Tình người trong gian nhà nhỏ

Tại Đà Nẵng có một gian nhà trọ mang tên “Nhà hy vọng”. Dù là nhà trọ nhưng người ở đây không phải trả tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước. Càng đặc biệt hơn khi sống tại đây hầu hết là người ngoại tỉnh, tuy không phải họ hàng nhưng sống quây quần, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau như một gia đình. Đây là dự án thiện nguyện do một nhóm bạn trẻ thực hiện.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Minh và nhóm bạn trẻ sáng lập Nhà hy vọng.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Minh và nhóm bạn trẻ sáng lập Nhà hy vọng.

1/ Mấy tháng nay, cứ đến chập tối, dãy phòng trọ trong 119 Phạm Như Xương (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) đồng loạt sáng đèn. Trước hiên, trẻ con í ới chơi trò đuổi bắt. Trong nhà, người lớn luôn tay lo cơm nước, sắp xếp lại đồ đạc. “Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ đây là dãy trọ của những người bình thường. Nhưng không, mỗi người ở đây đều có những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Họ là người khuyết tật, người già neo đơn, mẹ đơn thân từ các tỉnh, thành phố khác đến Đà Nẵng mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo, nhặt ve chai…”, anh Tôn Thất Tuấn Anh, đại diện nhóm thành lập Nhà hy vọng chia sẻ.

Tuấn Anh kể, trong đợt đi phát quà dịp cận Tết cho những hoàn cảnh khó khăn, nhóm anh gặp nhiều người ngoại tỉnh thu nhập bấp bênh không có nhà, phải dựng tạm lều tại các khu đất trống hoặc thuê trọ để ở. Sau một thời gian bàn tính, nhóm quyết định làm điều gì đó để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. “Điều chúng tôi nghĩ đến đầu tiên là giúp mọi người có nơi ở ổn định. Nếu cho họ tiền thì một thời gian cũng tiêu hết, nên chỉ giúp có nơi ở vững chãi, kiên cố để họ có động lực vươn lên, làm việc thì mới bền lâu”, anh Tuấn Anh nói.

Sau thời gian khảo sát, nhóm tìm được một dãy trọ sáu phòng và cùng nhau góp tiền thuê, đồng thời tìm những hoàn cảnh khó khăn, mời đến ở miễn phí. Nhóm cam kết hỗ trợ chỗ ở trong vòng một năm cho khoảng 12 người và hỗ trợ một phần tiền điện, nước để mọi người yên tâm sinh sống.

2/ Vợ chồng anh Nguyễn Văn Minh (quê Bình Định) và chị Trần Thị Dung (quê Quảng Nam) sống ở Nhà hy vọng từ những ngày đầu. Cả hai anh chị đều khuyết tật bẩm sinh, di chuyển nhờ xe lăn hoặc ghế. Hằng ngày, vợ chồng anh Minh mỗi người một ngả bán vé số, hàng rong. Thu nhập hằng tháng của hai vợ chồng ngoài chi tiêu còn phải tiết kiệm gửi về quê nuôi con. Nhiều tháng nay, vì dịch bệnh, hàng quán đóng cửa nên việc mưu sinh gặp nhiều khó khăn. “Thật may chúng tôi được ở tại Nhà hy vọng, nếu không khó gánh nổi tiền thuê trọ trong lúc làm không đủ chi như thế này”, chị Dung nói.

Ở sát vách phòng vợ chồng anh Minh là cụ bà Trần Thị Mạnh (quê Thừa Thiên Huế). Hằng ngày, bà đi khắp các ngả đường, ngõ hẻm nhặt nhạnh chai nhựa, vỏ lon, thùng giấy bán lấy tiền. Đêm về, bà ngủ trong túp lều quây bằng bạt, che tôn tại khoảnh đất trống gần khu chung cư Phước Lý (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu). Bữa ăn hằng ngày của bà lúc cơm trắng muối mè, lúc mì gói. Ngày nào may mắn gặp điểm phát cơm từ thiện, bà xin cơm vừa ăn, vừa để dành cho bữa tối. Từ ngày đến sống ở Nhà hy vọng, cuộc đời bà Mạnh như sang một trang mới. “Tôi ăn uống đầy đủ, đúng bữa. Đêm xuống, ngủ ngon giấc, không còn lo khi mưa gió nhờ vậy mà tôi tăng gần hai kg”, bà Mạnh cười cho biết.

3/ Sau thành công của Nhà hy vọng, từ giữa tháng 6, nhóm tiếp tục thực hiện chương trình suất ăn yêu thương cho người lao động nghèo. Đều đặn vào trưa chủ nhật tuần thứ nhất và tuần thứ ba mỗi tháng, tại số nhà 265 Yên Khê 2 (quận Thanh Khê), nhóm phát miễn phí hàng trăm suất ăn cho những hoàn cảnh khó khăn. Nhờ có lợi thế bán quán cơm, sẵn địa điểm và vật dụng, anh Nguyễn Trần Quân (thành viên nhóm) phụ trách chính việc nấu ăn. Thực đơn được anh Quân thay đổi liên tục. Mỗi suất ăn yêu thương ngoài một phần cơm, canh còn kèm theo trái cây tráng miệng. “Khách” đến quán hầu hết là người bán vé số, mua ve chai, bán hàng rong, chạy xe ôm, xích lô. Mọi người được “mua” những suất cơm với giá 0 đồng. Đổi lại, “người bán” thu phí bằng nụ cười, sự ngon miệng. “Người mua” trả phí bằng những cái gật đầu, lời cảm ơn nồng hậu.

Qua tìm hiểu được biết, hầu hết thành viên trong nhóm từng một thời là những thanh niên quậy phá của địa phương nhưng sau thời gian cảm huấn và ngộ ra lẽ phải, mọi người quyết tâm làm lại cuộc đời. Dự án Nhà hy vọng và những suất ăn yêu thương chính là cách họ đang làm để trả ơn cuộc đời.