Gỡ rối cho học trực tuyến

Theo khảo sát sơ bộ của Sở Giáo dục & Đào tạo TP 
Hồ Chí Minh, toàn thành phố có hơn 5% số học sinh (HS) không bảo đảm các điều kiện về thiết bị và đường truyền để học trực tuyến trong tình hình giãn cách kéo dài. Tìm cách hỗ trợ thiết bị, sách giáo khoa, tăng cường các phương pháp truyền đạt kiến thức cho HS đầu cấp… là cách mà TP Hồ Chí Minh đã và đang triển khai để từng bước gỡ rối cho người học. 

TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực gỡ khó cho dạy học trực tuyến.
TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực gỡ khó cho dạy học trực tuyến.

Khó đủ đường

Hiện, TP Hồ Chí Minh có gần 73 nghìn trong tổng số hơn 1,3 triệu HS khó bảo đảm điều kiện tham gia học trực tuyến. Ngoài ra, hơn 8.000 HS khác cũng không thể học trên internet trong thời gian này vì nhiều lý do, như đang là F0 hoặc cả gia đình là F0, đang điều trị ở bệnh viện, gia đình đông anh em nhưng chỉ có một máy tính hoặc một điện thoại thông minh, thiết bị hư chưa sửa được do giãn cách kéo dài… Khi hay tin thời gian học trực tuyến có thể kéo dài đến hết học kỳ 1, chị Nguyễn Ngọc Thu, một lao động tự do đang thuê trọ tại quận 12 thở dài, giọng đầy lo lắng: “Nhà tôi hai đứa con, làm gì có máy tính mà học trực tuyến. Cố lắm thì ba mẹ cho con mượn điện thoại nhưng sóng WiFi yếu lắm, thấy thương tụi nhỏ mà không biết phải tính sao”.

Chuyên gia tư vấn giáo dục Nguyễn Thị Phương Hoa, Giám đốc Trung tâm đào tạo ngắn hạn, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nhận định, cô và trò các trường đang đối mặt với những khó khăn chưa có tiền lệ. Việc phải ở nhà quá lâu khiến các gia đình, nhà trường và bản thân giáo viên (GV) ứng phó chưa tốt và khó có thể chuẩn bị đầy đủ phương tiện cho việc dạy - học trực tuyến như mong muốn. 

Bên cạnh đó, từ trước đến nay nhiều phụ huynh (PH) vẫn xem việc giảng dạy là trách nhiệm của nhà trường nên khi HS phải học trực tuyến từ đầu năm, kéo dài nhiều tháng, đa phần các bậc làm cha mẹ vẫn lóng ngóng, thậm chí chưa biết cách sử dụng các phần mềm để hướng dẫn, hỗ trợ con em mình. Con học trực tuyến cùng giai đoạn ba mẹ vẫn phải làm việc bằng máy tính, thiếu thiết bị, đường truyền yếu, không gian nhiễu tiếng ồn cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng khiến áp lực tâm lý các em đang gánh là không hề nhỏ. 

Gỡ từng bước

Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cách đây không lâu đã có tờ trình gửi UBND thành phố về đề xuất chủ trương triển khai kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ trang thiết bị học tập trực tuyến cho HS. Theo đó, ngành dự kiến huy động 85 nghìn thiết bị hỗ trợ học trực tuyến từ nguồn tài trợ, thiết bị đã qua sử dụng và thiết bị mua trả góp ưu đãi. Nhiều tổ chức cũng đã trao tặng hàng trăm bộ sách giáo khoa tận nhà cho HS khó khăn tại nhiều quận, huyện. 

Đối với HS lớp 1, 2, TP Hồ Chí Minh đã triển khai việc dạy học trên truyền hình với khung giờ cố định, được thiết kế vui nhộn, sống động nhằm giúp trẻ có được những kỹ năng cần thiết dựa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. GV bậc tiểu học đã và đang thực hiện việc ghi hình bài giảng để đăng tải lên trang web của trường để cung cấp thêm tư liệu cho HS, PH. Nhiều trường học cũng đã nhanh chóng tạo “ATM điện thoại thông minh” và các nguồn thu tình nguyện để kịp thời hỗ trợ HS khó khăn sắm được thiết bị học trực tuyến. 

TS Nguyễn Thanh Hải, Viện Nghiên cứu giáo dục STEM, Đại học Missouri (Mỹ) cho rằng, thiết bị học tập là vấn đề cốt lõi của dạy - học trực tuyến. Do vậy, cần có sự hỗ trợ kịp thời cho người học. Tài liệu giảng dạy của GV cũng là yếu tố không thể bỏ qua. Ngoài ra, người dạy phải chủ động giảm thời gian thuyết trình, tăng cường sử dụng hình ảnh trực quan, clip, giúp HS liên hệ thực tiễn và tóm tắt nội dung trọng tâm từng phần ngay trong giờ dạy trực tuyến. 

Theo các chuyên gia, sự hỗ trợ về thiết bị, hạ tầng, những đổi mới về cách thức thiết kế giáo án, giảng dạy vẫn chưa đủ nếu thiếu đi nỗ lực đồng hành từ PH. Trưởng phòng giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Lê Duy Tân cho rằng, bên cạnh kỹ năng tự học, HS cần sự hỗ trợ đúng lúc của cha mẹ để việc học trên internet không chỉ xoay quanh thời khóa biểu trực tuyến: “Nhà trường, GV cần thiết kế giờ học trực tuyến thật tốt trên đường truyền hiệu quả để thu hút HS. PH quan tâm, giám sát thường xuyên nhưng cần biết cách, tránh can thiệp quá sâu vào chuyện học trực tuyến khiến HS mất tự nhiên”.