Áp lực rác thải mùa Covid

TP Hồ Chí Minh đang đứng trước áp lực rất lớn về xử lý rác thải trong khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp…

TP Hồ Chí Minh lên kịch bản khi áp lực rác thải tăng cao.
TP Hồ Chí Minh lên kịch bản khi áp lực rác thải tăng cao.

Kịch bản xử lý rác thải nhiều 

Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Tổng cục Môi trường, đề xuất cho các đơn vị xử lý chất thải (có lò đốt chất thải) trên địa bàn tham gia tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch Covid-19. 

Mỗi ngày, thành phố phát sinh trung bình 9.200 tấn chất thải rắn sinh hoạt, 100% được lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế và tái sử dụng bảo đảm tiêu chuẩn môi trường. Còn hiện nay, tổng lượng rác thải y tế phát sinh tại 151 khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến vào khoảng 70 tấn/ngày. Để thu gom, vận chuyển hết lượng rác có nguy cơ lây nhiễm về nhà máy xử lý an toàn, ngành môi trường thành phố huy động 95 xe các loại với 417 công nhân tham gia trong quá trình thu gom. Về năng lực xử lý rác thải y tế có yếu tố dịch tễ thải ra mỗi ngày, hiện TP Hồ Chí Minh có năng lực xử lý 100 tấn/ngày và các kịch bản xử lý đã được chuẩn bị đầy đủ.

Thực tế, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, TP Hồ Chí Minh đã phát sinh nhiều điểm có nhu cầu thu gom chất thải, khối lượng chất thải nguy cơ chứa SARS-CoV-2 tăng cao. Sở đề xuất Bộ TN&MT chấp thuận cho TP Hồ Chí Minh sử dụng các lò chất thải hiện hữu để xử lý chất thải phát sinh trong các khu vực cách ly tập trung, khu phong tỏa, bệnh viện dã chiến. Trường hợp chất thải liên quan Covid-19 gia tăng đột biến, vượt quá công suất lò đốt hoặc nhà máy xử lý gặp sự cố, cần có các kịch bản sẵn sàng ứng phó.

Cụ thể, sở đề xuất giao các công ty đang vận hành thử nghiệm đốt chất thải công nghiệp - nguy hại có quy mô diện tích rộng, công trình xử lý chất thải tập trung tại khu liên hợp xử lý chất thải tham gia xử lý. Trong đó, Công ty CP Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu (rộng 17 ha) hiện đã đầu tư hai lò đốt chất thải công nghiệp, công suất 1.000 kg/giờ/lò; Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh (47 ha), hệ thống xử lý chất thải nguy hại gồm hai lò đốt công suất 1.000 kg/giờ/lò. Ngoài ra còn có Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa đang hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc (huyện Củ Chi) với 14 lò đốt rác sinh hoạt.

Đặt hàng xử lý rác

Trước tình hình khối lượng rác thải gia tăng trong đợt dịch Covid-19 này, UBND TP Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế phát sinh do dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Đồng thời, giao Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị (CITENCO) tăng cường thu gom chất thải rắn tại các khu vực cách ly tập trung, không để xảy ra tình trạng tồn đọng, ùn ứ, ô nhiễm môi trường. Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc CITENCO, hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế được công ty thực hiện theo một quy trình rất nghiêm ngặt, bảo đảm an toàn cho công nhân và không để lây lan dịch bệnh ra bên ngoài. 

Về rác thải sinh hoạt, UBND TP Hồ Chí Minh vừa chấp thuận cho Sở TN&MT tiếp tục điều phối và đặt hàng bổ sung thêm một phần khối lượng rác sinh hoạt gia tăng về nhà máy của Công ty cổ phần Vietstar và Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa. Theo đó, đặt hàng thêm cho công ty Vietstar tiếp nhận, xử lý khoảng 500 - 600 tấn/ngày; đặt hàng thêm cho công ty Tâm Sinh Nghĩa tiếp nhận, xử lý khoảng 400 tấn/ngày. Bên cạnh đó, UBND thành phố chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị tiếp nhận khối lượng chất thải chuyển trả từ nhà máy của công ty và công ty Tâm Sinh Nghĩa với khối lượng từ 1.200 đến 1.500 tấn/ngày cho đến khi hai công ty này giải phóng toàn bộ chất thải tồn lưu tại nhà máy. 

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Thị Thanh Mỹ, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hằng ngày vẫn được thực hiện đúng kế hoạch, thu gom trong ngày, tuân thủ các điều kiện vệ sinh môi trường. GS, TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam cho rằng, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải các khu vực cách ly, bệnh viện dã chiến và nơi phong tỏa bệnh nhân Covid-19 cần thực hiện đúng theo quy trình hướng dẫn và theo đúng quy định an toàn vệ sinh môi trường.

GS, TS Nguyễn Hữu Dũng góp ý: “TP cần ưu tiên cho cán bộ, người lao động đang tham gia thực hiện công tác thu gom, vận chuyển chất thải được chích 
vaccine ngừa Covid-19”.