Giúp người dân phòng bão sớm

Lo lắng “ảnh hưởng kép” đã trở nên thực tế khi dịch bệnh vẫn tiếp tục đeo bám dai dẳng, phức tạp, đồng thời cơn bão số 5 chuyển thành áp thấp đang gây thiệt hại trên một số địa bàn ven biển miền trung. 

Ngay cả khi chuyển thành áp thấp, thì bão vẫn gây mưa to, kéo dài, đe dọa đời sống người dân trên đất liền, hoạt động sản xuất của ngư dân trên biển, ven bờ. Trong khi đó, ở mỗi địa phương có mưa bão, dù không căng thẳng như các vùng dịch lớn, nhưng việc tuân thủ 5K phòng dịch, hoặc các lệnh giãn cách vẫn được yêu cầu thực hiện nghiêm. Công tác của chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, lực lượng an ninh, quân đội và cả đời sống người dân lâu nay nhìn chung đều được điều chỉnh theo nhiệm vụ phòng dịch. Chưa kể những cố gắng hết sức để duy trì đời sống kinh tế, lao động sản xuất - để cố được bao nhiêu tốt bấy nhiêu! Thực trạng đó báo hiệu tới đây khi bước hẳn vào mùa bão, sẽ có khả năng lực lượng bị phân tán vào các nhiệm vụ khác nhau; thiếu sự tập trung cho công tác bảo vệ các công trình phòng hộ; thiếu lực lượng hỗ trợ người dân trang bị phòng, chống khi bão lũ xảy đến, khắc phục hậu quả khi bão lũ đi qua… Đó thật sự là những nguy cơ cần tính trước. Từ đó để có những điều chỉnh, sắp xếp phù hợp và quan trọng là chuẩn bị trước, hướng dẫn người dân sớm đề phòng.

Thử ngẫm lại, thường khi có thông tin sắp có bão, có khi sát đến thời điểm bão vào, người dân mới chằng chống nhà cửa, di chuyển đồ đạc, chuẩn bị chút lương thực. Hoặc có những trường hợp lũ về bất ngờ, nước dâng ngập cửa nhà, người dân bị động, mất an toàn, lực lượng chức năng tỏa đi ứng cứu không xuể. Thậm chí có những nơi thủy điện xả lũ, báo tin rất muộn khiến người dân cơ sở lâm vào thế bị động, nên vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Nay thì tính xem, nếu bão vào, nước lên, giông gió quay cuồng mà áo phao chưa đủ, xuồng thiếu, các khu vực tập trung tránh trú bão cho số đông người dân chưa được chuẩn bị; cộng thêm các khu vực cách ly, điều trị bệnh nhân Covid cũng bị mưa bão tiến công…, thì đã vất vả lại càng nguy cấp.

Bởi thế, rất nên, chính quyền và các lực lượng chức năng địa phương sớm tuyên truyền, nhắc nhở người dân, nhất là bà con ở những vùng nguy cơ cao, chuẩn bị, rà soát phương tiện trang bị cá nhân, phương tiện gia đình phòng, chống bão lũ để chủ động đối phó, như áo phao, xuồng, bè, thuốc men... Khi không may thiên tai xảy đến với cường độ lớn, thì con người, vật chất được bảo toàn ở mức độ cao hơn; thậm chí phần nào bớt được gánh nặng cho các lực lượng chức năng như bộ đội, công an, y tế… Cùng chuẩn bị kỹ càng, cùng dưỡng sức cho nhau thì mới vững vàng đi qua được những đòn tấn công kép của dịch bệnh lẫn mưa giông, bão lũ.