Tẩy chay thói xấu ở chung cư

Ngẫm văn hóa sống ở lắm chung cư mà có khi ngao ngán! Dẫu “nhà ai nấy ở”, song mọi người cùng sinh hoạt, chung sống trong một cộng đồng, trong đó có một số cái “chung” nên khá nhiều vấn đề nảy sinh.

Sân chung, hành lang chung, giếng trời, khu chơi trẻ em, nhà để xe, khu vực xử lý rác, thang máy, bồn hoa, công viên... là những cái buộc phải “chung” với bất cứ ai sống ở các căn hộ chung cư. Nhưng rất nhiều cư dân đang phải than phiền, thậm chí bức xúc bởi những người “hàng xóm” không phải lúc nào cũng thân thiện, đúng mực trước cơ sở vật chất chung. Lấn chiếm hành lang công cộng, vứt xả rác bừa bãi, bôi bẩn tường, để thú cưng “xả thải” không đúng chỗ... Đủ chuyện như vậy xảy ra thường ngày.

Sống ở một chung cư tái định cư nằm ở địa bàn quận Tây Hồ, anh Nguyễn Văn Nam nhiều năm nay bức xúc về chuyện đổ rác. Chung cư anh ở mỗi tầng đều có một nhà chứa rác chung, có công nhân vệ sinh thu dọn hai lần/ngày. Tuy nhiên, có những người sợ bẩn tay không chịu mở nắp thùng bỏ vào hoặc không buộc kỹ túi rác làm rơi rớt bừa bãi, hôi hám, phản cảm... Thậm chí, ở căn hộ thuộc loại cao cấp tại quận Ba Đình, luôn có đội vệ sinh lau dọn thường xuyên, song chị Thu Thủy, vẫn phiền lòng khi bắt gặp các bà, các mẹ cho con bấm thang máy lung tung, chặn cửa như một trò vui. Chị có nhắc nhưng có khi gặp phải phụ huynh không chịu tiếp thu dẫn tới tức tối, rồi lườm nguýt hoặc buông lời bênh vực con, khiến chuyện trẻ con thành chuyện người lớn. 

Chị Liên, sinh sống tại một chung cư trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, nhờ trang xã hội của cộng đồng chung cư mình chia sẻ mà nhiều chuyện bức xúc về thói xấu của người dân ở đây bị phơi bày, thí dụ như ai đó ăn uống dừa xong rồi quăng vứt vỏ từ trên cao xuống sân chung, suýt rơi trúng đầu người khác; hay tình trạng các chai nhựa rỗng thường xuyên “phi” từ trên các tầng cao xuống… 

Hiện nay, các tòa chung cư có sự giám sát và đồng hành của ban quản lý, ban quản trị chung cư. Nếu sợ va chạm mà thỏa hiệp bằng cách du di, nhắc nhở nhẹ nhàng, lâu ngày sẽ tạo ra thói quen không tuân thủ của một số người. Vì thế, “cuộc chiến” đẩy lùi những thói xấu, tạo một môi trường sống lành mạnh luôn cần được tích cực xây dựng thông qua việc tăng cường vai trò của ban quản lý, tạo mối gắn kết trong các sinh hoạt chung, hay những tương tác qua lại ở truyền thông cộng đồng, các cuộc họp cư dân… Trong đó, cần nhắc nhở thường xuyên, chỉ đích danh những trường hợp cố tình làm bẩn, làm xấu đời sống cộng đồng.