Nhân lên tinh thần thiện nguyện

Qua nhiều khó khăn, bất trắc như mưa, lũ, hạn hán hay bệnh dịch bùng phát như thời gian qua, cảm thấy rõ truyền thống dân tộc, tinh thần sẻ chia, tương trợ lẫn nhau của người dân Việt Nam. 

Từ nấu cơm suất, cháo suất phát cho bệnh nhân nghèo và người nhà; tặng các món quà vật chất và tinh thần động viên bệnh nhi ung thư; hiến máu nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi khi khan hiếm máu; đi phát cơm cho người lao động nghèo vất vả vì dịch; chở hàng, chở nông sản miễn phí hỗ trợ vùng dịch; rồi giúp chút miếng ăn, đồ uống, sửa chữa xe cộ cho một số bà con đang từ vùng dịch về quê để tránh Covid.

Càng quý hóa khi nhiều người giúp là cho đi, không so đo thiệt hơn, cũng không băn khoăn điều kiện, năng lực. Có đến đâu giúp đến đấy, không chỉ chút tiền bạc, vật chất, mà giúp sức lực để cùng làm, cùng chia những tấm chân tình. Cho nên chúng ta thấy rất nhiều hình thức, hành động đẹp trong mùa dịch, ở khắp nơi, ở nhiều quy mô, mức độ. Nhiều người giảm, miễn thu tiền trọ, giúp thêm người thuê trọ chút lương thực. Nhiều người cũng làm những nghề lam lũ cả thôi, cùng “lăn” vào các bếp cơm từ thiện, từ đi chợ, sơ chế, đun nấu đến chia, phát phục vụ người nghèo, cho dù trong tình cảnh dịch dã hoành hành khắp chốn, ai mà chả sợ lây nhiễm. Nhiều bà con ở các tỉnh xa, vùng xa cũng góp gạo, rau, củ, quả kịp tập kết lên những chuyến xe đường dài chuyển về vùng dịch…

Rất đáng chú ý, là nhiều hoạt động tự phát, nhưng cần ghi nhận, đề cao ở tính chất tổ chức, phối hợp, hợp tác giữa các cá nhân hảo tâm, các nhóm thiện nguyện, các cộng đồng nhỏ những người giúp - người nhận, đặc biệt là hiệu quả cụ thể, thiết thực mà các hoạt động đem lại. Chứ không phải cứ tự phát, tự thân là nhỏ lẻ, là dễ có sơ suất đâu. Bởi nhiều người, nhiều nhóm qua những lần tham gia thiện nguyện đã thêm kinh nghiệm, kỹ năng một cách tự nhiên. Thực tiễn đời sống trong những thời điểm khó khăn cũng gợi mở cho bà con ta những ứng phó linh hoạt, gợi ra các sáng kiến phù hợp tình thế. 

Tuy nhiên thực tế lại không ít hoạt động thiện nguyện của người dân cũng cho thấy còn những bất cập, cần sớm được điều chỉnh, bù lấp kịp thời, nhằm bảo đảm hiệu quả, thật sự thiết thực cũng như đáp ứng trúng, đúng nhu cầu và nguyện vọng quần chúng nhân dân ở địa bàn cơ sở. Bởi vậy, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần chủ động cung cấp thông tin, phối hợp chặt chẽ với người dân tham gia hoạt động thiện nguyện về thực tế tình hình các địa bàn, về kinh nghiệm tổ chức, triển khai, cũng như đón nhận sáng kiến của người dân, của bà con, để các hoạt động hỗ trợ càng thêm sát thực, thiết thực, hiệu quả.