Bối rối với giấy khen học sinh tiểu học

Một lớp có 40 học sinh nhưng có tới 38 học sinh được khen. Giấy khen không chỉ dừng lại ở việc khen các thành tích môn học, còn nhiều giấy khen khiến phụ huynh đọc xong phải bối rối…

Nhiều học sinh được nhận giấy khen trong một lớp gây băn khoăn về việc đánh giá chất lượng giáo dục.
Nhiều học sinh được nhận giấy khen trong một lớp gây băn khoăn về việc đánh giá chất lượng giáo dục.

Khi giấy khen không còn giá trị

Cầm tờ giấy khen con gái (học lớp 2) mang về khoe, chị Hoàng Mai Phương (thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc)... lặng người khi thấy con được khen có tiến bộ về... tự phục vụ. Chị gọi điện cho cô giáo thì được giải thích là: “Con nào tiến bộ ở điểm nào thì khen ở điểm đó, kể cả đạo đức, tác phong chứ không chỉ là học lực”.

Hỏi ra chị Phương mới biết, lớp con chị 40 cháu thì có đến 38 cháu nhận được giấy khen, kể cả những cháu chỉ học lực trung bình nhưng vẫn được khen là “có tinh thần học tập, có ý thức tự quản”, thậm chí là... “có tinh thần tương thân tương ái, có tiến bộ trong giao tiếp”. Chị Phương cho biết: “Ngày trước, thường mỗi lớp chỉ có từ 1 - 5 học sinh được giấy khen, phần thưởng cuối năm học. Quý lắm! Giờ con mình học chỉ ở mức trung bình nhưng vẫn được khen, chỉ sợ con vì thế mà không có ý chí phấn đấu học tập tiến bộ hơn”.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thu Hà (Hà Nội) lại băn khoăn về giấy khen “Hoàn thành tốt các nội dung môn học” của con mình. Chị Hà cho biết: “Giấy khen như vậy thì không biết con mình có mức học trung bình, khá hay giỏi? Vậy là không biết sức học của con ở mức nào để bồi dưỡng thêm cho cháu. Khen như vậy, đúng là chỉ có tính chất động viên các cháu là chính”.

“Lạm phát” giấy khen cũng gây khá nhiều khó khăn cho các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt là tổ chức khuyến học trong việc xét khen thưởng cho học sinh. Anh Trần Công Minh, Chủ tịch Công đoàn tại Công ty CP xây lắp và thương mại D&S Việt Nam cho biết: “Mỗi năm, cứ vào đầu tháng 6, công đoàn công ty lại tổ chức thu giấy khen của con em các cán bộ trong cơ quan để có quà thưởng động viên các cháu. Tuy nhiên, hai năm nay giấy khen nhiều quá, công đoàn cũng không biết dựa vào tiêu chí nào để thưởng”. Theo anh Minh, những năm trước, học sinh giỏi sẽ có phần thưởng trị giá 500.000 đồng, học sinh tiên tiến 300.000 đồng, giải thưởng cấp quận, thành phố thì thưởng nhiều hơn. Nhưng hai năm nay, nhiều cháu được thưởng quá nên mức thưởng phải san đều là 200.000 đồng/cháu.

Tương tự, ông Đặng Nguyễn Vĩnh, trưởng dòng họ Đặng Nguyễn (Tiền Hải, Thái Bình) cũng cho biết, quỹ khuyến học dành cho con cháu trong dòng họ cũng phải cân đối lại theo số lượng giấy khen mà các cháu mang về từng năm: “Các năm trước chỉ có khoảng 15 - 20 cháu được nhận thưởng, năm nay cứ có giấy khen là có thưởng, số lượng tăng lên gấp đôi. Mọi người phải ngồi lại quy đổi các nội dung khen ra: giỏi, tiên tiến... để có mức khen phù hợp”.

Trội điểm nào khen điểm đó!

Việc học sinh có được giấy khen dễ dàng như vậy nhưng lại không hề trái luật, ngược lại rất đúng... quy trình!

Bà Phạm Thị Yến, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Hiện, ở tiểu học không còn đánh giá như trước kia là học sinh giỏi hay tiên tiến nữa mà học sinh hoàn thành xuất sắc hay vượt trội mặt nào, môn nào thì nhà trường sẽ khen mặt đó. Việc khen thưởng cũng được công khai và có sự tham gia của học sinh cả lớp”.

Ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng giải thích thêm việc khen thưởng cuối năm đối với học sinh được quy định ghi là: Học sinh hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ học tập và rèn luyện kèm theo năng lực phẩm chất được xếp loại Tốt. Các bài kiểm tra định kỳ đạt điểm 9 và 10. Còn những học sinh nào chưa đạt được mức trên nhưng trong quá trình phấn đấu có một, hai môn hoặc một số môn có sự cố gắng vượt bậc, thành tích vượt trội thì được khen thưởng nổi trội ở từng môn học, từng mặt trong tu dưỡng rèn luyện. Ông Hữu cũng cho biết, phụ huynh muốn nắm được kết quả học tập của con trong năm học thì có thể xem ở bảng tổng hợp điểm và nhận xét của cô giáo gửi về.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lợi (quận Hà Đông, Hà Nội), cô Phạm Thị Tâm cũng cho biết, phụ huynh vẫn còn quen với tư tưởng con phải đạt học lực giỏi, tiên tiến như trước mà chưa hiểu về cách đánh giá mới: “Tư tưởng này sẽ vô tình khiến trẻ bị áp lực. Với những em có tố chất thông minh, giỏi thật sự không sao nhưng ngược lại đối với những em không có những tố chất này sẽ tự ti, sợ đi học”.

Cô giáo Nguyễn Thu Trang, giáo viên tiểu học tại Phủ Cừ (Hưng Yên) cũng cho rằng, việc bỏ chấm điểm và khen thưởng học sinh theo từng mặt có mục đích giảm áp lực điểm số, thành tích cho các em. “Việc thay đổi cách đánh giá ở học sinh tiểu học không chỉ thể hiện trên mỗi tấm giấy khen mà còn cả trong quá trình học tập, qua nhận xét thường xuyên của giáo viên. Học lực của học sinh chỉ là một phần trong sự trưởng thành của các con. Chính vì vậy, phụ huynh không nên quá coi trọng cái giấy khen. Học sinh được khen, dù ở mặt nào cũng là nguồn động viên các em rất lớn”, cô Trang nói.

Điều 16 Thông tư 22 - Khen thưởng cho học sinh quy định: Hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh: Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện trên cơ sở: kết quả đánh giá các môn học đạt Hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên; học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận.