Dành cả thanh xuân làm thiện nguyện

Hơn 10 năm nay, thầy giáo trẻ Trương Vĩnh Đặng (SN 1986, trú quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) được mọi người biết đến với biệt danh “người dành cả thanh xuân để làm thiện nguyện”. Bất kể lúc nào, ở đâu, chỉ cần nghe có người khó khăn cần giúp đỡ, anh Đặng không ngần ngại lên đường. Thời Nay có dịp trò chuyện cùng anh về hành trình 10 năm làm việc thiện.

Anh Đặng bên tấm bảng chỉ đường để người dân về quê không bị lạc.
Anh Đặng bên tấm bảng chỉ đường để người dân về quê không bị lạc.

PV: Anh bắt đầu bén duyên với thiện nguyện từ khi nào?

Trương Vĩnh Đặng (TVĐ): Năm 2010, khi đang là giáo viên dạy Mỹ thuật tại Trường tiểu học Tây Hồ, trong một lần đến bệnh viện thăm người thân, tôi tình cờ gặp một bệnh nhân bị tai nạn nhưng không có đủ kinh phí điều trị. Xót xa với hoàn cảnh trước mắt, tôi nảy ra ý định mang chậu bonsai của mình bán đấu giá để có tiền giúp đỡ bệnh nhân ấy. Nghĩ là làm, tôi chọn chậu bonsai đẹp nhất trong vườn, chụp ảnh và đăng lên Facebook với nội dung bán đấu giá gây quỹ hỗ trợ bệnh nhân. Không ngờ chỉ sau hơn hai giờ đăng tải đã có hàng chục người ngỏ ý mua. Kết thúc thời gian đấu giá, chậu bonsai được định giá hơn 10 triệu đồng. Cùng với kinh phí vận động từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp, tôi đã trao hỗ trợ cho người nhà bệnh nhân số tiền khoảng 20 triệu đồng để chi trả các khoản điều trị. Đó là “viên gạch” đầu tiên đặt nền móng cho hành trình thiện nguyện của tôi sau này.

PV: Các hoạt động thiện nguyện của anh tập trung vào đối tượng nào? 

TVĐ: Trong hành trình thiện nguyện 10 năm qua, tôi tập trung giúp đỡ những trường hợp gặp tai nạn, ốm đau đột xuất không có kinh phí chữa trị, người lao động nghèo, người già neo đơn, phụ nữ đơn thân, trẻ em mồ côi, đồng bào thiểu số các tỉnh miền núi… 

Cùng với đó, tôi duy trì đều đặn các hoạt động nấu và phát hàng trăm bữa ăn miễn phí vào tối thứ sáu hằng tuần cho người nhặt ve chai, bán vé số, lao công... tổ chức những chuyến đi về các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi để trao tặng nhu yếu phẩm, áo ấm, sách vở cho người dân và học sinh miền núi. Chưa hết, mỗi khi hay tin có trường hợp gặp khó khăn đột xuất, tôi trực tiếp xác minh, vận động và trao tiền mặt giúp đỡ họ.

PV: Được biết trong hai năm 2020 - 2021, anh triển khai khá nhiều hoạt động giúp đỡ, tiếp sức cho những hoàn cảnh gặp khó khăn do Covid-19. Anh có thể chia sẻ rõ hơn?

TVĐ: Hai năm nay, dịch bệnh kéo dài khiến người lao động phổ thông, lao động ngoại tỉnh trên địa bàn TP Đà Nẵng khó khăn chồng chất khó khăn. Điều đó thôi thúc tôi tiếp tục hành động. Tôi và các nhà hảo tâm thường xuyên tổ chức những “Gian hàng 0 đồng” để tặng hàng nghìn suất nhu yếu phẩm, tiền mặt cho sinh viên ngoại tỉnh, người khuyết tật, người già neo đơn gặp khó khăn do Covid-19; nấu và tặng hàng trăm bữa ăn mỗi ngày cho người lao động nghèo; tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu làm nhiệm vụ các bệnh viện, khu cách ly, chốt chặn bằng những bữa ăn khuya, những ly nước giải khát trong ngày nắng nóng...

Từ đầu tháng 10 đến nay, chứng kiến hình ảnh từng đoàn người từ các tỉnh phía nam chạy xe máy xuyên đêm giữa mưa lạnh để về quê, tôi không cầm lòng được và tiếp tục lên đường. Tôi chuẩn bị những phần ăn, sữa tươi, nước uống và túc trực tại các điểm đoàn người đi qua để gửi tặng. Chưa hết, để giúp người dân về các tỉnh phía bắc đi đúng tuyến đường, tôi và bố tôi đã in và treo sáu bảng chỉ đường phụ tại các ngã ba, ngã tư để hướng dẫn mọi người đi theo, tránh đi nhầm vào trung tâm thành phố. Tôi mong những việc làm nhỏ này có thể giúp mọi người phần nào trên chặng đường về nhà.

PV: Để duy trì được những hoạt động thiện nguyện như trên, chắc anh đã bỏ ra rất nhiều kinh phí?

TVĐ: Thời gian đầu hoạt động thiện nguyện, tôi chủ yếu làm một mình với tâm nguyện “có bao nhiêu làm bấy nhiêu”. Để có kinh phí hoạt động, tôi bán đấu giá những tác phẩm bonsai mà mình trồng và sưu tầm được. Dần dà tôi nhận được sự tin tưởng, ủy quyền, gửi gắm của đông đảo nhà hảo tâm, đồng nghiệp, bạn bè. Trong suốt 10 năm qua, tôi chỉ đóng vai trò làm cầu nối giúp kết nối những hoàn cảnh khó khăn đến với các nhà hảo tâm. Sự hỗ trợ, tiếp sức cả về vật chất lẫn tinh thần của mọi người đã tiếp thêm sức mạnh để tôi gắn bó với công việc này.

PV: Xin cảm ơn anh!