Linh hoạt tư vấn tuyển sinh mùa dịch

Dịch Covid-19 khiến nhiều thứ thay đổi, trong đó có cả công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Hai năm nay, nhiều trường đại học tại TP Hồ Chí Minh đã chủ động nâng cấp hoạt động tư vấn trực tuyến từ mức giải pháp tình thế sang phương án chủ đạo và có cả kế hoạch định hướng cho tương lai. Mạng xã hội thịnh hành đang là những kênh được các trường tập trung đầu tư để thu hút thí sinh.

Nhiều trường đại học đã đầu tư cho hoạt động tư vấn trực tuyến để thu hút thí sinh.
Nhiều trường đại học đã đầu tư cho hoạt động tư vấn trực tuyến để thu hút thí sinh.

Tìm cách tiếp cận giới trẻ

Không cần đi đến các ngày hội tuyển sinh - hướng nghiệp hay ngồi hàng giờ giữa sân trường để nghe tư vấn quá nhiều nội dung cùng lúc, giai đoạn này, Nguyễn Thị Minh Tâm (TP Thủ Đức) có thể nghe tư vấn tuyển sinh trực tuyến và đặt câu hỏi trực tiếp cho chuyên gia, đại diện các trường trên thanh tương tác. Với một bạn trẻ ngại giao tiếp trước đám đông như Tâm, đây là kênh hỗ trợ thiết thực: “Em có thể nghe nội dung tư vấn của các trường mà mình quan tâm, đồng thời thoải mái đặt câu hỏi về các ngành học cũng như nhờ các thầy cô hướng nghiệp theo từng lĩnh vực”.

Bên cạnh trang fanpage trên mạng xã hội Facebook, hai năm trở lại đây, Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh còn đẩy mạnh nhiều kênh tư vấn, truyền thông thông qua Zalo, YouTube, Instagram và TikTok... Không còn dành phần lớn thời gian cho các chuyến tư vấn trực tiếp liên tỉnh hoặc tổ chức gian hàng tại nhiều ngày hội tuyển sinh, dịch Covid-19 bùng phát khiến nhà trường chuyển hướng đầu tư nhiều hơn cho tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp trực tuyến. Việc làm mới hướng tiếp cận bước đầu đã mang lại hiệu quả. Khảo sát gần đây của cơ sở giáo dục đại học này cho thấy, đa phần tân sinh viên nắm rõ thông tin ngành học và cách thức tuyển sinh vào trường là nhờ các kênh trực tuyến. 

Theo Ths Hoàng Thị Thoa, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông nhà trường, đẩy mạnh các kênh trực tuyến thịnh hành là định hướng phát triển tư vấn tuyển sinh trong giai đoạn tới. Thế nhưng, muốn người trẻ đón nhận, bên cạnh việc “bắt trend”, các buổi tư vấn phải đi đúng mong muốn người học. Mỗi chương trình tư vấn trực tuyến của trường theo đó đều có kịch bản với chủ đề cho từng chuỗi nhằm đưa ra những thông điệp rõ ràng hướng đến thí sinh. Bên cạnh sự kỹ lưỡng trong khâu kịch bản, trường đã thành lập một đội hình chuyên gia tư vấn để hỗ trợ thí sinh kịp thời. Đội ngũ chuyên viên của trường được bố trí trực thường xuyên, giúp giải đáp các thắc mắc về tuyển sinh, hướng nghiệp của bạn trẻ. 

Cạnh tranh bằng chất lượng tư vấn

Năm 2021, Trường đại học Tài chính - marketing tuyển sinh đạt tỷ lệ 104% với khoảng 4.700 tân sinh viên nhập học. Dù tình hình dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp nhưng trong năm qua trường đã kết nối và tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp trực tuyến cho học sinh tại gần 80 trường THPT tại TP Hồ Chí Minh và hơn 20 tỉnh, thành phố. Từ đầu tháng 11 đến nay, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp nhà trường có khi một ngày phải ngồi bên máy tính tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp bốn ca, mỗi ca hơn hai tiếng. Với các buổi tư vấn hợp tác cùng các trường khác, mỗi ca có từ vài trăm đến vài nghìn học sinh cùng theo dõi, tương tác. Ngoài các mạng xã hội thông dụng, kênh YouTube, fanpage, nhà trường còn đầu tư thực hiện nhiều Vlog sáng tạo, gần gũi với giới trẻ. “Cái hay của tuyển sinh trực tuyến là các trường có thể tương tác, trả lời kỹ cho học sinh sau khi chương trình kết thúc. Mình cũng có thể bổ sung thêm thông tin của trường lên trên đó để học sinh tương tác nhiều hơn”, bà Phụng cho biết thêm. 

Cùng với các kênh tương tác, quảng bá thông dụng, năm nay, Trường đại học Gia Định đã áp dụng thêm công nghệ quét mã QR và Google meet để triển khai kế hoạch định hướng nghề nghiệp cho học sinh tại các trường THPT trên toàn quốc. Việc đổi mới nội dung tương tác khiến các kênh tiếp cận thí sinh của trường được nhiều bạn trẻ đánh giá cao về tính thân thiện, tiện lợi. 

Tiến sĩ Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông nhà trường cho rằng, việc đổi mới tuyển sinh thích ứng với tình hình dịch bệnh đã giúp các cơ sở giáo dục chủ động hơn trong quá trình đồng hành, định hướng thí sinh chọn nghề, chọn ngành, chọn trường phù hợp: “Khi việc đẩy mạnh các kênh tư vấn, quảng bá trực tuyến trở thành xu hướng sẽ mở ra trang mới cho dạy và học từ xa. Nhưng quan trọng nhất, công nghệ phải đi đôi với chất lượng nội dung”.