Một mạng lưới hữu ích

T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống Covid-19 (Bộ Khoa học và Công nghệ) thành lập Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” nhằm huy động nguồn lực xã hội tư vấn cho người nhiễm hoặc có nguy cơ cao mắc Covid-19 tại cộng đồng. Sau hơn hai tháng chính thức vận hành, đội ngũ các y, bác sĩ đã tư vấn, sàng lọc và chăm sóc 373.096 F0 tại nhà, tức khoảng 42% tổng F0 trên cả nước.

Các bác sĩ mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" trao đổi kinh nghiệm chữa trị trực tuyến.
Các bác sĩ mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" trao đổi kinh nghiệm chữa trị trực tuyến.

Trong tổng số F0, có 361.799 bệnh nhân được đánh giá nguy cơ mức 0 và 1 (không triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ, nguy cơ diễn tiến nặng thấp) được chăm sóc thường xuyên bởi các tình nguyện viên y tế, 2.305 bệnh nhân mức nguy cơ 2 được bác sĩ theo sát, 2.463 bệnh nhân mức nguy cơ diễn tiến bệnh nặng 2, 3, 4 đã được hỗ trợ nhập viện cấp cứu... Đây là con số được T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam thống kê, kể từ ngày mạng lưới vận hành chính thức (1/8) tại các tỉnh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Hà Nội. 

Chia sẻ về ý tưởng ra đời, bác sĩ Lê Tuấn Thành, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, phụ trách nhóm bác sĩ tư vấn cho biết khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, nhiều anh em trong T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ có trao đổi qua điện thoại bàn cách giúp phân tầng nguy cơ của các trường hợp mới phát hiện nhiễm Covid-19 nhưng chưa kịp đưa vào bệnh viện. Cùng thời điểm, nhận thấy các cuộc gọi đến hệ thống tổng đài hỗ trợ người dân ngày càng trở nên quá tải, T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ và Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống Covid-19 đã thống nhất xây dựng mô hình chữa trị qua điện thoại. Đây là sự kết hợp giữa kiến thức được tích lũy nhiều năm, học hỏi các mô hình của quốc tế, có sự điều chỉnh để phù hợp tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh và các nơi khác.

Đối tượng chính mạng lưới tập trung trợ giúp là bệnh nhân Covid-19 cần hỗ trợ khẩn cấp: Trường hợp xác định chưa kịp được đưa đến cơ sở y tế điều trị (do mới phát hiện hoặc do cơ sở quá tải); trường hợp xác định có chỉ định theo dõi điều trị tại nhà sau điều trị ban đầu tại cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế; trường hợp tiếp xúc có triệu chứng nhưng xét nghiệm gần nhất cho kết quả âm tính; trường hợp tiếp xúc nguy cơ cao vì ở chung trong không gian kín với bệnh nhân Covid-19. Đây là nhóm đối tượng dễ tổn thương do chưa biết tình trạng bệnh mình ở mức độ nào. Họ cũng chưa biết phải gọi cho ai và ở đâu khi đang tự cách ly tại nhà, hoặc chưa liên hệ được cơ quan y tế khi trở bệnh nặng nên dễ có tâm lý hoang mang, hoảng loạn.

Phương thức hoạt động là từ thông tin của F0 và F1 ở kho dữ liệu chung gửi về, mạng lưới sẽ sử dụng công nghệ để phân chia các trường hợp cho các bác sĩ nhưng vẫn bảo đảm bí mật thông tin người bệnh. Từ thông tin, các bác sĩ sẽ chủ động gọi điện thoại đến từng F0, F1 để sàng lọc tình trạng. Dựa vào bảng kiểm các triệu chứng bệnh, các bác sĩ sẽ hỏi thăm, chấm điểm, đánh giá nguy cơ diễn tiến rồi phân loại về năm mức nguy cơ để có phương hướng xử lý.

Theo các chuyên gia y tế, việc phân loại nguy cơ và tư vấn y tế có ý nghĩa quan trọng trong việc sắp xếp những người cần ưu tiên chăm sóc tại cơ sở. Nhờ đó, giảm tải cho hệ thống y tế địa phương, giúp bệnh nhân cần được điều trị tiếp cận sớm đội ngũ y tế. Bệnh nhân không cần điều trị hoặc có nguy cơ thấp cũng không bị hoang mang, từ đó giúp hạn chế lây nhiễm chéo khi đến bệnh viện.

Đại diện T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, hiện nhiệm vụ giai đoạn một là “giải cứu điểm nóng Covid-19” tại các địa phương đã hoàn thành. Do đó, thời gian tới, sẽ chuyển sang cơ chế hoạt động tình nguyện hỗ trợ theo dõi F0 tại nhà, chuyển giao mô hình cho ngành y tế địa phương trước ngày 31/12. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, mạng lưới vẫn sẵn sàng huy động lực lượng tình nguyện trực tổng đài online và kích hoạt cơ chế hỗ trợ thông tin khẩn cấp trong trường hợp có lời kêu gọi của ngành y tế.

Đến nay, Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” đã thực hiện được hơn 862.000 cuộc gọi, hơn hai triệu phút đàm thoại để tư vấn bệnh. Toàn mạng lưới hiện có 10.028 tình nguyện viên là nhân viên y tế, trong đó hơn 6.300 y, bác sĩ và tình nguyện viên trực tuyến. Họ là các bác sĩ đa khoa, chuyên khoa, dược sĩ, điều dưỡng, chuyên viên tâm lý... làm việc tại khắp các tỉnh, thành phố, những nơi chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19.