“Xẻ thịt” đất công ở Đồng Nai

Kỳ 2: Tài sản nhà nước “trôi” về đâu?

Dự án Sơn Tiên sau gần 19 năm vẫn đang chờ để giải phóng mặt bằng.
Dự án Sơn Tiên sau gần 19 năm vẫn đang chờ để giải phóng mặt bằng.

Kể từ khi có chủ trương đầu tư xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành, Đồng Nai đã trở thành điểm “nóng” về thị trường bất động sản... Cũng từ đó, đã xuất hiện hàng loạt những dự án bất động sản có nguồn gốc từ đất công, tài sản nhà nước được các doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư dưới chiêu thức liên doanh. Tuy nhiên, sau những cuộc “bắt tay” với các đối tác liên doanh thì tài sản nhà nước “trôi” về đâu?

“Biến tướng” đất công

Là doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng, Tổng công ty CP Đầu tư phát triển (DIC) được ưu ái giao đến hơn 456,1 ha đất tại Cù lao Ông Cồn, tại xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai để thực hiện đầu tư dự án Khu đô thị mới du lịch sinh thái Đại Phước. Trên thực tế, tiền đền bù giải phóng mặt bằng được tỉnh Đồng Nai phê duyệt là hơn 208 tỷ đồng và tổng số tiền nghĩa vụ tài chính của dự án nộp ngân sách nhà nước là hơn 73,7 tỷ đồng. Nhưng DIC mới chỉ cần mang đi liên doanh chưa đến một nửa diện tích đất để thực hiện dự án SwanBay, đã được định giá hơn 1.421,7 tỷ đồng (theo Báo cáo số 2285/TTCP-GSTĐXLSTT ngày 29/12/2020 của Thanh tra Chính phủ gửi Thủ tướng Chính phủ).  

Trên thực tế, ngay sau khi được phê duyệt, giao đất, DIC đã “xé lẻ” thành nhiều dự án và lập thành sáu công ty liên doanh, với hình thức chủ yếu góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, theo Báo cáo số 2927/UBND-KTN ngày 23/3/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, hầu hết các dự án do DIC liên doanh đều trong tình trạng chậm tiến độ đầu tư. Ngay như dự án SwanBay đến thời điểm cuối năm 2020 vẫn còn khoảng 136 ha/tổng diện tích khoảng 200 ha chưa được đầu tư xây dựng. Duy nhất có Công ty TNHH Jeosang Vina, thực hiện đúng tiến độ dự án sân golf và đưa vào sử dụng năm 2010. 

Luật sư Phạm Hữu Giáo, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh phân tích: Rõ ràng đây là những dự án đã có dấu hiệu vi phạm luật đất đai khi quá chậm triển khai, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp như thu hồi dự án, rút giấy phép đầu tư... thế nhưng cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã không thực hiện”. Tuy vậy, theo luật sư Giáo, một trong những vấn đề đáng quan tâm tại Đồng Nai là nhà đầu tư lợi dụng chính sách thu hút đầu tư vào du lịch nhưng thực chất “thâu tóm” đất và sau đó “biến tướng” thành dự án khu đô thị. Điển hình như dự án Khu du lịch Sơn Tiên (dự án Sơn Tiên) do Công ty CP Sơn Tiên làm chủ đầu tư. 

Nằm trên mặt tiền quốc lộ 51 từ hướng TP Biên Hòa đi Bà Rịa - Vũng Tàu, dự án Sơn Tiên được coi là có vị trí chiến lược, thuận tiện giao thông nhất của tỉnh Đồng Nai. Thế nhưng, gần 20 năm nay mỗi khi đi qua đây không ít người dân ngán ngẩm trước sự hoang phí của hàng trăm ha đất đã thu hồi của người dân. Ông Phạm Chí Thanh, người có hơn 3.000 m2 đất (được đền bù 120 triệu đồng)  bị thu hồi giao cho dự án Sơn Tiên cho rằng: “Đây là một dự án kỳ lạ, người dân chúng tôi cho rằng đây không phải là dự án mà là sự phá hoại khi doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách đầu tư, thực chất là chiếm dụng đất làm du lịch nhưng rồi biến tướng thành đất đô thị”. 

Thực tế, dự án Sơn Tiên được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương và giới thiệu địa điểm cho Công ty CP Sơn Tiên để lập dự án đầu tư tại Quyết định số 3185/QĐ-CT.UBT ngày 30/8/2002 với quy mô 250 ha tại xã An Hòa, TP Biên Hòa, sau đó năm 2003, UBND tỉnh Đồng Nai điều chỉnh tăng diện tích dự án lên 373,6 ha. Trước đó, ngày 11/10/2002, Tỉnh ủy Đồng Nai đã có văn bản gửi cho ông Đinh Văn Vui, Tổng Giám đốc Công ty CP Sơn Tiên với nội dung: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp và thống nhất giao UBND tỉnh nghiên cứu áp dụng khu giá đất thấp nhất cho doanh nghiệp, miễn thuế đất trong 10 năm, tháo gỡ những khó khăn cho công ty, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Công ty CP Sơn Tiên sớm triển khai dự án. Theo đó, ngày 18/11/2002, UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận áp dụng ưu đãi cho Công ty CP Sơn Tiên thực hiện dự án đầu tư khu du lịch sinh thái nêu trên. 

Đến ngày 15/11/2004, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có Quyết định số 5530/QĐ.CT.UBT về việc thu hồi và giao đất cho Công ty CP Sơn Tiên tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng, lập thủ tục đầu tư xây dựng khu tái định cư và dự án Sơn Tiên, với diện tích 3.736.312 m2 đất. Trước đó, ngày 15/7/2004, UBND tỉnh Đồng Nai đã có Quyết định số 3165/QĐ.CT.UBT phê chuẩn phương án bồi thường do thu hồi đất thực hiện dự án Sơn Tiên, giá đền bù cho dân. Trong đó, việc đền bù cho người dân được chia làm năm đợt và mức đền bù thấp nhất (đợt I) là 20 nghìn đồng/m2 đất và cao nhất vào năm 2010 (đợt 5) là 40 nghìn đồng/m2. 

