Chuyện về “Ngôi nhà của pin”

Đã sáu tháng nay, cứ hai tuần một lần, một nhóm bạn trẻ ở TP Đà Nẵng lại cùng nhau đi thu gom pin cũ tại các điểm lắp đặt mô hình “Ngôi nhà của pin”. Sản phẩm sau khi thu gom được giao lại cho các điểm tái chế trên địa bàn. Sáng kiến này thu hút nhiều người dân hưởng ứng, tham gia bảo vệ môi trường.

Đoàn Thanh niên phường Phước Ninh đang lắp đặt mô hình tại cổng trường học.
Đoàn Thanh niên phường Phước Ninh đang lắp đặt mô hình tại cổng trường học.

Ý tưởng “Ngôi nhà của pin” xuất phát từ hoạt động phân loại rác thải tại nguồn do đoàn viên, thanh niên phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng thực hiện từ tháng 2 và được lắp đặt tại những khu dân cư đông đúc nhằm đáp ứng nhu cầu vứt bỏ pin cũ của người dân.

Mô hình “ngôi nhà” được thiết kế đơn giản gồm hộp đựng, mái che bằng chất liệu aluminium bền chắc, chịu được nắng mưa, chất kết dính là keo, ốc vít, có cổng vừa đủ cho một viên pin cỡ lớn nhất, hoặc một cục sạc dự phòng đi qua. Phần đáy được làm rời, kéo ngang để pin rơi xuống túi đựng, tránh chạm tay trực tiếp vào để bảo vệ sức khỏe cho người thu gom. Bên ngoài “ngôi nhà” được dán giấy decal trang trí với hình ảnh, mầu sắc bắt mắt, kèm thông điệp “Một cục pin thải ra ngoài môi trường, 500 lít nước bị ô nhiễm thủy ngân” để tuyên truyền, nhắc nhở người dân. 

Anh Nguyễn Công Anh, Phó Bí thư Đoàn phường Phước Ninh cho biết: “Pin sau khi sử dụng phần lớn nhiều người dân chưa biết bỏ vào đâu nên thường để chung với rác thải sinh hoạt, vì vậy Đoàn Thanh niên phường nghĩ ra mô hình “Ngôi nhà của pin” để mọi người tự biết nơi thu gom và bỏ vào. Khác với thùng đựng rác thải sinh hoạt, thiết kế của “ngôi nhà” đơn giản, nhỏ gọn nên rất dễ nhận diện”.

Sáng kiến thu gom pin sau sử dụng của Đoàn Thanh niên phường Phước Ninh đã nhận được nhiều sự hưởng ứng tích cực. Cô giáo Nguyễn Thị Bích Trâm, Trường tiểu học Tây Hồ, phường Phước Ninh cho rằng, đây không những là sáng kiến nhằm nâng cao ý thức về phân loại rác thải mà còn là hành động giáo dục, bảo vệ môi trường. “Pin phục vụ cho máy móc, công cụ hỗ trợ giảng dạy nếu hết chúng tôi có thể mang ra đây, không phải bỏ ở những thùng rác chung, rất tiện lợi và an toàn. Sẵn qua mô hình này, chúng tôi cũng giáo dục các em học sinh có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường”, cô Trâm cho biết.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, lượng thủy ngân có trong một viên pin có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1 m3 đất trong 50 năm. Anh Công Anh cho biết kể từ khi lắp đặt các “ngôi nhà’, số lượng pin thu gom tăng dần do ngày càng nhiều người biết đến mô hình. Chủng loại pin cũng đa dạng từ pin đồng hồ, pin điều kiển tivi, điều hòa cho đến pin điện thoại, sạc dự phòng và xác điện thoại hỏng... Sau khi thu gom, lượng pin, rác thải điện tử này sẽ được đưa đến các nơi thu gom tập trung để chuyển đến nơi chuyên xử lý.

Anh Nguyễn Thanh Khiết, phụ trách điểm thu gom pin tại quán The Books Coffee chia sẻ, thông qua mô hình, nhóm mong muốn mọi người hãy mang pin cũ đến “ngôi nhà” kể cả khi chỉ có một chiếc. Bởi mỗi hành động này sẽ góp phần bảo vệ môi trường, đại dương của chúng ta ngày càng tốt hơn. “Kể từ khi “Ngôi nhà của pin” ra đời, điểm thu góp của mình cũng tăng sản lượng pin thải lên rất nhiều”, anh Khiết cho biết.

Ước tính, một “Ngôi nhà của pin” có thể phục vụ khoảng 60 hộ dân. Ông Phạm Văn Báo, người dân phường Phước Ninh hào hứng: “Nên phát triển nhiều mô hình thu gom này vì mọi người dân trong khu phố đều sử dụng pin trong gia đình và tất thảy đều không muốn làm hại đến môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của con em sau này”. 

Được biết, trên địa bàn phường Phước Ninh hiện đã có gần chục “Ngôi nhà của pin”. Anh Công Anh cho biết, trong thời gian tới, Đoàn phường sẽ tiếp tục khảo sát, triển khai, lắp đặt thêm 15-20 “ngôi nhà” nữa và tuyên truyền mô hình này tới các phường lân cận. Thiết nghĩ, trong khi việc biến đổi khí hậu đang gây ra những hậu quả thiên tai khó lường, ảnh hưởng đến cuộc sống thì mô hình thu gom pin cũ của những đoàn viên trẻ phường Phước Ninh đang làm hằng ngày thật sự là những việc làm hữu ích, cần được nhân rộng tại các địa phương.