“Chàng cua-rơ” mê nhặt rác

Đều đặn từ 5 giờ 30 phút đến 9 giờ sáng mỗi ngày, anh Đoàn Vương Phú Lộc (28 tuổi, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) lại đạp xe qua bán đảo Sơn Trà nhặt rác. Mỗi chuyến trở về trên vai anh là một túi to chứa đầy chai nhựa, bịch nylon, vỏ lon, đồ phế phẩm được thu gom lại để mang bán làm từ thiện.

Anh Lộc với chiếc xe đạp trên cung đường quen thuộc.
Anh Lộc với chiếc xe đạp trên cung đường quen thuộc.

Thói quen xanh

Hình ảnh chàng trai vạm vỡ, nước da nâu cùng chiếc xe đạp rong ruổi ở bán đảo Sơn Trà, sau lưng chở một túi to đựng đầy chai nhựa, vỏ lon... đã quen thuộc với nhiều người dân TP Đà Nẵng. Với một chiếc túi cỡ lớn, cùng chai nước uống, bịch lương khô mang theo trong ba-lô, anh Lộc đạp xe khoảng 50 km mỗi sáng để thu nhặt rác. Đoạn đường từ đường biển Nguyễn Tất Thành (đoạn thuộc quận Liên Chiểu) đến tuyến đường Hoàng Sa (quận Sơn Trà) là nơi anh Lộc thường xuyên đi qua. Anh cho hay: “Đoạn đường bên Sơn Trà cảnh đẹp nên nhiều người hay đến để vãn cảnh. Họ thường mang theo thức ăn, nước uống nên sẽ tập trung nhiều vỏ chai nhựa, túi nylon... là loại rác rất khó phân hủy. Không những thế, sau những cơn mưa rác bị ẩn dưới lớp cỏ nên phải nhìn kỹ, bới lên mới thu gom được. Mỗi buổi sáng mình đạp xe thể dục, vừa dọn được ít rác cho môi trường, cảnh quan sạch sẽ vừa khỏe lại thấy vui”.

Dọc những con dốc men theo bờ biển ở bán đảo Sơn Trà, anh Lộc nắm rõ từng vị trí thường xuyên tập trung rác thải. Những khúc cua đẹp, gần bãi đá Obama, bãi Rạng hay khu vực gần chùa Linh Ứng thường tập trung nhiều chai nhựa, vỏ lon bia bởi đó là nơi nhiều người hay ghé chơi. Vừa đạp xe, hễ thấy rác là anh dừng lại nhặt bằng được. “Mỗi buổi đạp xe nhặt rác rồi về phân loại, gom bán để giúp thêm vài người có hoàn cảnh khó khăn là mình hết mệt ngay”.

Địa điểm mỗi ngày anh Lộc gửi rác là tại Trạm canh gác thuộc Ban quản lý bán đảo Sơn Trà. Ông Lưu Văn Trước (44 tuổi, bảo vệ tại trạm) chia sẻ: “Lộc rất siêng, ngày nào cũng đạp xe lên đây từ sớm nhặt rác rồi mang lại gửi nhờ ở chỗ chúng tôi. Số vỏ chai, bao bì... mang lên đây, tôi cho ra một hố phía sau giữ hộ rồi đợi đến cuối tháng là cậu ấy lên nhận về một lần để bán. Cậu ấy làm công việc này một mình mà không cần ai hỗ trợ. Nếu các bạn trẻ ai cũng có ý thức thu dọn rác như Lộc sẽ rất có ích cho môi trường”.

Gom phế liệu làm từ thiện

Được biết, tại bán đảo Sơn Trà còn có một nhóm mang tên “Biệt đội Sơn Trà”, thường tổ chức thu gom rác vào cuối tuần và anh Lộc cũng là thành viên tích cực của nhóm này.

Từ lượng rác thu gom, anh Lộc sẽ tập trung lại và bán theo tháng. Trung bình mỗi tháng, có khoảng năm bao tải lớn đồ nhựa, phế liệu và sau khi bán đi anh thu được khoảng 500 nghìn đồng. Số tiền này được dồn lại thành một khoản cho quỹ thiện nguyện của nhóm tình thương An Lạc (quận Liên Chiểu). Từ nguồn quỹ thu được, nhóm tình thương An Lạc cùng anh Lộc dùng vào việc tặng các phần quà cho các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. 

Vừa thu xếp việc kinh doanh riêng, chàng trai mê xe đạp và thích nhặt rác này còn dành những khoảng thời gian đồng hành cùng nhóm An Lạc đi tặng những phần quà như ổ bánh mì, hộp sữa trích từ nguồn quỹ của nhóm cho những hoàn cảnh người lao động trên phố, hay các trường hợp khó khăn ở các quận lân cận.

Anh Đỗ Văn Thịnh, chủ nhiệm nhóm tình thương An Lạc cho biết: “Chúng tôi đã kết hợp với anh Lộc hơn một năm qua. Anh Lộc rất nhiệt tình, lúc nào cũng đi thu gom rác bất kể ngày mưa hay nắng. Bảo vệ môi trường cần sự chung tay của cả cộng đồng và những cá nhân như anh Lộc sẽ góp phần tạo ra một không gian xanh, sạch, đẹp. Ngoài công sức đóng góp của anh Lộc, tôi còn vận động các nhà hảo tâm khác để cùng nhau làm thiện nguyện”. 

Để có được nguồn quỹ làm thiện nguyện, anh Lộc từng bị ngã xe vài lần do những hôm trời mưa đường trơn trượt nhưng thương tích không làm anh nản chí mà từ bỏ công việc. “Mình làm việc này cả gia đình đều biết. Ai cũng ủng hộ, động viên. Mình chỉ mong mỗi người chúng ta có thói quen bảo vệ môi trường chung quanh, có ý thức hơn trong việc bỏ rác đúng quy định để giữ cho thành phố này thêm xanh và đáng sống hơn”, anh Lộc giãi bày.