Đằng sau nụ cười

Mở mạng, lên báo, suốt thời gian dài, ta gặp những nụ cười y, bác sĩ trong tâm dịch. Sự lạc quan và tinh thần quyết thắng bệnh dịch của họ truyền cảm hứng cho xã hội trong đời sống những tháng ngày có dịch và cả trong nhiều cảnh huống đời thường. 

Khâm phục sự hy sinh, tôn vinh, ngợi ca, nhưng ta đừng quên những vất vả. Đừng lãng qua những nhọc nhằn. Có khi đừng nghĩ quá đơn thuần rằng, đấy là nhiệm vụ được giao, cần phải cống hiến. Suy nghĩ ấy càng dấy lên, khi ta có thể biết đâu đó những nỗi niềm y, bác sĩ trong cuộc đằng đẵng lao lực vì cứu chữa bệnh nhân Covid, trong những chiến dịch truy vết, xét nghiệm… 

Mới nghe một chuyện nao lòng, người nhà mình có việc vào một cơ sở điều trị sức khỏe tâm thần. Một trong những bệnh nhân ở đó, lại chính là một nữ y sĩ. Sau thời gian đi tăng cường hỗ trợ chống Covid ở tỉnh bạn trở về, người “nữ chiến binh” lại bị chính gia đình ngăn không cho bế con, trông con nhỏ do sợ lây nhiễm. Sự kỳ thị trong chính gia đình gây ra cú sốc…

Đó, có lẽ chỉ là một thí dụ trong rất nhiều những trường hợp mà ta có thể gọi là “cảnh ngộ” người chống dịch trong cơn biến động chung của cả xã hội. Có những đồng nghiệp ngành y kể cho nhau, hay kể với người thân về nhiều tình huống mà ta thấy, để vượt qua cũng phải toát mồ hôi, có khi thành nỗi ám ảnh. Nào là vào đến TP Hồ Chí Minh, có những em nam sinh viên ngành y khỏe mạnh, cao lớn hẳn hoi, mà đứng khóc, không biết làm gì vì quá hãi khi được giao chuyển mấy trường hợp bệnh nhân Covid không qua khỏi. Các chị lớn hơn phải động viên, an ủi. Rồi trong công việc ngày thường, thì mấy ai còn lạ việc các y, bác sĩ phải… đóng bỉm cả ngày. Bởi nếu cởi bộ bảo hộ ra thì phải thay bộ khác, nếu mỗi ngày vài bộ thì tốn kém lắm. 

Mà mặc cả ngày thì khổ đủ đường về oi bức, nóng nực. Chúng ta, ai chẳng nao lòng nhìn những bức ảnh một số y sĩ ngất xỉu khi tác nghiệp trong nắng nóng Bắc Giang, đồng nghiệp vây quanh chườm nước, vã nước cho tỉnh. Rồi những câu chuyện kể về các suất cơm ăn dở cũng bỏ đấy rồi bỏ luôn vì bận chạy đi xử lý công việc. Cả những suất không kịp ăn. Lại những bức ảnh dây đeo khẩu trang hằn trên mặt, những bàn tay nhăn nheo, bợt bạt vì rửa cồn, dung dịch sát khuẩn liên tục, đeo găng cả ngày. Cả những câu chuyện xen lẫn nước mắt khi y, bác sĩ là những người cuối cùng bên bệnh nhân nặng trong những ngày cuối cùng, lắng nghe, an ủi, đau xót và nỗi buồn còn dài vì không thể làm gì hơn.

Nhưng họ vẫn mỉm cười, vẫn thể hiện cùng ta dấu hiệu của vượt lên và chiến thắng. Có điều, đừng quên, đừng để trôi qua những tổn thất, mất mát về tinh thần, sức lực của họ. Sự động viên, bù đắp đó, trước thềm Tết đến xuân về, mong nhiều hơn từ đội ngũ lãnh đạo các bệnh viện, ngành y địa phương, từ chính quyền các tỉnh, thành phố nơi có những “chiến binh” đã không tiếc sức mình tiến vào tâm dịch.