Mùa dịch, đừng quên dạy trẻ việc nhà

Bình thường, nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng con mình còn nhỏ và chỉ nên học hành, con còn không có thời gian ăn, thời gian học lấy đâu ra thời gian làm việc nhà. Nên cha mẹ thường làm thay những việc mà trẻ hoàn toàn có khả năng tự làm được. Giờ lại dịch bệnh kéo dài, trẻ ở nhà lâu, học online vất vả, việc nhà có những khi bố mẹ lại càng cáng đáng.

Việc rèn luyện các con làm việc cũng không phải đơn giản, bởi con sẽ có trăm nghìn lý do, con mệt, con mỏi tay… Làm một việc gì đó thì bố mẹ sẽ nói liên tục để con thực hiện nhưng cũng không dễ gì con thực hiện ngay. Lại thêm, khi hướng dẫn con làm việc và phân công việc cho trẻ, có khi cha hoặc mẹ còn nhận phải sự phản đối của ông bà hay họ hàng, kể cả hàng xóm khi cho rằng con còn quá nhỏ, hãy để cho chúng vui chơi, đừng áp đặt quá sớm. Chính những suy nghĩ đó khiến những đứa trẻ sẽ càng lười biếng và ỷ lại hơn. 

Chúng ta thường bắt gặp một số gia đình, sau khi ăn cơm, con cái nằm coi tivi hoặc lại vùi đầu vào học, bố mẹ dọn dẹp, rửa chén bát, lau dọn nhà cửa, bởi trẻ cho rằng đó là nhiệm vụ của cha mẹ. Nhiều bạn trẻ đến khi trưởng thành, bước ra khỏi vòng tay cha mẹ trở nên lúng túng trước những công việc tưởng đơn giản như dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, hay nấu ăn… Các em không biết mình phải làm như thế nào, bắt đầu từ đâu. Chính vì vậy không ít khi chúng ta giật mình với hình ảnh các căn phòng trọ của các bạn sinh viên ở bẩn, rác ngập nhà. Chúng ta phê phán các em nhưng xét sâu xa thì có một phần là lỗi của cha mẹ, khi không trang bị cho các em đầy đủ những kỹ năng khi bước vào cuộc sống tự lập. 

Hướng dẫn các con làm việc nhà chính là tạo thói quen giúp đỡ người khác và bản thân các con cũng rèn được các kỹ năng sống đơn giản. Có thể từ những công việc vừa sức với con. Những việc quét tước, lau dọn khi mẹ mải công việc nội trợ. Một thói quen thôi, như khi mẹ đi chợ về, con ra đỡ đồ của mẹ vào nhà. Rồi khi mẹ vào nấu cơm, con nhặt rau. Ăn cơm xong, con cái tự dọn phần chén của mình và phần cơm bị đổ chung quanh và tự lấy khăn lau bàn lau chỗ bị bẩn, dù ban đầu khi lau xong có thể… bẩn hơn. Rồi thì dọn đồ chơi trước khi đi ngủ, tự gấp, xếp áo quần. Hay tưới cây và lau nhà, dẫu có khi vừa lau vừa nghịch nước, vừa đùa, ngã đau… Những việc nhỏ như thế, có ý thức làm, sẽ thật tốt biết bao cho trẻ, nhất là trong những tháng ngày dài cả nhà thường xuyên “tại gia”.

Có thể giai đoạn đầu khi mới rèn việc cho con, bố mẹ vất vả trước những thái độ bất hợp tác của con, nhưng sau đó khi các con đã quen việc, những việc đó sẽ dần trở nên trách nhiệm và cả hứng thú. Sâu xa hơn, trẻ dần tự lập, biết thông cảm và sẻ chia với bố mẹ, với anh chị em trong nhà. 

Mùa dịch, chúng ta đã coi như một dịp để gia đình gần gũi nhau hơn. Cũng sẽ là cơ hội tốt để trẻ biết chăm sóc gia đình, để “cả nhà thương nhau” hơn.