Cần thêm cách tái chế, giảm rác thải nhựa

Sau một thời gian triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn và chú trọng thu gom, tái chế rác thải nhựa, TP Hồ Chí Minh tiếp tục đưa ra các giải pháp nhằm giảm thải loại rác thải nhựa, giảm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn đang thiếu những giải pháp thật sự hiệu quả. 

Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại TP Hồ Chí Minh đang hướng đến sử dụng các loại bao bì thân thiện môi trường.
Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại TP Hồ Chí Minh đang hướng đến sử dụng các loại bao bì thân thiện môi trường.

Dần thay đổi

Là người đã thay đổi thói quen sử dụng túi nylon khó phân hủy hằng ngày, chị Lê Thị Dung, ngụ tại chung cư Hoàng Anh Giai Việt (số 856 Tạ Quang Bửu, phường 5, quận 8) chia sẻ: “Mấy năm nay trở lại đây, nhà tôi sử dụng các bao bì thân thiện môi trường. Cùng với đó, vận động cư dân hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, thay vào đó sử dụng bao bì thân thiện như túi vải, túi nylon tự phân hủy, túi giấy…, góp phần bảo vệ môi trường sống chung quanh được trong lành hơn”.

Để thay thế túi nylon khó phân hủy sinh học, những năm gần đây, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cũng thay thế 100% túi nylon khó phân hủy sinh học bằng túi nylon thân thiện với môi trường. Về phía cơ quan nhà nước, từ tháng 8/2019 đến nay, tại các công sở, hội nghị, hội thảo, cuộc họp… trên địa bàn thành phố cũng thực hiện giảm sử dụng chất thải nhựa; không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; các sản phẩm nhựa dùng một lần. Còn về phía địa phương, tại huyện Nhà Bè, đến nay, các hội nghị, cuộc họp đã sử dụng bình nước và ly thủy tinh, ly sứ… để uống nước. 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày, thành phố thải ra hơn 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chất thải nhựa chiếm khoảng 1.800 tấn. Khối lượng rác thải tăng bình quân từ 6 - 10%/năm. Việc tăng nhanh chóng chất thải rắn đô thị với tính chất, thành phần đa dạng, phức tạp đã trở nên áp lực trong quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Chất thải nhựa nếu không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường. Do đó, thành phố đã đưa ra kế hoạch tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn.

Trao đổi với Thời Nay, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh (Citenco) Huỳnh Minh Nhựt cho hay, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn hiện nay còn dàn trải, chưa tập trung, phương tiện, thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chưa đồng bộ, hiện đại. Việc xử lý chất thải rắn hiện nay chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải dẫn đến khối lượng chất thải rắn xử lý bằng công nghệ chôn lấp cao. Hiện, thành phố chưa tổ chức được mạng lưới thu gom chất thải tái chế. Hơn 80% khối lượng chất thải tái chế đang chôn lấp cùng với chất thải sinh hoạt gây lãng phí tài nguyên, ngân sách và ảnh hưởng đến môi trường.

Hạn chế bằng mô hình 3T

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt hiện do hai hệ thống công lập và dân lập thực hiện, trong đó hệ thống công lập (Citenco và 22 công ty dịch vụ công ích quận/huyện) thu gom 40% khối lượng rác toàn thành phố. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực nội thành đạt 100%. Riêng khu vực ngoại thành chỉ đạt 70 - 80% do một bộ phận người dân… tự xử lý, gây nhiều hệ lụy về môi trường.

Trong khi đó, chất thải rắn sinh hoạt được xử lý tại Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (WVS) với 5.800 tấn/ngày bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh; Công ty Vietstar là 1.800 tấn/ngày và Công ty Tâm Sinh Nghĩa là 1.300 tấn/ngày xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phân compost. Bên cạnh đó, Citenco tiếp nhận và xử lý rác cặn sau quá trình phân loại của Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa với khối lượng 700 tấn/ngày.

Để thực hiện hiệu quả việc giảm rác thải nhựa thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, thành phố vừa ban hành kế hoạch tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm chất thải nhựa trên địa bàn. Trong đó, chú trọng kiểm soát chất thải tại nguồn. Hạn chế và tiến tới không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động hằng ngày. Vận động nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh…, giảm chất thải nhựa, chuyển dần sang sử dụng sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường. Đồng thời, khuyến khích việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa thông qua các hoạt động, triển khai sử dụng mô hình 3T (Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế).

TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra các hành vi vi phạm về môi trường như vứt chất thải, chất thải nhựa bừa bãi ở nơi công cộng. Kiểm tra và xử lý các vi phạm về thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp… trong hoạt động nhập khẩu, sản xuất phân phối, kinh doanh bao bì nhựa khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích sản phẩm tái chế, sản phẩm thân thiện với môi trường.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ở Việt Nam, mỗi năm thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa. Chỉ riêng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày đã thải ra môi trường khoảng 70 - 80 tấn nhựa (ống hút nhựa, chai hộp nhựa, ly nhựa, túi nylon...). Trong đó, chỉ 17% số túi nylon được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại được thải bỏ sau khi sử dụng một lần.