Nâng tầm cho sản phẩm thủ công

Lê Ngọc Thuận (sinh năm 1980) được cộng đồng du lịch, khởi nghiệp biết đến như một người tiên phong khởi xướng và xây dựng thành công mô hình du lịch bền vững ở làng chài An Bàng (TP Hội An, Quảng Nam). Gần đây, anh dấn thân vào một lĩnh vực mới là điêu khắc gỗ và gây ấn tượng khi góp mặt trong triển lãm “Con giống” cùng nhiều nghệ sĩ kỳ cựu của làng mỹ thuật. Anh đã dành cho Thời Nay cuộc trao đổi ý kiến về những sáng tạo của mình.

Lê Ngọc Thuận (người ngồi bên phải) giới thiệu sản phẩm mỹ nghệ cho khách du lịch.
Lê Ngọc Thuận (người ngồi bên phải) giới thiệu sản phẩm mỹ nghệ cho khách du lịch.

PV: “Tay ngang” đối với nghệ thuật nhưng anh đã có triển lãm chung với vài họa sĩ tên tuổi. Xin anh chia sẻ về cơ duyên và quá trình chuẩn bị tham gia triển lãm?

Lê Ngọc Thuận: Nhiều năm nay tôi đã có những ý tưởng nhỏ khi quan sát thấy nhiều củi lũ (gỗ trôi dạt vào sông, bờ biển sau mỗi trận mưa lũ) ở Hội An. Tôi đi thu gom và đẽo gọt, sơn mầu, biến chúng thành bát, đĩa, lọ hoa, chuông, bàn ghế, chụp đèn, tượng các con vật… để trang trí cho các homestay, nhà hàng, biệt thự du lịch tại làng chài An Bàng mà tôi đã xây dựng từ năm 2012. Năm 2021, khi du lịch tạm đóng băng, tôi dành nhiều thời gian hơn cho công việc tái sinh củi lũ và quyết tâm gây dựng thương hiệu gỗ thủ công mỹ nghệ thân thiện với môi trường. Qua truyền thông và bạn bè, họa sĩ Lê Thiết Cương đã chủ động kết nối với tôi và mời tham gia triển lãm “Con giống” cùng ba họa sĩ, nhà điêu khắc. Chính anh gợi ý cho tôi đi sâu hơn vào văn hóa bản địa để thổi hồn vào các tác phẩm điêu khắc, cụ thể là văn hóa Cơ Tu ở miền núi tây Quảng Nam.

PV: Cụ thể, anh đã tìm hiểu văn hóa Cơ Tu bằng những cách nào?

Lê Ngọc Thuận: Sau nhiều lần cùng Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam đi khảo sát để hỗ trợ định hướng cho bà con Cơ Tu làm du lịch, tôi có dịp ở nhà cộng đồng (nhà Gươl), trải nghiệm điệu múa dâng trời (tung tung da dá)... và nhất là chiêm ngưỡng các tác phẩm điêu khắc dân gian rất độc đáo, ấn tượng. Với cảm hứng đó, tôi tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn về điêu khắc mang hoa văn của núi rừng, thổ cẩm dân tộc.

Đặc biệt, văn hóa của người Cơ Tu có một điều rất hay: đó là không phá rừng tự nhiên bừa bãi để lấy gỗ. Thay vào đó họ lấy gỗ gãy, đổ từ rừng hoặc gỗ trong rừng trồng. Khi dùng gỗ rừng để làm nhà mồ hay bất cứ cái gì quan trọng trong cộng đồng, người Cơ Tu phải thực hiện nghi lễ “xin phép” các thần linh, và phải cảm thấy được thần linh cho phép thì mới cưa gỗ. Con đường tôi đang đi là sử dụng gỗ thải loại của làng nghề mộc, củi lũ, ván tàu gỗ cũ hỏng, hoặc gỗ rừng trồng ngắn ngày như xà cừ, keo và tạo ra các tác phẩm mang bản sắc văn hóa xứ Quảng, bao gồm cả TP Hội An và các vùng núi như Đông Giang, Tây Giang...

PV: Trước đây, anh gắn bó với du lịch và cũng có tiếng trong ngành này. Vậy khi làm dự án mới về nghệ thuật thì có gác lại việc làm du lịch không?

Lê Ngọc Thuận: Với xu hướng chung hiện nay là du khách khi đến một nơi nào đó đều quan tâm đến ẩm thực kết hợp với âm nhạc và nghệ thuật, tôi nghĩ rằng hai lĩnh vực mà tôi đang làm sẽ bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Khi bắt đầu khởi nghiệp du lịch, tôi đã đưa vật liệu địa phương, thân thiện với môi trường vào các thiết kế homestay, biệt thự nghỉ dưỡng... và nhận được những phản hồi rất tích cực từ khách lưu trú. Cộng đồng làm du lịch cũng ủng hộ và đồng lòng giữ gìn cảnh quan làng chài, kiến trúc truyền thống tương đối nguyên vẹn. Giờ đây tôi phát triển dòng sản phẩm gỗ mỹ nghệ cũng nhằm tạo thêm các không gian “xanh” cho TP Hội An, để ngày càng nhiều du khách biết đến.

PV: Anh có thể chia sẻ về những dự định sắp tới của mình?

Lê Ngọc Thuận: Hiện nay, tôi đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm mỹ nghệ, kết hợp thêm các chất liệu như gốm, đồng... từ làng nghề khác chứ không chỉ riêng gỗ. Tôi cũng cùng cộng đồng làng chài An Bàng tổ chức các sự kiện định kỳ như lễ hội ẩm thực, trình diễn âm nhạc, hội chợ triển lãm hàng thủ công và sản phẩm sáng tạo, mang lại niềm vui cho cả người dân và du khách. Bên cạnh đó, tôi có kế hoạch tổ chức các workshop trải nghiệm điêu khắc “tái sinh” củi lũ, ván thuyền bỏ đi thành tác phẩm nghệ thuật, hoặc tạo hình sinh vật biển từ rác thải. Đó sẽ là nơi kể về những câu chuyện văn hóa, đời sống làng quê ven biển.

PV: Xin cảm ơn anh!