Bảo vệ mùa hè “giãn cách” của trẻ

Mùa hè năm nay được coi là đặc biệt vì thời gian trẻ nghỉ hè cũng là thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc để phòng, chống dịch Covid-19. Cha mẹ vẫn đi làm, các em buộc phải ở nhà gần như “tuyệt đối” nên tình trạng lạm dụng điện thoại thông minh, ipad, TV khiến trẻ dễ trở thành nạn nhân trên không gian mạng. Nhiều phụ huynh lo lắng, làm sao có một mùa hè an toàn cho trẻ.

Khuyến khích chơi các trò chơi giúp các con xa rời không gian ảo. Ảnh: SONG ANH
Khuyến khích chơi các trò chơi giúp các con xa rời không gian ảo. Ảnh: SONG ANH

1/Anh H., chị Y. đều làm công chức nhà nước ở Hà Nội và công việc rất bận rộn. Nghỉ hè, hai con của anh chị, một cháu 12 tuổi, một cháu lên 10 mọi năm đều được về quê với ông bà, nay phải tự trông nhau ở nhà. Các lớp học hè, các câu lạc bộ cũng đóng cửa nên ngoài giờ chơi bóng bàn trong nhà, hai cháu chỉ cắm cúi với TV và Ipad. Chị Y. lo lắng: “Trong quá trình chúng phiêu lưu trên không gian ảo, rất có thể vì tò mò mà truy cập vào những nội dung không phù hợp. Chúng tôi rất khó khăn để kiểm soát các hoạt động đó của con, trong khi nguy cơ trên mạng rất nhiều”.

Còn anh B. (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại chủ quan tạo riêng tài khoản mạng xã hội cho con trai mới 11 tuổi khi cháu phải học online.  Anh B. và vợ cũng bận kinh doanh online nên cháu thoải mái sử dụng máy tính, Ipad mà không có sự theo dõi, kiểm soát nào. Anh B. không biết rằng, chính sự chủ quan của người lớn đã khiến trẻ em đang ngày càng trở thành đối tượng dễ bị tấn công nhất trên không gian mạng.

2/Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) từng khuyến cáo, trẻ em phải đối mặt bốn nguy cơ chính là: xâm hại thân thể - xâm hại tình dục; bạo lực học đường; tự xâm hại chính thân thể của mình; và sự xâm hại tư tưởng đến từ mạng xã hội. Thế nhưng, các nhân tố gây mất an toàn cho trẻ ngày càng nâng cấp liên tục. Trong khi đó, trẻ chưa có khả năng nhận thức về sự biến hóa khôn lường của các yếu tố gây nguy hiểm cho bản thân.

Một chuyên gia an ninh mạng cho rằng, vì bận rộn nên nhiều bậc cha mẹ coi việc cho con chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng để “tự học” và khỏi quấy nhiễu cha mẹ là một sai lầm nghiêm trọng. Trong khi, nhiều phụ huynh không biết rằng, “bộ lọc” của con trẻ rất kém nên dễ bị ảnh hưởng bởi những nội dung không phù hợp. Vì vậy, trước khi cho con sử dụng các thiết bị này, phải trang bị cho con những kiến thức nhất định như tham gia các lớp huấn luyện kỹ năng, hay trở thành “trọng tài” cho con giữa không gian mạng.

Liên tiếp trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã “cứng rắn” yêu cầu các trang mạng gỡ bỏ các video hoặc bài viết có nội dung không lành mạnh. Nhưng theo nhiều nhà chuyên môn, đây chưa phải là biện pháp gốc rễ để giải quyết tận cùng nạn  “video độc hại”. Bởi lẽ, chỉ tính riêng ở Việt Nam, mỗi phút đã có hàng nghìn, hàng chục nghìn video được tải lên YouTube.

Theo báo cáo của YouTube gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có rất nhiều nội dung vi phạm được sản xuất trong nước, chủ yếu là gợi dục, kích động bạo lực, giang hồ mạng, cổ vũ cờ bạc, chơi ma túy, sử dụng nhạc, hình ảnh vi phạm bản quyền, đặc biệt là nội dung gây hại cho trẻ em. Đó là những clip dành cho trẻ em nhưng vi phạm thuần phong mỹ tục, bạo lực, đâm chém hoặc gợi dục... 

3/Để trẻ em có một mùa hè an toàn, các chuyên gia an ninh mạng đã đưa ra những lời khuyên dành cho cha mẹ để giúp con mình tự bảo vệ khi sử dụng internet: Khi các con sử dụng điện thoại thông minh, máy tính, Ipad, bố mẹ nên cài đặt chế độ lọc nội dung. Hãy tạo danh mục phát video để chọn lọc những video cho con, đồng thời vô hiệu hóa tính năng gợi ý video. Sử dụng ứng dụng YouTube Kids dành cho trẻ. Các bạn nhỏ không chỉ sử dụng YouTube mà còn sử dụng cả internet nữa. Các em có thể vào mạng để tra cứu thông tin, đọc báo. Vì vậy, cần thiết lập và vận hành tính năng an toàn cho gia đình nhằm quản lý các hoạt động của con. Lưu ý, trẻ không được chia sẻ thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ... với những người mà trẻ không biết. Người lớn cần giúp trẻ hiểu rằng, không nên trở thành bạn bè với bất cứ ai trên internet mà chúng không biết ngoài đời thực. Và, những người trên mạng không phải lúc nào cũng trung thực về bản thân và những gì họ muốn.

Theo các chuyên gia xã hội học, mùa giãn cách có thể được coi là khoảng thời gian đặc biệt để các thành viên trong gia đình gần gũi nhau hơn. Cha mẹ có thể tạo ra cho con nhiều trò chơi bổ ích, khuyến khích đọc sách, hướng dẫn con làm việc nhà, giao tiếp thường xuyên với con… Đây sẽ là khoảng thời gian quý báu và đặc biệt để các con biết sống thật, xa rời không gian ảo.