Cần luôn có ý thức chống dịch

Bạn đọc viết:

Dòng người đổ ra đường đêm Trung thu. Ảnh: VIỆT LINH
Dòng người đổ ra đường đêm Trung thu. Ảnh: VIỆT LINH

Lương Văn Quang (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội)

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chắc hẳn nhiều người cũng đã thấy được cảnh tượng đông đúc trong đêm rằm Trung thu ở trung tâm Thủ đô. Tuy nhiên, phải sinh sống tại đây, mới có thể hiểu rõ ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân đã cố tình phớt lờ mọi quy định phòng, chống dịch chỉ để có cho riêng mình cái gọi là “không khí Trung thu”. 

Ngay từ sáng ngày 21/9 (tức rằm Trung thu), lượng người đến mua đồ chơi ở phố Hàng Mã đã tăng nhanh. Một số tiểu thương hé cửa cho khách vào chọn mua đồ bên trong, nhưng cũng không ít hộ bê hẳn “đồ nghề” ra vỉa hè để làm đèn ông sao, đèn cù… bán tại chỗ. Các “thượng đế” chen lấn, xô đẩy, ai cũng muốn giành cho bằng được một món đồ chơi gì đó, bất chấp việc nó có đẹp hay không. Tình cảnh ngày càng hỗn loạn và có chiều hướng gia tăng vào đầu giờ chiều, khiến chính quyền sở tại đã phải bổ sung lực lượng chức năng, dùng hàng rào quây hai đầu phố Hàng Mã, tránh tụ tập đông người. Không thể đỗ xe trước cửa hàng, nhiều người thản nhiên vứt phương tiện ở khu vực phố Hàng Ngang - Hàng Đào và một số tuyến phố lân cận, gây mất trật tự, an toàn giao thông nghiêm trọng vào đúng thời điểm tan tầm. Những “thương vụ” mua bán đồ chơi vì thế cũng tràn luôn ra đường. 

Tối đến, nhìn từ cửa sổ, chúng tôi thật sự hốt hoảng với biển người đi lại tấp nập, tựa như Hà Nội không hề có sự tồn tại của dịch Covid-19, càng chưa từng trải qua nhiều chục ngày giãn cách xã hội khó khăn, vất vả. Người lớn vô tư mang trẻ con đi “bát phố”, dạo mát, gây ùn tắc cục bộ ở nhiều tuyến đường quanh khu vực hồ Gươm. Tất nhiên, trong cảnh hỗn loạn ấy, việc “quên” đội mũ bảo hiểm hoặc khẩu trang là điều dễ hiểu. 

Chống dịch, vốn không phải chỉ cần ỷ lại các biện pháp từ chính quyền là xong. Kể từ khi dịch bệnh xuất hiện ở nước ta, đã có bao bài học đắt giá mang tên “ý thức”. Nhưng phải chăng, như vậy vẫn là chưa đủ?