Đã có hàng loạt văn bản, chính sách mang tính cá biệt để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án Sơn Tiên, nhưng ngày 12/6/2013 UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 1776/QĐ-UBND điều chỉnh dự án Sơn Tiên với tổng diện tích là 375,126 ha và tách thành hai phân khu, theo đó phân khu phát triển du lịch, vui chơi giải trí là 203 ha; phát triển đô thị và chức năng khác là 172,126 ha. Sau đó, điều chỉnh cục bộ khu du lịch có diện tích 185,382 ha và khu đô thị, chức năng khác là 189,743 ha. Trong đó, ngày 13/2/2017, UBND tỉnh Đồng Nai có Quyết định số 424/QĐ-UBND phê duyệt chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu đô thị Sơn Tiên. 

Ai là người hưởng lợi?

Theo xác nhận của ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa (trao đổi ý kiến với phóng viên qua điện thoại ngày 26/6/2021) cho biết: “Đến nay, dự án Sơn Tiên vẫn chưa được đưa vào kinh doanh và hiện vẫn còn vướng vào công tác giải phóng mặt bằng”. Vậy đâu là lý do để một dự án có diện tích hơn 375,1 ha để không gần 19 năm mà không bị chính quyền xử lý, thu hồi?! Việc chậm thực hiện giải phóng mặt bằng, đưa vào kinh doanh, hoạt động tránh đi sự lãng phí đất tại dự án Sơn Tiên đã được Thanh tra Chính phủ kết luận tại Kết luận số 1744/KL-TTCP ngày 30/6/2011 và Báo cáo kết luận kiểm tra sau thanh tra số 2010/BC-TTCP ngày 9/8/2017. 

Việc chuyển đổi hơn 189,7 ha đất tại dự án Sơn Tiên từ du lịch sang nhà ở có dấu hiệu sai phạm (tất cả đều là dự án về du lịch chứ không có đất ở nhưng đã tự chuyển sang đất ở. Dấu hiệu biến tướng từ dự án du lịch sang đất ở). Theo tìm hiểu của phóng viên, để được cấp phép đầu tư Công ty CP Sơn Tiên được cổ phần hóa từ một doanh nghiệp thuộc Thành ủy TP Hồ Chí Minh và đến khi tách phân khu dự án Khu đô thị Sơn Tiên đã chuyển giao cho Công ty CP Thành phố du lịch sinh thái Sơn Tiên, do ông Đinh Văn Vui là người đại diện pháp luật, thực hiện đầu tư. Theo công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp ngày 10/11/2016, công ty này có vốn điều lệ 550 tỷ đồng và 100% vốn tư nhân. 

Trong khi đó, tại dự án Khu đô thị mới du lịch sinh thái Đại Phước, theo ông Hoàng Văn Tăng, Tổng Giám đốc DIC (PV phỏng vấn qua điện thoại ngày 13/6/2021) cho biết: “Sau khi thành lập liên doanh Công ty CP Vina Đại Phước và các doanh nghiệp khác, DIC vẫn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, hoàn thiện dự án”. Trong đó, tháng 8/2009, DIC đã khánh thành cầu Đại Phước nối từ trung tâm huyện Nhơn Trạch với Cù lao Ông Cồn, mức đầu tư 228 tỷ đồng và đã nâng tổng mức đầu tư cho toàn bộ hạ tầng dự án lên khoảng 1.000 tỷ đồng.

Thực tế, ngày 27/4/2017, ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIC đã có Quyết định số 78/NQ-HĐQT DIC Corp thông báo chào bán 20% cổ phần thuộc sở hữu của DIC tại Công ty CP Vina Đại Phước với giá 390 tỷ đồng. Sau đó, DIC đã thoái toàn bộ vốn tại Công ty CP Vina Đại Phước và đến ngày 22/11/2017 DIC đã có thông báo thoái toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 

Nhìn nhận về tiềm năng phát triển của khu Cù lao Ông Cồn, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Với những lợi thế có được giá đất ở đây mới là khởi điểm, bởi khi đường vành đai 3 được chính thức khởi công xây dựng kết nối giữa TP Hồ Chí Minh - cao tốc Dầu Giây - Long Thành với Sân bay quốc tế Long Thành thì điểm kết nối tuyến đường này với Cù lao Ông Cồn chính là cầu Nhơn Trạch (kết nối từ quận 9 cũ với đường vành đai 3) và đây là đoạn được ưu tiên làm trước và trong vòng 5 năm tới giá đất ở đây vẫn tiếp tục tăng”. Trong khi đó, theo khảo sát của phóng viên, vào thời điểm năm 2017, một căn biệt thự ven sông tại dự án SwanBay với diện tích 520 m2 (đã có nhà thô, diện tích sàn 300 m2) được giao dịch 14,5 tỷ đồng. Đến đầu năm 2020, cũng với căn hộ này được giao dịch khoảng 19,5 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, dự án SwanBay đang bán những sản phẩm mới với giá dự kiến lên đến 60 triệu đồng/m2. 

Như vậy, có thể thấy được sau khi liên doanh DIC đã dần rút vốn tại Công ty CP Vina Đại Phước và đến thời điểm này những giá trị lợi nhuận mang lại nhờ vào lợi thế về vị trí, thiên nhiên ban tặng tại dự án SwanBay đã thuộc hoàn toàn về nhà đầu tư nước ngoài.

(Còn nữa)