Thả cá, không thả túi

Chuyện không mới, nhưng mỗi năm, cứ đến dịp lễ cúng ông Công ông Táo, lại được nhiều người bàn luận, thậm chí gay gắt. Ấy là ý thức kém của nhiều người khi đi thả cá và “thả” luôn cả túi nylon đựng cá xuống sông, suối, hồ, ao… 

Ngày trước, người ta thường đựng cá trong chậu, hộp, âu, liễn rồi mang ra các khu vực có dòng nước chảy gần nhà để thả cá, thì nay, ở thời kỳ mà túi nylon tiện dụng đến mức bị lạm dụng, người người nhà nhà đều đựng cá trong những chiếc túi nylon. Ngay từ người bán cá cho khách đã dùng túi nylon để đựng, có khi dùng vài lớp túi; đến khi mang cá đi thả, người ta cũng đựng cá trong túi nylon và tranh thủ mang theo xe máy để “thả” cả túi, cả cá xuống nước. 

Tất nhiên, không thể trách chiếc túi nylon vô tri, mà trách người sử dụng nó. Việc thả cá kèm theo túi nylon xuống dòng nước, có khi từ trên cầu cao hàng chục mét xuống sông, không những gây ô nhiễm môi trường mà bản thân những con cá được chủ nhân mong muốn làm phương tiện cho ông Công ông Táo di chuyển cũng khó sống nổi khi xuống nước trong những chiếc túi bùng nhùng như vậy. 

Cùng với thả cá, dịp này nhiều người dân còn hóa vàng mã rồi đựng trong túi nylon. Những chiếc túi ấy cũng được vứt xuống các nguồn nước càng khiến dư luận phản đối.

Năm nào cũng vậy, những video, bức ảnh ghi lại hành động phản văn hóa, gây ô nhiễm môi trường như vậy đều được các phương tiện truyền thông đăng tải, kèm theo những ý kiến phân tích của chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa. Song, xem ra ý thức của nhiều người dân vẫn chưa được cải thiện. 

Thậm chí, gần chục năm nay, một nhóm bạn trẻ đã tập hợp nhau lại và đặt tên chung là nhóm Cá chép, để vào dịp 23 tháng Chạp, lên cầu Long Biên (Hà Nội), cầm poster với khẩu hiệu “Thả cá chép, đừng thả túi nylon”. Họ đã bền bỉ và lặng lẽ như thế, nhằm lan truyền thông điệp kêu gọi người dân tỉnh thức, đừng thả cá chép và rải tro kèm theo những túi nylon xuống sông Hồng. Nỗ lực của họ thật đáng khâm phục, nhưng việc xuất hiện của họ hằng năm, kéo dài cả gần chục năm nay, cho thấy thói quen gây ô nhiễm môi trường của người dân vẫn khá phổ biến. Chính bởi thế, có ý kiến cho rằng, cần tiếp tục những hành động mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như xử phạt hay chụp ảnh những người thả cá kèm thả túi nylon xuống các dòng nước dịp 23 tháng Chạp và treo công khai ở một vài điểm công cộng quanh khu vực họ đang sống và khu vực họ vi phạm. 

Chỉ khi có những chế tài nghiêm khắc, đồng thời có chiến dịch truyền thông mạnh mẽ trước mỗi thời điểm hành vi gây ô nhiễm môi trường của nhiều người có khả năng cùng xuất hiện, thì may ra mới tác động đến ý thức một bộ phận người dân, giúp thay đổi những hành vi xấu, thực hiện những hành vi văn hóa, tránh gây ô nhiễm môi trường…