“Xẻ thịt” đất công ở Đồng Nai

Kỳ 4: “Xí phần” hàng nghìn ha đất công rồi bỏ hoang

Hàng chục năm nay người dân tại dự án Khu dịch vụ, thương mại Logistics tại xã Lộ 25 phải chịu cảnh lầy lội mỗi khi có mưa.
Hàng chục năm nay người dân tại dự án Khu dịch vụ, thương mại Logistics tại xã Lộ 25 phải chịu cảnh lầy lội mỗi khi có mưa.

Hàng loạt dự án bất động sản liên quan đến đất công, đất thuộc diện tài sản Nhà nước quản lý tại Đồng Nai đang có dấu hiệu sai phạm cần phải xem xét, xử lý. Nhưng cũng tại Đồng Nai, việc lãng phí đất công vẫn đang là dấu hỏi lớn trong công tác quản lý đất đai của các cấp chính quyền. Trong đó, điển hình là Khu liên hợp công nông nghiệp Dofico (dự án Dofico) đã được Chính phủ chấp thuận về chủ trương đầu tư từ năm 2007 với hàng nghìn ha đất công được giao cho Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico), doanh nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Đồng Nai, thực hiện.

Xin dự án đặc thù, rồi để hoang

Xã Lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai vào giữa trưa tháng 6, cơn mưa đầu mùa như trút nước những vẫn không thể xóa đi sự trĩu nặng của hàng trăm hộ dân thuộc diện giải tỏa dự án Khu dịch vụ, thương mại Logicstics. Ông Phạm Văn Bình băn khoăn: “Không biết khi nào mới bị thu hồi đất, giá cả đền bù thế nào. Chỉ mong cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ để bà con chúng tôi biết mà ổn định cuộc sống”. Liên tục trong bốn ngày từ 16 đến 19/7/2018, gia đình ông Bình đã nhận được bốn thông báo của UBND huyện Thống Nhất về việc thu hồi đất để thực hiện Khu dịch vụ, thương mại Logistics với tổng diện tích 13.886 m2. Toàn bộ là đất gia đình ông khai hoang từ khi di cư ngoài bắc vào, đến nay đã gần 40 năm mà cuộc sống gia đình vẫn chưa thể ổn định. Ông Bình cho biết: “Đến nay, ít nhất có đến ba lần chúng tôi nhận quyết định thu hồi đất nhưng rồi lại được trả đất, không biết lần này thì sao nữa”.

Dự án Khu dịch vụ, thương mại Logicstics tại xã Lộ 25 nằm bao trùm lên xã Lộ 25 và xã An Viễn thuộc huyện Thống Nhất. Theo thống kê của UBND xã, xã Lộ 25 có đến 804 thửa đất, với 464 hộ dân, với diện tích 265,7/273 diện tích bị tác động bởi dự án này. Từ năm 1984, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định thu hồi đất của dự án giao cho Tổng công ty Cao-su Đồng Nai quản lý khai thác. Thế nhưng, ngày 13/4/2000, UBND tỉnh Đồng Nai có Quyết định 921/QĐ-UBND thu hồi lại dự án và giao cho chính quyền địa phương quản lý. Đến năm 2007, thuận theo chủ trương của Chính phủ diện tích đất này tiếp tục được giao cho Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) làm dự án Khu liên hợp nông công nghiệp Dofico và rồi đến năm 2018, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục có quyết định giao cho Công ty CP Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa để triển khai dự án Khu dịch vụ, thương mại Logicstics tại xã Lộ 25. Cuộc sống của hàng trăm hộ dân vẫn đang treo lơ lửng, chạy theo quyết định của chính quyền. Ông Vũ Huy Tấn, Chủ tịch UBND xã Lộ 25 cho biết: “Do đặc thù ngay từ ban đầu, khu vực này rất ít hộ dân sinh sống. Nhưng khu vực này vướng mắc nhất là phải xác định được rõ, phân loại được đất, hoa màu và tài sản trên đất để lập phương án đền bù cho dân”. Hiện, còn khoảng 300 trường hợp dân đang trồng hoa màu/185,9 ha thuộc diện hỗ trợ; khoảng 7,1 ha đất thuộc diện bồi thường toàn bộ diện tích bị thu hồi; 33 hộ gia đình có nhà trước ngày 15/10/1993 địa phương phải giải quyết đền bù và giao đất tại định cư cho dân. 

Thực tế, ngày 5/10/2020, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có Văn bản số 11811/UBND-KTN gửi Thủ tướng Chính phủ về việc báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch Khu liên hợp công nông nghiệp Dofico (dự án Dofico). Theo báo cáo, dự án Dofico là một khu đầu tư hỗn hợp (trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sản phẩm nông nghiệp, công trình dịch vụ phục vụ) ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp và liên kết chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao với công nghiệp chế biến và tiêu thụ, cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn. Tổng diện tích dự án khoảng 2.186,6 ha, ở hai huyện là Xuân Lộc và Thống Nhất, trong đó có khoảng 1,493 ha đất công, chiếm 68,27%. 

Dự án được chia làm 5 phân khu, trong đó huyện Xuân Lộc có 4 phân khu với hơn 1.911 ha và phân khu dịch vụ, thương mại, Logistics tại xã Lộ 25, huyện Thống Nhất, diện tích khoảng 275 ha. 

