Những “vệ sĩ” của sông Hương

Không chỉ là trải nghiệm chèo thuyền SUP giữa dòng Hương thơ mộng, những người trẻ và khách phương xa yêu Huế còn lên kế hoạch nhặt rác, kêu gọi bảo vệ dòng sông, bảo vệ môi trường sống. Hình ảnh ấy đã lan tỏa và trở thành một phong trào gắn liền với lời kêu gọi “Nhặt một cọng rác, bạn đã làm Huế sạch hơn” trong suốt hai năm qua.

Hoạt động chèo thuyền sup vớt rác trên sông Hương được nhiều bạn trẻ đăng ký tham gia.
Hoạt động chèo thuyền sup vớt rác trên sông Hương được nhiều bạn trẻ đăng ký tham gia.

1/ Một sáng chủ nhật, khi bình minh vừa ló rạng, dòng người trên phố ngược xuôi thì bên dưới sông Hương đoạn trước mặt Nghinh Lương Đình, một nhóm bạn trẻ chèo thuyền SUP đang lặng lẽ nhặt từng cọng rác. Họ đến từ nhiều trường học, công ty khác nhau, thậm chí là khách phương xa. Thông qua diễn đàn, mạng xã hội, vì niềm đam mê môn thể thao dưới nước và tình yêu dành cho dòng sông nên hẹn nhau để vừa cùng kết hợp chèo thuyền, vừa nhặt rác làm sạch dòng sông.

Sau một hồi làm quen, lên thuyền, cô gái trẻ Nguyễn Ngọc Quỳnh (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế) đã sẵn sàng vợt và kẹp rác. Chỉ một vài thao tác, rất nhiều túi nylon, vỏ chai nhựa lẩn khuất giữa những bụi cỏ ven sông được Quỳnh lôi ra.

Dọc hai bờ sông, Quỳnh và những bạn trẻ cứ thế rảo nhiều vòng để tìm rác. “Sông Hương như người mẹ, không chỉ cung cấp nguồn nước mà còn nuôi dưỡng tâm hồn đối với những ai sinh ra, lớn lên nơi này”, Quỳnh đã nói về tình yêu của bản thân với dòng sông. Và đó là lý do cô luôn có mặt cùng với những bạn trẻ khác để vớt rác vào mỗi sáng cuối tuần. 

Cũng như Quỳnh, anh Vũ Ngọc Ân (32 tuổi, TP Huế) bỏ qua rất nhiều cuộc hẹn cà-phê vào sáng chủ nhật với bạn bè để đi vớt rác. Nhà anh ở ngay Đập Đá, cạnh sông nên ngày nào không ra tắm mát thì cũng chạy bộ quanh bờ sông Hương. Những lúc như thế, anh chứng kiến nhiều người vô ý thức xả rác mà không khỏi bức xúc. “Sông Hương đẹp, nước trong và ngọt lắm. Mình không thể chịu được khi thấy có rác ở đó nên mình tham gia việc nhặt rác này đã gần hai năm”, anh Ân cho biết.

Ân kể, khi chưa có thuyền SUP, đợt đầu anh và nhiều bạn trẻ khác thường thuê một chiếc ghe kèm theo nhiều dụng cụ chuyên dụng để vớt rác từ trên bờ cho đến dưới mặt nước. Rác sau khi vớt lên, sẽ được đưa đến nơi tập kết để nhân viên vệ sinh môi trường chở đi tiêu hủy. Cứ thế, hết tuần này qua tuần khác, đoạn sông gần nhà anh dần sạch rác, nhiều người thấy các bạn trẻ miệt mài làm cũng đăng ký giúp sức. “Thấy tụi mình nhặt rác, mọi người hiểu ra vấn đề và còn tham gia nhặt chung”, anh Ân kể thêm.

“Trong hai ngày cuối tuần, hình ảnh các bạn trẻ vớt rác kéo dài từ đầu nguồn Hương Hồ về tận Phú Vang đã quen thuộc với nhiều người. Họ chính là những “vệ sĩ của sông Hương”, không chỉ bảo vệ dòng sông mà còn tô thắm cho hệ thống di sản cảnh quan nằm dọc theo đó, từ Văn Thánh, Võ Thánh, Thiên Mụ kéo dài đến cồn Dã Viên, cồn Hến”, ông Nguyễn Xuân Hoa, một nhà nghiên cứu văn hóa Huế nhận xét.

2/ Nhắc đến phong trào chèo thuyền SUP nhặt rác trên sông Hương không thể không nhắc đến Nguyễn Đình Anh Khoa (Giám đốc Công ty TNHH K’event Anh Khoa). Anh Khoa chính là người khởi xướng các hoạt động thể thao trên sông Hương bằng cách đưa thuyền SUP trở thành một hoạt động vui chơi, giải trí được nhiều người hưởng ứng. Hằng tuần, anh tài trợ miễn phí thuyền, kêu gọi mọi người vừa trải nghiệm chèo, tắm sông Hương, vừa cùng nhau nhặt rác. Khoa nói, ngoài chạy bộ, đạp xe thì chèo thuyền và bơi trên sông Hương để ngắm cảnh cũng là một trải nghiệm thú vị và có thể xem như một loại hình du lịch. Nhưng để làm được điều đó, trước hết sông Hương phải thật sạch. “Rất vui là ý tưởng này có nhiều người hưởng ứng và đăng ký tham gia”. 

Mỗi tuần sẽ có hơn 30 bạn trẻ tham gia hoạt động nhặt rác trên sông Hương. Ngoài miễn phí thuyền SUP, anh Khoa còn chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cho người tham gia nhặt rác. Anh Khoa kể, một số du khách đến Huế sau khi tham quan các danh thắng, nghe ca Huế, ăn những món đặc sản thổ lộ rằng, họ muốn được tắm trên sông Hương một lần và được tham gia chèo thuyền SUP để vớt rác. “Nhiều người nói lý do muốn tắm trên sông Hương bởi đó là con sông sạch và đẹp nhất Việt Nam, còn việc họ từ nơi xa đến chỉ để tham gia nhặt rác cũng là cách nhắn gửi đến người Huế rằng, chúng ta đang sở hữu một tài sản vô giá. Vì thế, hãy biết trân trọng và bảo vệ bằng mọi giá”.