Giảm áp lực cho sinh viên

Không chỉ gặp khó khăn về kinh tế, những tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần do dịch Covid-19 kéo dài cũng khiến nhiều sinh viên tại TP Hồ Chí Minh cảm thấy áp lực. Họ cần sự hỗ trợ từ nhà trường, cộng đồng để sớm cân bằng cuộc sống, duy trì chất lượng học tập.

Học bổng 100% học phí đến khi ra trường giúp giảm gánh nặng kinh tế cho Lâm Thị Minh Hiền sau khi ba của em không may qua đời vì Covid-19.
Học bổng 100% học phí đến khi ra trường giúp giảm gánh nặng kinh tế cho Lâm Thị Minh Hiền sau khi ba của em không may qua đời vì Covid-19.

Đủ loại khó khăn

Ngày nghe bệnh viện báo tin ba qua đời vì Covid-19, Lâm Thị Minh Hiền (Trường cao đẳng Quốc tế TP Hồ Chí Minh) bị sốc nặng. Ba mẹ ly hôn từ lâu, Hiền sống cùng ba và mẹ kế. Kinh tế gia đình không mấy khá giả nhưng ba luôn cố gắng lo cho Hiền ăn học tới nơi tới chốn. “Lúc ba mất, thật sự em rất hoang mang. Mẹ có gia đình mới ở xa, cũng chẳng khá giả gì. Mẹ kế thì lớn tuổi nên em không muốn trở thành gánh nặng. Em tính nghỉ học đi làm để tự lo cho bản thân”, Hiền ngậm ngùi chia sẻ. 

Riêng trong đợt dịch thứ tư này, TP Hồ Chí Minh có hàng trăm học sinh, sinh viên mồ côi cha, mẹ, có em mất cả cha lẫn mẹ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Không chỉ những học sinh, sinh viên mồ côi vì Covid-19 mới cảm thấy cuộc sống áp lực, mà dịch bệnh kéo dài kèm theo hàng loạt xáo trộn đã khiến nhiều bạn trẻ chịu các ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe tinh thần. Theo nghiên cứu mới đây của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh dựa trên phần khảo sát hơn 37 nghìn sinh viên, bạn trẻ đang chịu nhiều tổn thương tinh thần vì dịch Covid-19. Kết quả khảo sát cho thấy, chất lượng cuộc sống của không ít sinh viên đã bị dịch bệnh tác động với nhiều biểu hiện như: rối loạn giấc ngủ (56,2%); tính tình thay đổi hay cáu gắt, buồn rầu, lo lắng không rõ lý do (35,7%); mất nhận thức thoáng qua, có những hành vi vô thức và hay quên (36,5%). Gần một nửa sinh viên tham gia khảo sát cho rằng, dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài khiến họ cảm thấy tự ti, mất phương hướng hay mơ hồ về mục đích sống của bản thân. Nỗi lo lắng khả năng đóng học phí cũng chiếm tỷ lệ khá cao, gần 60%. 

Nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chỉ rõ, trong các ảnh hưởng tâm lý mà sinh viên phải gánh chịu trong giai đoạn dịch bệnh thì vấn đề áp lực học tập trực tuyến được ghi nhận cao nhất (65,1%). Ngoài ra, nhiều sinh viên không hài lòng với chất lượng bài giảng trực tuyến và có đến 56,8% người tham gia khảo sát cho biết, họ thiếu tập trung hoặc không có hứng thú học tập trong giai đoạn dịch. 

Lên phương án hỗ trợ người học

Trên cơ sở phân tích, nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đề xuất các giải pháp để khắc phục thực trạng không mong muốn này. Theo đó, các cơ sở giáo dục cần khai thác tốt những dịch vụ chăm sóc đời sống tâm thần cho sinh viên để khắc phục những hậu quả về mặt phi vật chất do Covid-19 gây ra. Muốn giúp sinh viên giảm tác động xấu về tâm thần, các chương trình giao lưu trực tuyến, chương trình học thuật, chương trình rèn luyện kỹ năng… là không thể thiếu. 

Cảm nhận rõ sự tác động của dịch Covid-19 đến người học, giai đoạn này, nhiều trường đại học, cao đẳng tại TP Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai các hoạt động hỗ trợ sinh viên như trao học bổng, giảm học phí, tặng máy tính, tổ chức nhiều chương trình giao lưu-tư vấn tâm lý trực tuyến, thay đổi cách dạy… Ông Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Quốc tế TP Hồ Chí Minh cho biết, riêng trong đợt thành phố tiến hành giãn cách xã hội, cơ sở giáo dục này đã tặng 1.000 phần quà nhu yếu phẩm cho sinh viên chưa kịp về quê. Trường cũng vừa triển khai chương trình “Học bổng Covid” với mức tài trợ 100% toàn bộ chi phí khóa học cho sinh viên mồ côi vì dịch bệnh nhằm động viên tinh thần người học. 

Bên cạnh gói hỗ trợ 30,6 tỷ đồng thông qua việc cấp học bổng, giảm học phí, năm học này, Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh còn tăng cường các hoạt động hỗ trợ đời sống tinh thần cho sinh viên. Theo Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông nhà trường, các chuyên đề tư vấn tâm lý, hỗ trợ các vấn đề liên quan sức khỏe tinh thần luôn được nhiều sinh viên quan tâm. “Chúng tôi sẽ tư vấn các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần trong đại dịch để cung cấp thêm các kiến thức cần thiết giúp sinh viên cân bằng cuộc sống. Ngoài ra, nhà trường cũng đẩy mạnh nhiều cuộc thi trực tuyến, tạo thêm sân chơi cho giảng viên, sinh viên. Việc học trực tuyến sẽ còn tiếp tục nên rất cần các chương trình kỹ năng, giải trí xen kẽ nhằm giảm áp lực cho cả người dạy lẫn người học”.