Vừa làm từ thiện vừa lo

7 giờ sáng mỗi ngày, chị Jang Kều (Phạm Thị Hương Giang) đều đặn chia sẻ một bài viết trên Quỹ Sống. Công việc tiến hành đều đặn từ khi Giang nắm quyền điều hành quỹ từ thiện này vào năm 2019. Nội dung bài viết sẽ là thông tin cập nhật số tiền quỹ nhận được từ các nhà hảo tâm. Thời gian bài viết đăng tải chỉ được phép xê dịch tầm 10 phút, không có bất cứ lý do gì trì hoãn.

Theo nhiều chuyên gia, cần có hành lang pháp lý rõ ràng để các cá nhân làm từ thiện một cách chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.
Theo nhiều chuyên gia, cần có hành lang pháp lý rõ ràng để các cá nhân làm từ thiện một cách chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Trách nhiệm khi nhận một niềm tin

Có 5 năm kinh nghiệm làm từ thiện theo tư cách cá nhân trước khi sáng lập và điều hành Quỹ Sống từ năm 2019 đến nay, Jang Kều (Phạm Thị Hương Giang) cho rằng, dù là cá nhân hay tổ chức nếu muốn làm từ thiện chuyên nghiệp, tạo được niềm tin cho các bên thì phải bảo đảm hai yếu tố: tính minh bạch và cam kết. Mọi thứ phải có kế hoạch rõ ràng từ đầu và người đóng góp lẫn bên nhận đều có quyền được biết số tiền quyên góp được đang ở đâu, có bao nhiêu, sẽ làm gì và triển khai ra sao. Tất cả đều phải cập nhật công khai trên nhiều kênh, các khâu đều phải kịp thời. Việc cập nhật bản tin mỗi 7 giờ sáng đã thành thông lệ của Quỹ, do chính Jang Kều và các cộng sự thay nhau làm: “Ngày nào cũng vậy, chúng tôi luôn cập nhật đầy đủ thông tin trên kênh truyền thông. Dù hôm đó chỉ nhận được mấy triệu đồng cũng làm. Sau khoảng 5 - 10 ngày thì tiếp tục làm tổng kết. Việc lên kế hoạch thực hiện các chuyến thiện nguyện đều rõ ràng với những hình ảnh, con số, hóa đơn, chứng từ đầy đủ. Chúng tôi luôn bảo đảm tính minh bạch trong suốt quá trình thực hiện. Khi chuẩn bị kết thúc chương trình, chúng tôi đều thông báo ngày giờ cụ thể và đến thời điểm số tiền đầu ra - đầu vào bằng 0 thì lại phải làm một thông báo rõ ràng để mọi người nắm”. 

Sự cẩn thận dù chỉ vài triệu đồng chưa bao giờ là thừa. Ở một mô hình nhỏ hơn, như nhóm từ thiện nấu cơm của chị Lê Thị Huyền (quận 7, TP Hồ Chí Minh) sau khi nhận được sự quan tâm ủng hộ của nhiều nhà hảo tâm, cũng gặp vấn đề với việc quản lý nguồn tiền mà người trong cuộc không lường được hết. Trước đây, mỗi tháng nấu khoảng tám đợt cơm từ thiện, đi thăm hai mái ấm, thì giờ đây phần việc mà gia đình chị Huyền phải thực hiện tăng gấp nhiều lần. “Mình quen với đi chợ, ghi chép thủ công nên khó chứng minh rõ ràng các khoản thu chi, điều này khiến một số nhà hảo tâm phật ý. Họ nghi ngờ mình ăn chặn. Lúc đó mình khá sốc, không nghĩ rằng bản thân bỏ công sức và cả tiền bạc ra làm việc tốt cuối cùng lại bị mang tiếng. Thật sự muốn bỏ cuộc luôn”.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, để tránh tình trạng bị nghi ngờ, bất cứ cá nhân nào cũng phải nắm quy tắc công khai, minh bạch khi tham gia công tác từ thiện, số tiền càng lớn thì mọi thứ phải càng chi tiết. Tính chất công khai phải được thực hiện suốt cả quá trình từ kêu gọi, tiếp nhận đến phân phối các khoản quyên góp. 

Là một người trong cuộc, chị Jang Kều cũng thừa nhận, yếu tố cam kết là điều không dễ thực hiện đối với chương trình từ thiện vì chẳng phải cứ có tiền là triển khai được các hoạt động: “Có đợt rất nhiều đơn vị ủng hộ tiền cho một chương trình phát triển cộng đồng của chúng tôi nhưng quỹ vẫn phải từ chối nhận vì không đủ nhân lực và thời gian để triển khai”. Gia đình nhà chị Huyền cũng đã phải ngồi lại kiểm điểm cách làm và nhận ra chính sự chủ quan trong đưa thông tin sẽ dẫn tới lời ong tiếng ve. Chị Huyền tìm được một bạn sinh viên chuyên ngành kế toán hỗ trợ công tác thu chi, các giao dịch lớn nhỏ đều có hóa đơn, phiếu thu và công khai trên facebook, zalo - hai kênh mà chị Huyền kêu gọi đóng góp. Nhiều tình nguyện viên cũng được kêu gọi để thực hiện việc nấu cơm, phân phát cơm, quà từ thiện. 

