Đồng hành cùng học sinh

Ngẫm bàn quanh việc lấp lỗ hổng kiến thức cho trẻ khi đi học trực tiếp trở lại quả còn nhiều nan giải! 

Thực tế như nhận xét của không ít trường và thầy giáo, cô giáo là các em đang đứng trước một đòi hỏi lớn cho việc bồi bổ nội dung bài học, kỹ năng, phương pháp học tập sau nhiều tháng học trực tuyến với những ảnh hưởng  không nhỏ. Vì thế, tăng thời gian, kế hoạch bồi dưỡng, bổ trợ cho các em, bảo đảm đáp ứng chương trình học hiện hành và yêu cầu thi tốt nghiệp được coi là việc hệ trọng.

Trước thực tế học sinh trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến, kiến thức các em thu được trong quá trình học trực tuyến sẽ cần phải có thời gian để đánh giá đúng mức. Bởi thế, ngành giáo dục rất nên có sự chia sẻ với các em, với phụ huynh về vấn đề giảm áp lực học tập, thi cử trong bình thường mới. Rõ ràng, dịch bệnh đã tác động quá mạnh vào việc dạy và học, gây ra nhiều hệ lụy, dẫn đến những thiếu hụt, mai một trong cả thầy chứ không chỉ trò. Muốn các em bắt nhịp trở lại bình thường, cũng phải rất từ từ, thong thả, như tập luyện phục hồi chức năng cho người đau ốm vừa khỏi vậy. Và rõ ràng, bên cạnh những mục tiêu chuyên môn, không thể thiếu những giải pháp về tâm lý, đời sống và môi trường học đường, các vấn đề bổ trợ khác cho thể chất, tinh thần của học sinh. 

Mà bản thân những vấn đề học tập, thi cử, điểm số…, cũng nên có cái nhìn thoáng đãng, cởi mở hơn, tránh đặt nặng vấn đề thành tích, đáp ứng các chỉ tiêu phấn đấu từ trên giao xuống, từ dưới báo cáo lên, hay những quyết tâm quá cao phải lấy lại phong độ, chất lượng cho trường, cho ngành sau quãng thời gian vất vả vì dịch bệnh. Nên cùng nhắc lại gợi mở đầu năm học 2021-2022 của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, về việc hãy giúp cho học sinh tìm thấy niềm vui trong học tập và rèn luyện.