Quảng Bình:

Bản làng có điện thay trăng

Tết Nguyên đán 2022 đang tới, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) được đón cái Tết đủ đầy và ấm áp đầu tiên ở bản mới khang trang. Đặc biệt, với công trình “Ánh sáng vùng biên”, bản làng Trường Sơn lần đầu được chiếu sáng bởi ánh điện lung linh và thắm đượm nghĩa tình của Bộ đội Biên phòng. 

Bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) từ nay có điện thay trăng.
Bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) từ nay có điện thay trăng.

Nghĩa tình quân dân

Bản Sắt là bản nhỏ của xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh được cả nước biết tới sau đợt mưa lũ lịch sử trong tháng 10/2020. Vừa bị sạt lở núi, lại bị ngập sâu, chính quyền buộc phải di dời cả bản gồm 34 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều lên điểm định cư mới. 

Sau những tháng ở tạm, bà con đã được hỗ trợ làm đường, xây nhà, tặng công trình dân sinh để ổn định cuộc sống. Duy chỉ có điện là còn thiếu. Bản nhỏ nằm cách đường Hồ Chí Minh nhánh tây gần 8 km, cách trung tâm xã hơn 10 km, đường vào khó khăn nên điện lưới quốc gia chưa thể đến được. Vì thế, bản mới khang trang nhưng khi đêm xuống cũng thâm u, giá rét không khác bản cũ là mấy. Đêm, sau một lúc quây quần bên bếp lửa, bà con đi ngủ sớm và chờ bình minh lên mới thức giấc để lên nương, ra đồng. Trưởng bản Nguyễn Văn Muôn trăn trở: “Có bản mới, nhà mới ai cũng mừng nhưng chưa có điện lưới phục vụ sinh hoạt hằng ngày nên đồng bào vẫn chưa sướng cái bụng lắm. Có điện, dân trí bà con mới được mở mang, đời sống cũng nhờ đó mới nâng lên được”. 

Chưa có điện lưới nhưng không thể để bản Sắt mới mà buồn tẻ được. Sau khi khảo sát, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Làng Mô, đóng tại xã Trường Sơn tặng bản tái định cư công trình điện chiếu sáng công cộng bằng điện mặt trời. Bộ đội biên phòng đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm cùng chung sức để làm các công trình dân sinh nhiều ý nghĩa này. 

Sau gần một tháng từ khâu khảo sát, thi công, đến Tết Dương lịch 2022, công trình chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời được đưa vào sử dụng với 30 cột điện và bóng đèn chiếu sáng toàn bộ các trục đường trong bản. Ngoài ra, hệ thống gồm 8 bóng đèn năng lượng mặt trời cũng được lắp đặt tại các điểm trường tiểu học, mầm non của bản để bảo đảm ánh sáng phục vụ cho việc dạy và học nơi đây. Những ngày này, bản Sắt bừng sáng ánh điện.

Đại úy Trần Thanh Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Làng Mô kể, những ngày thi công, thấy bộ đội biên phòng dựng cột, kéo dây, bà con kéo nhau ra xem nhưng cũng chưa tin lắm, bởi theo một số người, chưa có điện lưới sao mà đường sáng được. Thế nhưng, hôm khánh thành, có trời nắng đẹp nên bóng đèn năng lượng mặt trời nạp đủ điện, sáng trưng nên dân bản đổ ra đường đông như hội, cười nói huyên náo cả đêm. Sướng nhất là đám trẻ, vui đùa dưới ánh điện đường thay cho trăng mãi không chán. Trưởng bản Nguyễn Văn Muôn vui mừng nói: “Chưa có điện lưới nhưng cái điện biên phòng cũng sáng bản làng rồi. Có nhà mới khang trang, đêm đêm điện sáng từ đầu đến cuối bản nên bà con ưng cái bụng rồi”. 

Công trình “Ánh sáng vùng biên”

Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Nguyễn Thị Thùy Dung chia sẻ, từ một bản nhỏ nằm chênh vênh bên mái Trường Sơn, bị thiên tai đe dọa buộc phải di dời khẩn cấp, nay bản Sắt được xây dựng khang trang. Cùng với các công trình dân sinh đồng bộ, công trình “Ánh sáng vùng biên” giúp bản Sắt sáng, đẹp hơn và tương lai trở thành bản văn hóa bên Trường Sơn hùng vĩ. Không những thế, công trình ý nghĩa này tiếp tục khẳng định tình cảm quân dân gắn bó ở khu vực biên giới, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh.

Không xa bản Sắt là các bản Hôi Rấy và Nước Đắng cũng thuộc xã Trường Sơn. Chỉ mới nghe qua tên bản thôi, chắc chắn nhiều người cũng hình dung ra sự khó khăn, gập ghềnh của những vùng đất xa ngái nơi vùng biên cương Tổ quốc. Để chia sẻ với những khó khăn của bà con Vân Kiều, Đồn Biên phòng Làng Mô đã kêu gọi, phối hợp với các nhà hảo tâm thực hiện chương trình “Ánh sáng vùng biên” mang ánh sáng đến bản làng vùng sâu. 

Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh Trần Quốc Tuấn đánh giá cao mô hình “Ánh sáng vùng biên” do Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện. Ông cho rằng, đây là cách làm sáng tạo, huy động được sự hỗ trợ, chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân; khâu xây dựng và vận hành tiết kiệm, đơn giản nhờ sự chủ trì của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng. Cũng nhờ thế, công trình bảo đảm chất lượng và vận hành an toàn, người dân vùng khó khăn có thêm những công trình ý nghĩa. 

Năm 2021, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình huy động vốn để hỗ trợ xây dựng hoàn thành 47 công trình “Ánh sáng vùng biên” dài 40 km, trị giá 1,8 tỷ đồng tặng người dân vùng biên giới, vùng sâu của tỉnh. Đến tháng 1/2022, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng được 73 công trình ý nghĩa này, với chiều dài hơn 68 km, tổng số tiền đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Trên tất cả cột điện chiếu sáng đều được gắn thêm giá để thuận lợi cho việc treo cờ Tổ quốc hoặc trang trí trong các dịp kỷ niệm hay ngày lễ lớn của đất nước.