Đừng vỗ tay với cái... dở!

Quan sát những chuyển động văn hóa trong thời gian vừa qua, người dễ tính cũng phải lắc đầu trước một số hiện tượng, ngày một có vẻ đi quá xa, quá đà hơn. Đó là một số chương trình thực tế, game show giải trí được phát sóng trên truyền hình.

Mới rồi, không ít người bày tỏ sự bất bình khi xem chương trình “Hành lý tình yêu” phát sóng ngày 29/11. Người chơi được giới thiệu là Công Hoàng, chàng trai gốc Huế, hiện sống ở TP Hồ Chí Minh. Hoàng 30 tuổi, đang là một kế toán viên. Trong chương trình, Hoàng bày tỏ nhiều quan niệm về tình yêu, hôn nhân, trong đó gây phản ứng với tuyên ngôn “sẽ ly hôn nếu em chỉ sinh được con gái”. Theo giải thích của “chàng trai gốc Huế” thì đó cũng là mong muốn của gia đình anh-những người rất coi trọng việc phải có con trai nối dõi, “đàn ông ngồi mâm trên, đàn bà chỉ ngồi mâm dưới”.

Chuyện của Hoàng, hay của bất cứ ai đó, sẽ là chuyện riêng của mỗi cá nhân và công chúng cũng chẳng mấy quan tâm. Nhất là ở thời buổi thông tin ngồn ngộn như hiện nay. Nhưng Hoàng, hay một ai đó, khi xuất hiện trong một chương trình và phát sóng trên truyền hình, thì không còn là chuyện của cá nhân nữa. Nó được quan tâm, mổ xẻ, thậm chí bị dư luận phản ứng, “ném đá” cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng điều kinh ngạc hơn, là khi vụ việc xảy ra, người ta vỡ lẽ ra một thực tế của một chương trình truyền hình dạng thực tế, một game show như “Hành lý tình yêu”. Theo lời Hoàng giải thích với dư luận, tất cả, anh chỉ làm theo kịch bản! Tìm hiểu ra, thì các nhà sản xuất game show hẹn hò khi ký hợp đồng với những người chơi tham gia, đều là “Hợp đồng thuê diễn viên”. Điều ấy có nghĩa là, những cô gái, chàng trai đến tham gia show hẹn hò không phải là những người có nhu cầu hẹn hò và đến đó để được mối lái, tìm người hẹn hò-như cách các nhà sản xuất muốn dàn dựng. Họ chỉ giống như những diễn viên, được tuyển chọn, được trả cát-xê và dựng lại những tình huống đã có trong kịch bản.

Nhiều khán giả khi biết điều này đã cảm thấy hẫng hụt. Bởi lâu nay, họ vẫn tin vào tính “thực tế”, “trải nghiệm” ở một số chương trình. Thậm chí có người còn rơi nước mắt vì những chương trình đánh trúng tâm lý khán giả. Thế nhưng, hóa ra, tất cả đều “giống như phim”, “na ná phim”. Những người chơi trong các game show cũng được thuê, để làm theo kịch bản. Vì thế, cũng đã xuất hiện một số người, như Công Hoàng, xuất hiện hết game này đến game khác. Lúc là nhân viên kế toán, khi lại là lễ tân khách sạn trong “Cho phép được yêu” (phát sóng hồi tháng 5/2021).

Từ chuyện của Công Hoàng trong “Hành lý tình yêu” nhìn rộng ra, liên kết với một số chương trình phát sóng gần đây, ví như tiết mục “Cô gái gen Z” của ca sĩ Han Sara mượn một số đoạn của ca khúc “Cô gái mở đường” (nhạc sĩ Xuân Giao) trong chương trình “The Heroes”, đã đến lúc cần đặt vấn đề phải mạnh tay siết lại những game show phát sóng trên truyền hình. Bởi với việc phát sóng, đưa ra những tiết mục gây phản cảm, phân biệt đối xử lên truyền hình, có nghĩa là những người làm nghề đang cổ súy, vỗ tay cho cái dở. Không thể cứ công nhiên cho lên sóng rồi bị dư luận phản ứng thì giải thích, xin lỗi, hay lấp liếm bằng cách ẩn các chương trình đó trên các nền tảng mạng xã hội đi là xong. 

Quản lý tốt các chương trình giải trí, là một cách để góp phần giữ gìn, phát triển văn hóa!