Chăm sóc cây trong đời sống đô thị

Vào trong hè nóng bức, oi nồng, đi trên đường chang chang nắng, khô khan và mù bụi, nhiều người lấy làm lạ về hình ảnh cây cối hay những mảng xanh rất thất thường trên những tuyến phố, qua các địa bàn. 

Có những công viên lớn, um tùm cây xanh mát, hồ nước. Đây rõ ràng là điểm cộng nhiều năm qua cho việc chăm sóc không gian đô thị, rất đáng trân trọng. Nhưng ngoài một số công viên, vườn hoa lâu năm như thế, thì ở nhiều địa bàn mới, khu dân cư mới, nhiều khi chỉ thấy những nhà là nhà chen chúc; rồi những là đường mới inh ỏi xe cộ, chói chang hoa cả mắt. Rất thiếu các vùng cây mới nhằm góp phần hạ nhiệt cho các địa bàn dân cư đang phát triển rầm rộ, cứng hóa bởi bê-tông, sắt thép, mật độ phương tiện và người dày đặc.

Lại nữa là cảnh tượng rất đáng phiền lòng dọc theo và giữa các tuyến đường. Có những nơi khoảng cách cây cao trên hè gần nhau, cây phát triển tốt, cho bóng mát; hoặc trên dải phân cách đã phát triển được hai, ba… tầng cây, giúp cho vừa có bóng mát khu vực giữa đường, vừa tạo những vệt xanh tự nhiên với vẻ um tùm, tươi mát. Tuy nhiên, những hình ảnh như thế vẫn còn thưa thớt quá! Trên nhiều tuyến đường, cây đứng rõ xa nhau, lại gầy yếu, khẳng khiu, không ít cây đã trụi lá, trơ cành, những cảnh này thậm chí đã có từ lâu; rồi những dải phân cách lưa thưa vài cây dừa cảnh xơ xác, vàng úa, vài cây thân gỗ dựng lên mà như không, chẳng hiểu như thế rồi bao giờ mới cho được mầu xanh, bóng mát?

Tưởng đơn giản như chuyện cây, hình ảnh cây cối, sự săn sóc những tế bào nhỏ của lá phổi xanh đô thị, hóa ra không hề nhỏ chút nào. Sự phân bố của hệ thống cây xanh, nếu rộng khắp, đồng đều, thì mới có hy vọng mang lại hiệu quả tạo bóng mát, giúp trong lành hơn bầu không khí vốn đã ô nhiễm nặng nề. Cũng như cây cối được chăm sóc xanh tốt, phát triển khỏe mạnh, hình thành nên hệ thống, tạo tính liên kết của cây với không gian chung quanh, thì mới đạt hiệu quả về cảnh quan, thẩm mỹ, thậm chí cả tác động tốt cho tâm lý, tình cảm của cư dân. Còn nếu không, nếu chỉ những là xác xơ, còi cọc, thưa thớt, úa tàn…, thì sẽ hoàn toàn ngược lại. Thậm chí, còn trở nên kẽ hở để lọt những hành vi tiêu cực.

Chính vì thế mà những việc này không coi thường, coi nhẹ được. Cần ý thức nghiêm túc hơn của các cơ quan quản lý địa phương cùng các đơn vị chịu trách nhiệm chăm sóc cây cối, môi trường đô thị trong việc tạo dựng, chăm nuôi hệ thống cây xanh, công viên đô thị. Thậm chí, cần sự can thiệp nhiều hơn của các yếu tố khoa học với những khảo sát, đánh giá để đưa ra những định hướng phát triển cây xanh cho các khu vực cũng như xây dựng các tiêu chí kỹ thuật để căn cứ vào đó trồng thêm, chăm sóc thường xuyên và duy trì sự ổn định lâu dài cho hệ thống cây xanh. Có như vậy, mới bảo đảm hiệu quả thực của cây xanh đối với không gian, con người đô thị và một phần tính nhân văn trong đời sống đô thị hôm nay.