Khi con nói mất hứng thú học

Mấy hôm trước, hàng xóm nghe thấy nhà bé Lan to tiếng. Cô bé vốn ngoan hiền mọi khi nay còn quát to với bố mẹ: “Con không muốn học nữa!”. Thật ngạc nhiên vì cháu năm nào cũng là học sinh giỏi của trường. Điều này khiến tôi ám ảnh. Mấy hôm sau gặp Lan, cô bé lớp 6 có phần ngượng nghịu: “Cháu không muốn học online nữa!”.

Nhà bé Lan vốn bán hàng ăn. Lan là cô bé chăm chỉ. Bà con láng giềng vẫn thấy cháu ngoài giờ học lại đỡ đần mẹ. Thời gian giãn cách, mẹ bé chuyển sang tập dượt kinh doanh online. Thời kỳ này, bé cũng phải học online. Thế là, hằng ngày, giờ con bật máy học, mẹ cũng livestream. Nhà nhỏ, cháu bé liên tục bị mẹ “quấy rầy”.  Khi thì Lan phải lấy cho mẹ đồ này, khi thì đồ kia để khách xem. Có hôm mẹ hứng thú, livestream cả sáng, vô tư sai con liên tục. Chưa kể, kết nối mạng kém, cái Lan bị “tống” ra khỏi lớp liên tục, việc nghe giảng cứ “bì bõm”. Liên tục nhiều tháng liền như vậy, Lan bỗng hay cáu vặt, từ những chuyện nhỏ nhặt nhất. Em tâm sự, em cảm thấy bí bách với môi trường học online như vậy, chỉ mong sớm được quay trở lại trường!

Gần nhà Lan cũng có cháu Mạnh đang tuổi học online. Dịch xảy ra, bố mẹ Mạnh thất nghiệp. Thời gian giãn cách, hàng xóm thường xuyên nghe thấy bố mẹ em hay chì chiết lẫn nhau rồi nói những lời cay đắng với cả em. Mạnh tủi thân lắm. Mạnh tâm sự, em thèm được đến trường, được đá bóng cùng bạn vì ngồi nhà học với không khí u ám như vậy không có chữ nào vào đầu.

Có những bữa tôi ở nhà, mới chứng kiến các cô giáo cũng phải “đánh vật” khi dạy học online. Trong giờ, cô giảng bài còn trò thì nằm gục trước màn hình chán nản. Có những em, khi cô hỏi bài, liền tắt “cam” và ra ngoài ngay lập tức. Có những em, giờ kiểm tra cũng không làm bài và cô phải giục đến hôm sau mới nộp. Có những nhóm, trong giờ học, các em rất mất tập trung nhưng lại say mê “chat” riêng với nhau rồi lập nhóm chơi game, thách đấu… Trao đổi với các phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm lo lắng: “Khi các em không được đến trường, ít có sự giao tiếp với bạn bè nên một số em bị lôi kéo vào những group chat có nhiều nội dung tiêu cực”.

Một trường phổ thông dân lập tại Hà Nội đã khảo sát ý kiến phụ huynh, nhiều người đã cho biết, họ nghe thấy con than vãn về việc ở trong nhà suốt ngày nên quá chán việc học online rồi. Điều đáng lo hơn là có nhiều vấn đề bất ổn dẫn tới việc học sinh bị căng thẳng tâm lý như: gặp khó khăn khi thay đổi hình thức học tập, căng thẳng khi học qua máy tính lâu nhưng lại không được vận động và đi ra ngoài, nhiều mong muốn không thực hiện được do dịch bệnh và có cả trường hợp mâu thuẫn, va chạm giữa cha mẹ và con cái. 

Ở Việt Nam, việc này chưa có nghiên cứu khảo sát trên diện rộng, nhưng những khảo sát, đánh giá ở cấp trường cho thấy dịch Covid-19 kéo dài khiến sức khỏe tinh thần của trẻ trở nên xấu đi. 

Dẫu người lớn chúng ta đang còn nhiều vấn đề to tát phải lo lắng, nhưng thời điểm này các học sinh cũng cần được giải tỏa, cần được chia sẻ và đặc biệt được đi học để các em có môi trường phát triển một cách bình thường nhất.