Quán cà-phê sách nhân ái

Quán cà-phê sách của anh Hồ Đức Thịnh không chỉ trở thành điểm giao lưu của thanh, thiếu niên tại phường An Hải Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) mà còn là nơi tạo việc làm thêm cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường.

Quán cà-phê là điểm đọc sách ưa thích của nhiều bạn trẻ trên địa bàn phường An Hải Đông.
Quán cà-phê là điểm đọc sách ưa thích của nhiều bạn trẻ trên địa bàn phường An Hải Đông.

1/Tham gia công tác đoàn thanh niên tại địa phương, vừa làm việc bên ngoài nhận thấy muốn có một nơi để tổ chức các hoạt động thu hút thanh, thiếu niên, tạo nơi sinh hoạt, đọc sách và giao lưu cho các em nên anh Thịnh đã trình bày với Đoàn phường An Hải Đông về ý tưởng mở quán cà-phê sách. Được hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng chính sách và đoàn phường đứng ra tín chấp để được thuê mặt bằng trong khuôn viên của Trung tâm Văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng phường theo giá hỗ trợ, quán cà-phê sách đã ra đời.

Qua các lời kêu gọi đóng góp, anh Thịnh có được nhiều nguồn sách, truyện cũ từ các đoàn viên và phần còn lại anh tự bỏ tiền mua. Với mô hình quán lấy sách truyện làm trung tâm nên các giá đựng sách đã được anh Thịnh gắn quanh nhà để ai ghé qua cũng tiện lấy. Từ ngày mở quán, các buổi sinh hoạt chi đoàn, các hoạt động tuyên truyền văn hóa, văn nghệ, pháp luật hay hoạt động gây quỹ an sinh xã hội địa phương đều được tổ chức tại đây. 

Để làm phong phú đầu sách, truyện, hằng năm anh Thịnh còn phối hợp với đoàn phường tổ chức ngày hội quyên góp sách nhằm bổ sung số lượng sách mới đủ chủng loại cho quán. Bên cạnh đó, những bộ sách giáo khoa, sách tham khảo sau khi được kiểm tra, đóng bìa cẩn thận sẽ được trao tặng cho các em học sinh hộ nghèo trong phường. Chị Nguyễn Thị Tuyết Sương, Phó Bí thư Đoàn phường An Hải Đông cho biết: “Mô hình thanh niên khởi nghiệp luôn được đoàn phường chú trọng và khuyến khích các đoàn viên phát huy bản thân. Hiện nay, toàn phường đang có bốn mô hình duy trì ổn định. Đặc biệt, các bạn sau khi khởi nghiệp ổn định đều hỗ trợ tạo việc làm, đào tạo nghề, liên kết giới thiệu công việc cho các đoàn thanh niên khác trong phường và quận”.

2/Nhằm chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng thanh, thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, quán cà-phê sách cũng là nơi để anh Thịnh hỗ trợ, tạo việc làm thêm bán thời gian cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Đó là những học sinh, sinh viên cần đi làm để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, những bạn khuyết tật có cơ hội được hòa nhập cộng đồng. Ở thời điểm dịch tạm lắng và bắt đầu cuộc sống bình thường, mỗi tháng, quán của anh có khoảng 15 người phụ làm, chia ba ca mỗi ngày.

Phạm Thị Khánh Uyên (17 tuổi), đang là học sinh cuối cấp THPT. Khi TP Đà Nẵng cho phép hàng quán được mở bán trở lại thì Uyên cũng nhanh chóng đến quán của anh Thịnh để làm thêm. Uyên ở cùng ba và hai anh chị, một mình ba đi làm nuôi các con. Thương ba vất vả và muốn được chia sẻ một phần gánh nặng cùng gia đình, Uyên đã được anh Thịnh hỗ trợ việc làm. Uyên đi học vào buổi sáng, học thêm ôn bài vào buổi tối nên em được bố trí làm việc ca chiều. Khánh Uyên chia sẻ: “Lúc nào em học xong sớm thì qua phụ các anh chị và lại được về sớm. Công việc của em là làm những việc cơ bản như dọn bàn, ghi món và bưng nước uống cho khách. Số tiền kiếm được mỗi tháng em dùng để mua sách ôn luyện thi để ba và anh, chị bớt lo”.

Không chỉ Uyên, tại quán đang có hai bạn khuyết tật và câm điếc cũng được anh Thịnh hỗ trợ việc làm. Mặc dù không thể làm nhanh như người bình thường nhưng các bạn luôn được mọi người trong quán hỗ trợ hết sức. Từ những ngày đầu làm quen, quen với môi trường mới và tiếp xúc với nhiều người, đến nay hai bạn đã có những thay đổi về tính cách, hòa nhập và vui vẻ hơn ở nơi đông người.

Sau bốn năm vừa kinh doanh vừa mở rộng thêm quán cà-phê sách, tới nay, hoạt động của quán khá ổn định với sáu bạn trẻ phụ việc. “Hỗ trợ các bạn trẻ có việc làm, có thu nhập là suy nghĩ đơn giản nhất khi tôi quyết định mở quán. Tuổi trẻ nói chung và những bạn trẻ đang làm việc tại đây nói riêng thường có những suy nghĩ ngây thơ, nhưng đó cũng là giai đoạn tươi đẹp nhất của mỗi người, nếu được chỉ dẫn từ từ các em sẽ nhận biết và hiểu được. Không những vậy, bên cạnh ý nghĩa tạo việc làm, quán còn là nơi để bày tỏ sự thấu hiểu, sẻ chia cuộc sống nên tôi luôn muốn đồng hành cùng các em vượt qua khó khăn”, anh Thịnh cho hay.