Bảo đảm quyền chọn môn cho học sinh

Những cuộc tranh luận thời gian qua về việc môn Lịch sử sẽ là môn lựa chọn trong chương trình lớp 10 phần nào cho thấy, các phụ huynh và thậm chí cả các học sinh chuẩn bị lên lớp 10 còn khá mơ hồ về chương trình mới nói chung và việc lựa chọn môn nói riêng. Điều này có thể dẫn tới sự phân tích không đầy đủ và quyết định chọn môn gì dễ dẫn đến sai lầm của các em trong năm học tới. 

Học sinh được quyền chủ động lựa chọn môn học cần thiết cho lĩnh vực nghề nghiệp tương lai.
Học sinh được quyền chủ động lựa chọn môn học cần thiết cho lĩnh vực nghề nghiệp tương lai.

1/Những ngày này, học sinh lớp 9 Trường THCS Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội đang hoàn thành chương trình và ôn thi tuyển sinh vào lớp 10. Học thôi đã không đủ thời gian nên đa số các em chưa kịp tìm hiểu sâu về nội dung chương trình các môn học ở lớp 10. Các định hướng đều ở mức chung chung. Em Nguyễn Mạnh Tùng, học sinh lớp 9 của trường cho biết: “Vào cấp 3, theo định hướng của gia đình và dựa trên năng lực của bản thân, con dự kiến sẽ tập trung các môn Toán, Lý, Hóa để thi vào Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Còn học các môn tự chọn hay lựa chọn thế nào khi vào lớp 10, con chưa biết rõ lắm”. Nhà trường cũng cho biết, học sinh mới đi học trở lại một thời gian ngắn nên ưu tiên của trường là bù đắp kiến thức, kỹ năng thiếu hụt cho các em. Việc giúp các em tìm hiểu sâu về chương trình lớp 10 sẽ được tính toán nhưng chưa phải vào thời điểm này. 

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (gọi tắt là chương trình 2018) chia giáo dục phổ thông thành hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục bắt buộc từ lớp 1 tới lớp 9 và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 tới lớp 12. Trong giai đoạn này, ngoài một số những môn học bắt buộc như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, các em được tự chọn một số môn, trong đó có môn Lịch sử để đáp ứng nhu cầu học chuyên sâu cho công việc tương lai. Ba nhóm môn học gồm: Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên và nhóm môn Công nghệ, Tin học và Nghệ thuật. 

Đây là một điểm mới rất cơ bản trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Học sinh được quyền chủ động lựa chọn, trang bị cho mình những kiến thức cần thiết cho lĩnh vực nghề nghiệp tương lai cũng như phù hợp mong muốn và nguyện vọng cá nhân. Tính áp đặt và cào bằng trong thiết kế chương trình như trước đây bị hạn chế. Nếu tổ chức tốt ở các trường sẽ phát huy được hết vai trò, sức mạnh của chương trình và những cuốn sách giáo khoa. 

Thí dụ, như môn Công nghệ là môn học lựa chọn trong nhóm thứ ba bao gồm các môn Công nghệ, Tin học và Nghệ thuật (gồm Âm nhạc và Mỹ thuật). Theo yêu cầu, học sinh được lựa chọn ít nhất là một trong các môn đó. Riêng với môn Công nghệ, trong chương trình giáo dục phổ thông, được phân hóa một cách chuyên sâu hơn theo hai lĩnh vực định hướng là Công nghiệp và Nông nghiệp. TS Nguyễn Thế Công, giảng viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội, chủ biên sách Công nghệ 10 định hướng Công nghiệp, bộ sách Cánh Diều cho biết: Trong mỗi định hướng, chia thành hai quyển: Sách giáo khoa và Sách chuyên đề. Sách giáo khoa sẽ định hướng năng lực học sinh trong thiết kế và công nghệ trong công nghiệp như công nghệ trong lĩnh vực luyện kim, cơ khí, công nghệ trong lĩnh vực điện, điện tử, công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… Còn chuyên đề thì chuyên sâu hơn về ba lĩnh vực: Vẽ và thiết kế kỹ thuật với sự hỗ trợ của máy tính; Thiết kế mạch điều khiển cho ngôi nhà thông minh và nghề nghiệp STEM… phù hợp những học sinh có năng khiếu, năng lực để chuẩn bị thi và làm việc trong các lĩnh vực: Điều khiển và Tự động hóa, Truyền thông không dây, Trí tuệ nhân tạo…

2/Nhiều môn khác cũng thể hiện rõ định hướng nghề nghiệp của học sinh. Thí dụ, sách giáo khoa Kinh tế và Pháp luật 10 cũng thiết kế để học sinh tập trung sâu hơn vào nội dung kinh tế và pháp luật thay vì dàn trải nhiều nội dung khác nhau như ở môn Giáo dục công dân trước đây. PGS, TS Trần Thị Mai Phương, Tổng chủ biên sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 10, bộ sách Kết nối Tri thức với cuộc sống cho biết: “Các em biết được những kiến thức đó để chuẩn bị cho mình hành trang khi bước ra thị trường lao động. Các em sẽ biết cách tiếp cận với nó như thế nào. Thí dụ, có chuyên đề riêng về Luật Lao động để cho các em biết được quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động hay những nội dung của hợp đồng lao động…”.

Điều mà nhiều người quan tâm là hiện nay, các trường sẽ xây dựng dự kiến một số tổ hợp môn học lựa chọn theo điều kiện của nhà trường, sau đó cho phép học sinh chọn, trong số các tổ hợp ấy. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lựa chọn của học sinh. Về vấn đề này, theo các chuyên gia giáo dục, để học sinh lựa chọn được những môn phù hợp nguyện vọng, mong muốn của cá nhân thì các trường cần đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư đội ngũ giáo viên nhưng mặt khác phải rất ưu tiên những môn học có nhiều học sinh lựa chọn. Với những môn thật sự cần thiết cho nghề nghiệp tương lai của học sinh và những môn học mà nhà trường có giáo viên để giảng dạy thì dứt khoát ưu tiên tổ chức để học sinh có quyền lựa chọn.