Hầu hết các lùm xùm liên quan đến từ thiện đều đến từ sự thiếu minh bạch trong thông tin. Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh: “Bản chất số tiền đó không phải của người tiếp nhận mà cá nhân, tổ chức đó chỉ làm thay công việc mà mọi người gửi gắm. Ở đây không đơn thuần là việc gửi tiền, gửi tài sản mà gửi cả niềm tin”. Bởi vậy nhận một niềm tin, thì trách nhiệm càng trở nên nặng nề. Việc NSƯT Hoài Linh vướng vào những rắc rối từ thiện thời gian qua cũng cho thấy để từ thiện và giải ngân những đồng tiền từ thiện cho hợp lý không phải điều dễ dàng. Ngay cả khi Hoài Linh đã công bố giải ngân xong, thì những bỏ ngỏ về tính minh bạch vẫn còn đó. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh Trần Trường Sơn nhận định: “Hiện, không ít người vẫn làm từ thiện dựa vào uy tín bản thân mà thiếu kiến thức về công tác này, chưa có sự quản lý chặt chẽ, gắn bó giữa các bên người giúp - người được giúp - địa phương nên dễ dẫn đến những chuyện không hay”.  

Vừa làm từ thiện vừa lo -0
 

Tiền không phải dễ làm từ thiện

Trong đợt Quỹ Sống kêu gọi ủng hộ cho cây ATM gạo, Jang Kều và cộng sự cũng nhiều lần phải thay đổi các phương án. Chiến dịch Be trong Vietnam từ một tuần như dự kiến ban đầu phải gia hạn thêm vì những lý do khách quan, trong đó có cả việc các địa phương vẫn cần thêm sự hỗ trợ. “Không phải cứ nhận hết vào rồi để đó là được. Mình phải có trách nhiệm với số tiền đó, dùng nó vào việc thật hiệu quả và có các thông báo rõ ràng. Áp lực là rất lớn, đòi hỏi sự kỹ lưỡng của đơn vị tổ chức quyên góp và thực hiện công tác phân phối tiền từ thiện”, Jang Kều thừa nhận.

Gia đình chị Huyền cũng đang dự tính về một doanh nghiệp xã hội để chuyên nghiệp hóa các hoạt động từ thiện, tạo lòng tin vững chắc nơi nhà hảo tâm, nhằm đi đường dài. Bởi với một cá nhân tự phát như gia đình chị, dù có tâm đến đâu, cũng khó đi đường dài khi những suất cơm từ thiện ngày một nhiều lên, vượt quá khả năng của một hộ gia đình. Ngay cả thời điểm hiện tại, dù đã chuyên nghiệp hơn, các chương trình từ thiện phát động đã được rải đều ở nhiều quận, huyện, tạo được lòng tin nơi các nhà hảo tâm, gia đình chị Huyền cũng chưa phải đã hết lo lắng. 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, khi hành lang pháp lý không đủ, nhiều cá nhân thiếu kinh nghiệm đứng ra quyên góp từ thiện đã dẫn đến những câu chuyện đáng tiếc, ảnh hưởng đến uy tín của bản thân họ, kéo giảm niềm tin trong cộng đồng và tác động không hay đến công tác từ thiện. Ông Hậu nhấn mạnh, cần mở rộng, bổ sung Nghị định 64 để các cá nhân có cơ sở pháp lý rõ ràng trong quá trình tham gia từ thiện, có sân chơi công bằng nếu thật lòng muốn cống hiến cho cộng đồng: “Tiền từ thiện không phải quà bánh, thích phát cho ai thì phát. Phát phải có danh sách. Công khai, minh bạch, rõ ràng, chi tiết thì mới từ thiện. Cần có cơ chế giám sát từ người dân đối với việc này”.

Tất nhiên, trong lúc chờ một hành lang pháp lý thì những cá nhân, tổ chức nhỏ vẫn đang tiếp tục công việc của mình. Người Việt Nam chưa bao giờ thiếu những tấm lòng thơm thảo lá lành đùm lá rách. Nhưng nhiều người trong số họ, vẫn đang làm từ thiện với áp lực vô hình treo trên đầu. Bởi đây không phải công việc cứ có tiền là làm được. 

Bộ Tài chính cơ bản đã hoàn thiện dự thảo Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo để sớm trình Chính phủ ban hành khiến dư luận cảm thấy an tâm. Nhiều chuyên gia mong chờ sự “lột xác” từ việc siết chặt các quy định để hoạt động từ thiện thật sự chuyên nghiệp, hiệu quả và giải quyết được những hạn chế mà các nghị định hiện hành (Nghị định 64, Nghị định 93) đang gặp phải.