Ngăn chặn bất cập trở lại

Có người bảo sao cứ nói bình thường mới, bình thường trở lại mãi thế, đang bình thường lại rồi còn gì! 

Nhưng để ý mà xem, ta đang “bình thường hóa” từng bước sau dịch chứ có ào một cái mà đời sống lại nhịp nhàng như trước hoặc hoàn toàn mới mà tưởng như chưa có biến cố gì xảy ra đâu! Thế nên ta mới thấy xã hội đông đúc hơn, nhịp sống sôi nổi hơn theo những sự mở lại của sản xuất, lưu thông, dịch vụ, hoạt động du lịch, việc học hành của con trẻ… 

Nhưng như đã nhiều lần báo chí nhắc nhở, dư luận bàn bạc, ta đang chứng kiến trong bình thường lại, là những bất cập cũng nở rộ, biến tướng, đủ mặt, đủ loại, đủ mọi chỗ. Tất nhiên cũng là điều vốn có trong cuộc sống vốn song hành hai mặt tốt, xấu, đẹp, chưa đẹp… Nhưng đáng giật mình lắm, khi cái bất cập, tiêu cực trở lại lắm khi ngang nhiên. Từ việc tưởng nhỏ như ùn tắc giao thông, xe cộ lấn làn lộn xộn, chen ngang, tạt đầu, dừng đèn đỏ chắn đường xe sau rẽ phải, thậm chí không chỉ xe máy mà nhiều ô-tô còn đi hẳn lên hè đường như chốn không người; đến tình trạng đáng báo động của nạn giả danh nhân viên tư vấn, công an… gọi điện lừa đảo người dân. Từ sự trở lại của dịch vụ học thêm theo hình thức trực tuyến, tiếp tục đưa con trẻ vào vòng quay học cả ngày cả buổi rồi lại ôn luyện riêng một cách quá tải; cho đến nguy cơ vi phạm trật tự an toàn xây dựng, nguy cơ xâm phạm không gian chung, không gian công cộng làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Từ sự trì trệ, chậm chạp trong tác phong phục vụ nhân dân ở cơ sở, cho đến nạn chạy chức, chạy quyền…

Không để ý, nhiều khi người ta cứ cuốn theo ngày thường tấp nập sau quãng thời gian dài cả xã hội bị ảnh hưởng do dịch. Rồi vội phải bù lấp lại những thiếu thốn, hụt hẫng do dịch bệnh gây ra, nên mải tập trung cho làm lụng, tích lũy lại. Nhưng nếu không tỉnh táo nhận rõ và kịp phản đối, ngăn chặn những cái xấu, cái tiêu cực tiếp tục phát sinh, đeo bám, thì rồi đây, ngay trong nhịp thở dần phục hồi của cơ thể xã hội, sẽ lại tiềm ẩn và bùng phát những triệu chứng mới, căn bệnh mới. Đó là bệnh sa sút của tinh thần, tâm hồn, của đạo đức con người, suy giảm văn hóa, văn minh xã hội. 

Đó là những điều từ sự nhận ra đơn giản trong mỗi ngày thường mà mỗi người dân cần quan sát, đề phòng, tự tránh, tự sửa cho mình. Cho đến những cơ quan, đơn vị chức năng, cần nắm bắt, chấn chỉnh, xử lý và có những biện pháp phòng, chống bất cập, tiêu cực. Sao cho cuộc sống bình thường mới mang nhiều nét mới, đẹp hơn trong đạo đức, tình cảm và trật tự, an toàn xã hội.