Mơ được làm việc bình thường

Hình ảnh một số cô giáo làm thêm các việc phụ, việc lao động chân tay những ngày gần đây khiến nhiều người xót. Nhọc thật đấy! Nghĩ tới đây, việc dạy và học bị ảnh hưởng dài nữa do dịch, có khi còn nhiều thầy, cô lao đao.

Các thầy, cô, là một bộ phận trong rất đông người lao động thuộc nhiều thành phần đang gặp khó, sẽ tiếp tục gặp khó, nhiều người sẽ còn gánh chịu hệ lụy bởi cơn bão bệnh dịch - y tế - xã hội - kinh tế - văn hóa - du lịch… hiện nay. Bà con ta ra đường, qua đài, báo, nhận thấy ngay cảnh vắng vẻ ở những nơi trước đây tấp nập. Các nhà hàng ăn uống vắng hoe, lác đác vài nhân viên phục vụ, hoặc đóng cửa từ lâu. Các trung tâm vui chơi giải trí, khu du lịch thưa thớt khách. Quanh nhiều điểm thờ tự, bởi vắng người đi lễ nên dịch vụ nhỏ lẻ của người dân sở tại cũng khó lòng bán cho ai. Những chuyến xe chở khách cũng bớt cấp tập, liên tục, người trên xe vợi đi. Người lao động tự do chờ việc ngoài đường có khi ở lại luôn quê nhà. Lái xe taxi, xe ôm “ngáp ngắn ngáp dài” ngóng khách. Nhiều công trường xây chung cư đang dang dở, từ sau Tết đến giờ vẫn chưa thể khởi động trở lại… Không thể thống kê tương đối ngay, nhưng đã nhìn thấy một lực lượng đông đảo người lao động chưa thể làm việc, sản xuất như dạo trước được nữa.

Tình cảnh đó kéo theo bao nhiêu lo lắng về nguồn thu nhằm duy trì đời sống hiện tại, bảo đảm sinh hoạt tối thiểu trước mắt. Chứ chưa nói đến những khả năng phát triển cuộc sống, thực hiện các dự định, đáp ứng những nhu cầu lớn hơn được kỳ vọng sẽ “hồi” lại sau này, như đi du lịch, trang trải nợ nần, mua sắm, nâng cấp không gian cư trú, điều kiện sinh hoạt…

Câu chuyện công ăn việc làm, thu nhập, mức sống của bà con lao động phổ thông, trong đó có nhiều người lao động tự do, vốn đã thiếu ổn định, là vô vàn những câu hỏi tản mát đã thấy ngay ở lúc này. Gộp lại, sẽ thấy đó là câu hỏi rất lớn cho yêu cầu ổn định, duy trì đời sống của một lượng đông đảo bà con lao động trong và sau cơn bão dịch bệnh. Đây quả là điều đáng suy nghĩ và ưu tiên giải quyết của các cơ quan quản lý về lao động - xã hội, chính quyền địa phương, các đơn vị sử dụng lao động… cho các giải pháp nhằm giải quyết sự khan hiếm việc làm, đáp ứng nhu cầu được lao động mưu sinh, ổn định và phát triển cuộc sống của người dân. Nhất là không ít người trong số đó vốn đã ở một trạng thái sống và làm việc bấp bênh.