Chọn nghề cho mình hay cho thị trường?

Từ ngày 24-4 đến 11-5, thí sinh cả nước đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và đăng ký xét tuyển đại học - cao đẳng (ĐH - CĐ). Năm nay, nhiều trường ĐH mở thêm các ngành học mới phù hợp nhu cầu của thị trường và hội nhập quốc tế. Vậy các thí sinh nên lựa chọn ra sao?

Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm học 2021 - 2022.
Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm học 2021 - 2022.

1/Tham dự các Ngày hội tư vấn tuyển sinh của các trường ĐH - CĐ thời gian gần đây, có thể thấy nhóm ngành ngôn ngữ tiếp tục được nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm. ThS Nguyễn Liên Hương, giảng  viên Khoa tiếng Đức, Trường ĐH Hà Nội nhận xét: Giai đoạn hiện nay, Việt Nam liên tục đón nhận các làn sóng đầu tư mới từ các quốc gia, nhóm ngành ngôn ngữ vẫn luôn “nóng”. Cũng với xu thế hội nhập quốc tế, các ngôn ngữ Anh, Nhật, Hàn, Đức, Trung… luôn có đông thí sinh đăng ký xét tuyển. Nhóm ngành này khi ra trường mang lại cơ hội việc làm cao, phục vụ đa dạng ngành nghề, phát triển khả năng bản thân và phù hợp nền kinh tế mở hiện nay.

Bên cạnh đó, bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều trường mở thêm các ngành học mới. Trong năm học 2021 - 2022, ĐH Kinh tế Quốc dân dự định mở thêm ngành đào tạo trình độ ĐH cho lực lượng quản lý thị trường. Nhu cầu thực tế cho thấy, cán bộ quản lý thị trường tương lai cần có chuyên môn sâu về kinh tế, kỹ năng nghề nghiệp, am hiểu các văn bản pháp lý liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra thị trường, đồng thời biết ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào chuyên môn. 

Năm 2021, ĐH Quốc gia Hà Nội mở thêm ngành học mới về Quản trị thương hiệu. Theo Đề án chương trình đào tạo cử nhân ngành Quản trị thương hiệu, đây là chương trình thí điểm nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh cao trong ngành thương hiệu; có khả năng ứng biến linh hoạt trong môi trường đa văn hóa và khả năng hội nhập quốc tế.

Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng mở hai ngành mới là Khoa học dữ liệu và Kỹ thuật ô-tô, bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2021 - 2022 cùng các ngành khác như Công nghệ Sinh học nông, y dược; Công nghệ thông tin và Truyền thông; Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano; Vũ trụ và ứng dụng; Kỹ thuật điện và Năng lượng tái tạo; Nước - Môi trường - Hải dương học; Khoa học và Công nghệ thực phẩm; Khoa học và Công nghệ Y khoa; An toàn thông tin; Hóa học; Toán ứng dụng; Vật lý kỹ thuật và điện tử; Bảo trì và kỹ thuật hàng không; Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử.

2/Tiến bộ của trí tuệ nhân tạo đã cho ra đời nhiều sản phẩm công nghệ chất lượng cao, với khả năng tự động hóa, cá nhân hóa... Nhiều nước đã đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này, trong đó nguồn nhân lực được xem là yếu tố cốt lõi. Tại Việt Nam, nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo mới chỉ đáp ứng 1/10 nhu cầu thị trường và hiện đang rất thiếu nhân lực trí tuệ nhân tạo ở mức cao. Trước xu thế đó, ngành học mới về trí tuệ nhân tạo (DS-AI), khoa học dữ liệu đã được mở ra trong vài năm trở lại đây và luôn đón nhận sự quan tâm của các thí sinh. ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH FPT, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh) hiện là những trường mở ngành học này. 

Hai năm qua, số sinh viên đăng ký ngành DS-AI tại ĐH Bách khoa Hà Nội rất đông, nhưng trường chỉ tuyển với số lượng hạn chế (60 sinh viên năm 2019 và 80 sinh viên năm 2020). Năm 2021 này, nhà trường dự kiến tuyển 100 sinh viên. Ngoài ra, trong chương trình khoa học máy tính cũng có định hướng chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo từ năm thứ ba. Hiện tại, số lượng sinh viên đăng ký học định hướng trí tuệ nhân tạo trong ngành khoa học máy tính rất lớn. Vì thế, điểm chuẩn của khoa học máy tính trong nhiều năm gần đây luôn cao nhất trong tất cả các ngành của ĐH Bách khoa Hà Nội, thậm chí là cao nhất cả nước, cho thấy nhu cầu học về ngành này rất lớn.

3/Vào mùa tuyển sinh, theo tư vấn của các giảng viên ĐH, việc chọn ngành nghề phải phù hợp năng lực và ngành nghề xã hội đang thật sự cần. Hiện nay, có nhiều ngành nghề mới được mở ra, nhưng không phải cứ hấp dẫn là các thí sinh đổ xô vào. Các ngành nghề mới yêu cầu cạnh tranh trình độ rất cao. Do vậy, các thí sinh chỉ nên chọn những ngành nghề đó khi có năng lực, đam mê thật sự. Cùng với đó, khi chọn lựa nghề nghiệp, bên cạnh cơ hội việc làm thì điều thí sinh cần đặc biệt chú ý là nội dung, ý nghĩa và giá trị xã hội của nghề nghiệp cũng như sự phù hợp của nghề nghiệp với xu hướng, nguyện vọng, sở trường của bản thân.