc nào vắng bóng lực lượng chức năng thì lại... họp chợ tiếp. Cạnh nhà tôi, trên cây cầu Mới nối giữa phố Giáp Nhất (quận Thanh Xuân) và đường Láng (quận Đống Đa), tồn tại một khu chợ cóc. Giống những chợ cóc khác, các tiểu thương thường mang hàng hóa lên bày bán kín hai bên lối đi bộ trên cầu. Dần dần, toàn bộ cây cầu được “chuyển đổi mục đích sử dụng” từ đi lại sang mua bán. Nhiều tiểu thương thậm chí “thượng” cả xe tải và bán tải cỡ nhỏ lên cầu. Chợ họp đến gần buổi trưa thì vãn dần, để lại mặt cầu vương vãi đủ thứ vỏ rau củ, vảy cá và đủ thứ phế phẩm tanh ngòm, hôi thối. Tiểu thương nào không vứt bừa thì... quăng luôn xuống sông. 

Những tưởng, với những quy định của UBND TP Hà Nội, khu chợ cóc này sẽ dần biến mất, trả lại không gian di chuyển, đời sống sinh hoạt bình thường cho người dân khu vực. Nhưng không, “chợ cầu Mới” vẫn hoạt động rầm rộ, ngang nhiên theo tinh thần “không sợ” dịch Covid-19. Khó hiểu ở chỗ, trong khi tiểu thương và khách hàng vẫn mua bán nườm nượp, thì lực lượng chức năng lại điềm nhiên “ngồi chơi xơi nước” ở các chốt chặn, căng thông báo đỏ chót “cấm họp chợ tạm, chợ cóc” ngay hai đầu cầu Mới (!?) Những ca lây nhiễm trong cộng đồng ở một khu chợ tại huyện Đông Anh phải chăng chưa đủ nghiêm trọng để trở thành hồi chuông báo động cho những khu chợ cóc, chợ tạm thế này?