Bức di ảnh đặc biệt

Những bức ảnh thờ nhuốm mầu thời gian của các liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại một số gia đình ở xã Trung An (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) vừa được nhóm sinh viên Trường đại học quốc tế Hồng Bàng thay “áo mới”. Bằng kiến thức công nghệ và trái tim người trẻ được sống ở thời bình, các bạn đã dành tặng những gia đình chính sách món quà tinh thần ấm áp lòng biết ơn.

Đoàn viên Trường đại học quốc tế Hồng Bàng trao di ảnh cho gia đình chính sách.
Đoàn viên Trường đại học quốc tế Hồng Bàng trao di ảnh cho gia đình chính sách.

Phục hồi di ảnh người có công

Ngày nhận bức di ảnh mới từ tay các đoàn viên thanh niên Trường đại học quốc tế Hồng Bàng trao tặng, bà Thái Thị Bảy, con gái Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Dài òa khóc vì xúc động. Nhìn mãi tấm di ảnh của người mẹ đã khuất, bà Bảy thì thầm: “Má ơi, từ nay má đã có “nhà” mới rồi nghen!”. Câu nói đó của bà Bảy khiến nhiều người có mặt tại buổi bàn giao Công trình thanh niên “Phục hồi di ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng và Liệt sĩ năm 2021” của Đoàn Thanh niên Trường đại học quốc tế Hồng Bàng rơm rớm nước mắt. 

Di ảnh mẹ Dài là bức ảnh tốn nhiều công sức nhất của các tình nguyện viên trong công trình lần này. Trước đến nay, gia đình bà Bảy không tìm được bức ảnh gốc nào của mẹ Dài để đem về quận trung tâm phục hồi di ảnh. Khi hình ảnh chụp lại tấm căn cước cũ của mẹ Dài được chuyển về, Nguyễn Hoàng Phương Nguyên, thành viên nhóm phục hồi di ảnh thở dài. Hình quá mờ, kích thước nhỏ, rất khó để phục hồi nguyên trạng mà bảo đảm được sự sống động của bức hình. Nhưng sau nhiều ngày bàn bạc, chỉnh đi sửa lại, cuối cùng Nguyên và các bạn đã có trên tay bức di ảnh rất đẹp của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Dài. Cả nhóm đều vui vì biết rằng mình vừa làm được một công việc ý nghĩa. “Vậy là chúng em đã đưa mẹ về với gia đình trong bộ áo mới, dáng vẻ mới. Mẹ và các anh hy sinh rất nhiều cho đất nước nên được làm gì đó để đền đáp công ơn, tụi em tự hào lắm”, Nguyên chia sẻ. 

Ngước mắt nhìn lên bàn thờ thấy di ảnh của bà ngoại đặt cạnh ông ngoại, chị Trần Ngọc Thanh (con gái bà Thái Thị Bảy) xúc động. Chị Thanh nói, một di ảnh sẽ thờ ở nhà mẹ chị, một bức đem về thờ tại nhà cậu ruột để ai cũng được nhìn thấy mẹ Dài mỗi ngày. 

Một cách đáp nghĩa, đền ơn

Trong đợt đầu tiên vào tháng 3 vừa qua, Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Trường đại học quốc tế Hồng Bàng đã tiến hành phục hồi di ảnh, cải tạo khung bằng khen và thăm, tặng quà một số gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại xã Trung An. Không riêng bà Bảy mà 20 gia đình khác cũng rơi nước mắt khi đón nhận di ảnh mới của người thân, hay đọc những dòng tiểu sử trên tấm bảng thông tin do các bạn sinh viên thiết kế, thi công đặt trang trọng trước nhà. 

Khi nảy ra ý tưởng và quyết định phát động công trình, anh Đỗ Đức Anh, Bí thư Đoàn trường nhận thấy nhiều cánh tay đưa lên ủng hộ nhưng ai cũng bỡ ngỡ không biết nên bắt đầu từ đâu, vì đây là hoạt động vô cùng mới mẻ. Anh Đức Anh nhớ lại: “Khi đó tôi giải thích tại sao các bạn sinh viên nên làm việc này. Thông qua quá trình phục hồi những bức ảnh, các bạn sẽ cảm nhận được tình cảm gia đình, giá trị lịch sử và giá trị truyền cảm hứng từ những người không quên bản thân mình để đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Các bạn còn thấy được ý nghĩa việc mình học được ứng dụng trong công tác tình nguyện xã hội, cảm nhận được giá trị cống hiến cho cộng đồng. Vậy là các bạn hào hứng tham gia”.

Cái khó nhất của công trình nhân văn này chính là công tác dân vận, từ việc xây dựng được đội ngũ tình nguyện viên nhiệt tình, chịu khó đến sự đồng ý của các gia đình chính sách. Thế nhưng, cuối cùng các bạn đã làm được điều mình ấp ủ. Công trình này tiếp tục được trường triển khai trong chiến dịch “Mùa hè xanh” năm nay ở huyện Củ Chi, sau đó sẽ lan tỏa ra các địa phương khác nếu có điều kiện thực hiện.

Anh Đức Anh cho biết, sẽ có khoảng 30 di ảnh được phục hồi trong đợt tiếp theo. Bên cạnh việc phục hồi di ảnh từ tư liệu có sẵn của gia đình, anh Đức Anh còn mong muốn có thể tiến hành ký họa chân dung đối với những trường hợp đặc biệt. “Chúng tôi mong rằng công trình này sớm được lan tỏa để các bạn trẻ có cơ hội được đền ơn đáp nghĩa theo cách của riêng mình”, anh Đức Anh trải lòng.