Để thực hiện đầu tư dự án, Dofico đã được hưởng hàng loạt các ưu đãi đặc thù. Trong đó, ngoài các quy định về cơ chế chính sách hiện hành đối với các khu công nghiệp, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ và quy định pháp luật về đất đai, tài chính, Chính phủ đã chấp thuận ưu tiên đối với các dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội, khó khăn, các dự án này đồng thời được hưởng ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP. Đồng thời, ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào dự án Dofico (gồm các dự án đầu tư hạ tầng, được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu và tiền thuê đất tương ứng với lĩnh vực đầu tư. 

Tuy có được hàng loạt những ưu đãi mang tính chuyên biệt nhưng việc thực hiện đầu tư dự án, kêu gọi đầu tư vào dự án Dofico rất ít và hầu hết diện tích đất vẫn còn để hoang. Đến nay, dự án mới cho thuê được khoảng 28 ha; Khu dịch vụ, thương mại Logicstics tại xã Lộ 25 để không và chuyển giao cho đơn vị khác. UBND tỉnh Đồng Nai cũng thừa nhận đến nay đã qua hơn 13 năm dự án vẫn còn ở giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng, làm lãng phí đất đai, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân. Trong đó, có hai phân khu đã được UBND tỉnh chấp thuận chấm dứt hoạt động dự án, hiện nay chưa thực hiện lựa chọn nhà đầu tư mới để triển khai dự án theo quy định. Ngoài ra, dự án chưa mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội của địa phương, kế hoạch triển khai các bước tiếp theo chưa được cụ thể hóa. 

“Xé lẻ” dự án, giao thẳng cho doanh nghiệp “con cưng” (?)

Từ những vấn đề của dự án Dofico, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã trình Thủ tướng Chính phủ xin chỉ đạo không tiếp tục thực hiện quy hoạch Khu liên hợp công nông nghiệp Dofico. Trong đó, phân khu 3A (khu chăn nuôi trồng trọt tập trung) Dofico đã hoàn thành các thủ tục về quy hoạch, đất đai, môi trường và xây dựng hạ tầng phục vụ dự án, cho một số nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất để khai thác dự án theo đúng mục tiêu của dự án, đề nghị tiếp tục đầu tư kinh doanh và chuyển đổi hoạt động theo loại hình Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phân khu 3D (Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao) Dofico thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích phân khu và bàn giao lại cho tỉnh tổ chức lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án theo quy định. Phân khu trồng trọt - chăn nuôi (3B) và phân khu trồng trọt và chế biến (3C), Dofico bàn giao lại diện tích đất đang sử dụng cho tỉnh để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo định hướng quy hoạch. Phân khu thương mại Logistics huyện Thống Nhất chuyển đổi quy hoạch và chuyển sang chức năng khu công nghiệp. 

Tuy vậy, trên thực tế ngay từ năm 2018, tỉnh Đồng Nai đã cho thu hồi Phân khu dịch vụ, thương mại, Logistic và dự án đầu tư xây dựng khu dân cư phục vụ tái định cư tại xã Lộ 25, huyện Thống Nhất giao thẳng cho Công ty CP Phát triển khu công nghiệp Tín Nghĩa với diện tích khoảng 275 ha, không thông qua đấu giá. Đây là công ty con của Tổng công ty Tín Nghĩa, doanh nghiệp “con cưng” của Tỉnh ủy Đồng Nai. Theo xác nhận của ông Mai Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, đây toàn bộ là đất công, có nguồn gốc từ đất cao-su và những năm 1983, 1984, Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam trả lại và giao cho địa phương quản lý. Đến khi thực hiện dự án Dofico, Nhà nước tiếp tục thu hồi để thực hiện dự án đầu tư mới. 

Liên quan diện tích đất tại xã Lộ 25, ngày 13/4/2000 UBND tỉnh Đồng Nai có Quyết định số 921/QĐ.CT.UBT về thu hồi đất do Nông trường Cao-su An Viễng thuộc Công ty Cao-su Đồng Nai sử dụng giao cho UBND huyện Thống Nhất quản lý. Tổng diện tích là 297 ha, trong đó tại xã Lộ 25 là 273 ha và 24 ha thuộc về xã An Viễng. Lý do thu hồi: Công ty Cao-su Đồng Nai không có nhu cầu sử dụng đất.

Lý giải về nguyên nhân chậm trễ trong thực hiện dự án, đại diện Dofico cho rằng: Nguyên nhân khách quan là do chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư của các khu nông nghiệp tập trung của Nhà nước chưa thật sự hấp dẫn. Đối với nhà đầu tư kết cấu hạ tầng khu nông nghiệp, chi phí giải phóng mặt bằng để hình thành khu sản xuất nông nghiệp tập trung khá cao so với đầu tư trực tiếp thuê đất của nông dân. Quy định về hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng mới được triển khai đối với dự án nông nghiệp khiến tiến độ bị chậm, dù tổng diện tích đất Dofico bồi thường và thu hồi tại các phân khu có nguồn gốc đất công, tuy nhiên hiện trạng đất không liền thửa không đầu tư hạ tầng để mời gọi nhà đầu tư thứ cấp. 

(Còn nữa)