Bất cập tại trung tâm đại gia súc

Từng được coi là “địa chỉ đỏ khoa học”, đến nay Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi (thành phố Sông Công, Thái Nguyên) đã cũ kỹ, xuống cấp, xập xệ do không được đầu tư nâng cấp; đồng bãi rộng lớn lên đến 65 ha chỉ để trồng cỏ nuôi vài chục con gia súc…

Chuồng trại của trung tâm lạc hậu, xuống cấp nghiêm trọng.
Chuồng trại của trung tâm lạc hậu, xuống cấp nghiêm trọng.

Nhiều nghiên cứu quan trọng

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi (thành phố Sông Công, Thái Nguyên) là đơn vị sự nghiệp khoa học duy nhất từ miền trung trở ra chuyên nghiên cứu, bảo tồn nguồn gien trâu, bò, ngựa quý hiếm thuộc Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hơn sáu thập kỷ qua.

Trung tâm tập hợp nhiều nhà khoa học hàng đầu về trâu, bò, ngựa. Các nhà khoa học đã đi khắp đất nước, một số nước trong khu vực để tìm kiếm, đưa các giống trâu, bò, ngựa có nguồn gien quý hiếm để nhân giống, phát triển chăn nuôi. Nơi đây đã nghiên cứu, bảo tồn, lai tạo giống trâu “ngố” Hàm Yên, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Bảo Yên (Lào Cai), Thanh Chương (Nghệ An); trâu đầm lầy (Thái-lan), trâu Murrah (Ấn Độ). 

Những năm qua, trung tâm đã chọn lọc những trâu cái bản địa có trọng lượng từ 350 kg trở lên để làm nền, sử dụng các giống trâu đực có nguồn gien quý hiếm nên chất lượng, tầm vóc nghé (F1) sinh ra được cải thiện rõ rệt. Trung tâm đã nghiên cứu thành công tinh cọng rạ trâu. Đây là nghiên cứu rất quan trọng, mang ý nghĩa đột phá, vì sau nhiều năm trâu gốc sẽ chết, nhưng nguồn gien vẫn được bảo tồn lâu dài bằng tinh cọng rạ đông lạnh, đồng thời tinh cọng rạ được sản xuất với số lượng lớn để phục vụ lai tạo giống phục vụ chăn nuôi đại trà. Bên cạnh đó, các nhà khoa học ở đây cũng nghiên cứu thành công kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trâu, phương pháp phát hiện trâu cái động dục, đánh dấu bước tiến dài trong việc cải tạo đàn trâu theo hướng tầm vóc lớn, thể trạng tốt, nhiều thịt qua thụ tinh nhân tạo. 

Trung tâm này cũng tập huấn, đào tạo đội ngũ cộng tác viên thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo ở khắp các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, miền núi phía bắc, những nơi có tiềm năng, thế mạnh, tập quán, kinh nghiệm chăn nuôi trâu tốt. Từ đó, hằng năm tạo ra hàng nghìn trâu lai có nguồn gốc gien quý hiếm, có trọng lượng thịt cao hơn trâu bản địa từ 20 - 30%. Mỗi con nghé ra đời từ tinh cọng rạ, chăn nuôi trong điều kiện bình thường, sau 12 tháng bán với giá khoảng 20 triệu đồng, hai năm tuổi có giá 30 - 35 triệu đồng, mang lại giá trị cao hơn hẳn so đàn trâu đang bị thoái hóa bởi cận huyết, góp phần tích cực phát triển chăn nuôi trâu. 

Nhưng “cái khôn” còn bị “bó”

TS Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Đến nay, hầu hết các giống bò thịt, bò sữa tốt nhất thế giới đều đã thường xuyên được nhập về Việt Nam để nghiên cứu, lai tạo, sản xuất đại trà. Nhưng trâu thì không nhập về, trong khi đó từ miền trung trở ra chỉ có duy nhất trung tâm là đơn vị chuyên nghiên cứu, phát triển giống trâu tốt. Nhà khoa học chuyên nghiên cứu về trâu cũng không nhiều, gần như không được bổ sung, không thu hút được người giỏi, vì không có cơ chế đặc thù, thu nhập gần như dựa vào lương theo ngạch bậc chung. Đầu tư của Nhà nước cho cơ sở vật chất, trang thiết bị gần như không có… Trong khi đó, việc bảo tồn các giống trâu có nguồn gien quý hiếm, nhân giống để phát triển chăn nuôi làm thực phẩm, đáp ứng nhu cầu sức kéo ở miền núi, những nơi không thể sử dụng máy móc để làm đất là cần thiết, là đòi hỏi của thực tế.

Là đơn vị sự nghiệp khoa học công lập, trung tâm đang đứng trước áp lực rất lớn, đó là hằng năm cấp trên cắt giảm 10% chi thường xuyên, tiến tới tự chủ. TS Đại tiếc nuối: “Tiềm năng của chúng tôi là rất lớn, đó là đội ngũ nhà khoa học có năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết, tận tụy; đất đai rộng lớn nhưng không thể phát huy. Cách đây mấy năm, TH True Milk có ý định liên doanh, liên kết với chúng tôi để đưa giống bò sữa ra nuôi, tạo giống phát triển đàn bò sữa ở một số tỉnh trong khu vực. Nhưng chúng tôi chỉ được sử dụng cơ sở vật chất hiện có để liên doanh, liên kết, trong khi đó chuồng trại xuống cấp, lạc hậu, họ không dùng; liên doanh đầu tư cơ sở vật chất mới như chuồng trại, cơ sở nghiên cứu, sản xuất... trên đất công thì lại không được phép nên họ rút lui”. 

Hiện, trung tâm có nguyện vọng thí điểm hợp tác, liên kết nhằm thu hút nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, bảo tồn nguồn gien, chuồng trại chăn nuôi hiện đại, tổ chức sản xuất, phát triển chăn nuôi. Như thế, đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, tiềm năng đất đai của trung tâm này sẽ được phát huy, đóng góp nhiều hơn cho Nhà nước, xã hội, cải thiện đời sống của đội ngũ cán bộ ở đây.