Bất thường hiện tượng lao động nghỉ việc tăng cao

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, tính chung năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 50,5 triệu người, giảm 0,8 triệu người so năm trước. 

Năm 2021, người làm công hưởng lương thấp hơn năm trước.
Năm 2021, người làm công hưởng lương thấp hơn năm trước.

1/Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý IV/2021 ước tính là 50,7 triệu người, tăng 1,7 triệu người so quý trước và giảm 1,4 triệu người so cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 50,5 triệu người, giảm 0,8 triệu người so năm trước.

Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý IV/2021 ước tính là 49,1 triệu người. Tính chung năm nay, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 49 triệu người, bao gồm 14,2 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 0,3% so năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,2 triệu người, giảm 1,5%; khu vực dịch vụ là 18,6 triệu người, giảm 4,1%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 3,22% (quý I là 2,42%; quý II là 2,62%; quý III là 3,98%; quý IV là 3,56%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4,42%; khu vực nông thôn là 2,48%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) năm 2021 ước tính là 8,48%, trong đó khu vực thành thị là 11,91%; khu vực nông thôn là 6,76%.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 3,10% (quý I/2021 là 2,20%; quý II là 2,60%; quý III là 4,46%; quý IV là 3,37%), trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 3,33%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,96%.

Tình hình lao động, việc làm quý IV/2021 khởi sắc so quý trước nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm tính chung năm 2021 cao hơn năm trước trong khi số người có việc làm, thu nhập của người làm công hưởng lương thấp hơn năm trước.

Đáng lưu ý, tỷ lệ thất nghiệp năm 2021 tại Việt Nam là 3,22% và chiếm khá cao trong cơ cấu nguồn nhân lực. Những tưởng điều này khiến cho người lao động khi đi làm lại sau thời gian dài giãn cách xã hội sẽ quý trong công việc, nhưng có một nghịch lý là tỷ lệ nghỉ việc cũng cao tương đương, thâm chí còn tạo ra trào lưu ngày càng ra tăng ở giới trẻ. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nhân lực. 

2/Kết quả khảo sát trực tuyến vừa được Anphabe (Công ty tư vấn nguồn nhân lực tại Việt Nam) thực hiện trên 65.200 người thuộc 20 nhóm ngành nghề cho thấy, cứ  10 người đang đi làm lại có sáu người chủ động tìm công việc mới. Độ tuổi nghỉ việc nhiều nhất từ 24 tuổi trở xuống hoặc những người từ 40 tuổi trở lên.

Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành Anphabe cho hay: “Các giám đốc nhân sự hay nhà quản lý, họ nghĩ rằng, bây giờ nghỉ việc thì sẽ rất khó kiếm việc nên họ tưởng rằng, nhân viên khi đi làm lại sẽ rất quý công việc, sẽ rất vui mừng nhưng ngược lại họ đã khá sốc khi nhận ra, tỷ lệ nghỉ việc bắt đầu gia tăng và ngày càng có có xu hướng gia tăng theo tất cả các ngành nghề”. 

Covid-19 là nguyên nhân chính khiến người lao động ồ ạt nghỉ việc, rơi vào các nhóm ngành có số lượng lao động lớn buộc phải dịch chuyển để tồn tại. Dịch bệnh cũng khiến cách thức làm việc thay đổi làm giảm chỉ số gắn kết giữa người lao động với doanh nghiệp. Năm 2021, chỉ số gắn kết này ở Việt Nam xuống mức thấp nhất trong sáu năm qua. PGS, TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội chia sẻ: “Xu hướng lao động việc làm ngày nay là người lao động có thể làm được nhiều loại hình công việc khác nhau, vẫn có bảo đảm thu nhập mà không bị bó buộc trong một khuôn khổ, giao kết nào hết!”.

Theo nhiều chuyên gia, tình trạng lao động ồ ạt nghỉ việc dễ đẩy thị trường lao động Việt Nam rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, nhất là thời điểm này, doanh nghiệp cần lao động để phục hồi sản xuất sau dịch. Bà Thanh Nguyễn nhận định: “Thách thức về nghỉ việc ồ ạt sẽ đặt doanh nghiệp trước một việc là trong thời gian tới nguồn nhân lực của chúng ta sẽ thiếu cả chất và lượng”.

Dự báo, tỷ lệ người lao động nghỉ việc sẽ còn gia tăng vào đầu năm 2022. Để hạn chế tình trạng này, ngoài chính sách tiền lương, phúc lợi xã hội, doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi tư duy tuyển dụng, tận dụng tối đa nguồn nhân lực trí thức đang làm việc tự do. Bởi xu hướng đang được nhiều lao động lựa chọn hiện nay là kết hợp linh hoạt giữa làm việc ở nhà và làm ở công sở.