VNG trước “con sóng ngầm” game online

Là doanh nghiệp hàng đầu, tiên phong trong lĩnh vực game online (trò chơi trực tuyến), trong giai đoạn trước năm 2017, mảng kinh doanh này đã mang về lợi nhuận “khủng” cho Công ty CP Vinagame (VNG). Do vậy, khi các nhà mạng dừng cung cấp dịch vụ sử dụng thẻ cào để nạp tiền tài khoản game và các thanh toán nội dung số, đương nhiên VNG gặp khó. Nhưng thực tế có như vậy?

Game online vẫn là mảng kinh doanh cốt lõi, đóng vai trò chủ đạo, chiếm phần áp đảo trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của VNG.
Game online vẫn là mảng kinh doanh cốt lõi, đóng vai trò chủ đạo, chiếm phần áp đảo trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của VNG.

Mảng kinh doanh cốt lõi

Năm 2005, VNG tạo “sốt” trong giới game online Việt Nam khi nhập khẩu game Võ Lâm Truyền Kỳ, sau đó bắt đầu tự tổ chức sản xuất game. Đến nay, nhiều sản phẩm do VNG phát hành hoặc phân phối đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng “game thủ” Việt.

Theo thống kê, kể từ năm 2010 đến năm 2017, có tới 5/7 năm VNG ghi nhận kết quả kinh doanh với lợi nhuận vượt vốn điều lệ. Lợi nhuận cũng liên tiếp được tích lũy vào nguồn vốn của công ty. Bên cạnh game online, VNG còn đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh mạng với Zing MP3, Zing Chat, Zing News,… Zing Me, mạng xã hội hỗ trợ cộng đồng game. Một ứng dụng thành công của VNG là phần mềm nhắn tin và gọi điện miễn phí trên nền tảng di động Zalo, được đưa vào hoạt động đầu năm 2013 và cán mốc 20 triệu người dùng chỉ sau chưa đầy hai năm. Hiện phần mềm này còn được phát triển thêm những tính năng khá gần với mạng xã hội. Bám theo những lĩnh vực hoạt động trên nền tảng internet, VNG cũng sớm đặt chân vào lĩnh vực thương mại điện tử, với website đầu tiên là 123Mua.vn, và sau đó là website thương mại điện tử Tiki.

Tuy nhiên, dù đầu tư vào đâu, game online vẫn là mảng kinh doanh cốt lõi, đóng vai trò chủ đạo, chiếm phần áp đảo trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của VNG. Đáng chú ý nhất là năm 2017, theo BCTC hợp nhất, doanh thu thuần của VNG đạt gần 4.268 tỷ đồng, tăng 41%, lợi nhuận trước thuế đạt 1.141 tỷ đồng, tăng gần 70% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng doanh thu từ game online đạt 3.582 tỷ đồng, chiếm tới gần 84% tổng doanh thu của VNG. Doanh thu từ game online chiếm phần lớn tổng doanh thu cũng là mẫu số chung của các năm 2015, 2016 ở doanh nghiệp này. Cụ thể, năm 2015 doanh thu từ mảng game online của VNG đạt 1.795 tỷ đồng, trong khi tổng doanh thu là 2.092 tỷ đồng. Năm 2016, doanh thu từ game online đạt hơn 2.535 tỷ đồng, tổng doanh thu là 3.023 tỷ đồng.

Đứng thứ 2 về sự đóng góp trong cơ cấu doanh thu của VNG là dịch vụ quảng cáo trực tuyến, trong ba năm 2015, 2016, 2017 lần lượt đạt gần 219 tỷ đồng, 36,5 tỷ đồng, và 528,8 tỷ đồng.

Giai đoạn từ năm 2017 trở về trước cũng là thời điểm bùng nổ về các hình thức nạp tiền vào game, như tin nhắn sms gửi tới các đầu số có gắn các mã của từng game, mua các thẻ cào điện thoại, thẻ game; trực tiếp thông qua thẻ ngân hàng…

Trong năm 2017, VNG cũng gây bất ngờ với giới đầu tư khi ký kết Bản ghi nhớ với sàn NASDAQ của Mỹ về dự kiến niêm yết cổ phiếu của VNG trên sàn chứng khoán lớn thứ hai thế giới này.

Xét về các tiêu chuẩn về quy mô vốn chủ sở hữu, vốn hóa và thu nhập thuần, báo cáo VNG hợp nhất đủ các điều kiện niêm yết của loại sàn “khó tính” nhất trên NASDAQ.

VNG trước “con sóng ngầm” game online ảnh 1

Một phòng game online. Ảnh: CTV

Không có sốc thanh toán

Mọi thứ có lẽ cứ thế suôn sẻ, nếu đầu năm 2018, hoạt động cờ bạc trực tuyến internet không “bùng nổ” với loạt game bài, trò chơi có thưởng, thậm chí là game lậu đến từ Trung Quốc có nội dung cờ bạc. Sau đó đường dây cờ bạc nghìn tỷ Rikvip sử dụng thẻ cào điện thoại được cơ quan điều tra phát hiện và xử lý. Theo cơ quan điều tra, hoạt động tổ chức đánh bạc qua game bài khó có thể thực hiện được với quy mô lớn như Rikvip nếu không có các cổng trung gian thanh toán và các loại thẻ cào. Tiền đánh bạc từ thẻ cào chiếm 97% tổng lượng tiền đánh bạc qua các cổng trung gian thanh toán, trong đó, các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, Vinaphone, Mobifone) được hưởng từ 15,5 - 16,3%.

Ngoài sử dụng thẻ cào viễn thông của các nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone, người chơi game online còn được sử dụng các thẻ game như Zing của VNG, Gate, Vcoin, Gocoin, Vcard, MegaCard nạp cho game.

Sau đó, từ cuối tháng 4-2018, cơ quan quản lý đã chấm dứt việc cho phép dùng thẻ cào thanh toán trực tuyến đối với tất cả các nhà phân phối game online tại Việt Nam.

Vậy lệnh cấm này đã tác động tới doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào doanh thu từ game là VNG như thế nào? Thực tế, lệnh cấm đã khiến VNG phải đóng kênh nạp tiền qua thẻ cào điện thoại, chuyển sang khuyến khích khách hàng nạp tiền qua Zalo Pay bằng Mastercard và các kênh thay thế khác. Nhờ thế, đã hạn chế được tác động của lệnh cấm vào doanh thu. Bởi vậy, tính đến cuối năm 2018, VNG còn ghi nhận mức doanh thu đạt hơn 4.316 tỷ đồng, tăng nhẹ so năm 2017. Trong đó, doanh thu từ game online vẫn đạt gần 3.500 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ so năm 2017. Trong khi doanh thu từ quảng cáo trực tuyến đạt 724,1 tỷ đồng, tăng gần 38% so năm 2017.

Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là khoản doanh thu bán hàng vẫn duy trì đều đặn khoảng 62 tỷ đồng trong ba năm trước đó (2015, 2016, 2017), thì đến năm 2018 chỉ còn hơn 9,3 tỷ đồng, giảm tới 85%. Chi tiết này có thể đưa tới nhận định, rằng khoản doanh thu giảm này đến từ việc doanh thu bán thẻ cào điện thoại, thẻ game giảm, do lệnh cấm thanh toán qua thẻ cào.

Trong khi doanh thu giảm, chi phí bán hàng của VNG lại đội lên gần 1.200 tỷ đồng, tăng tới 57% so năm 2017. Do đó kéo lợi nhuận sau thuế năm 2018 chỉ còn 333,3 tỷ đồng, giảm mạnh 64,5% so con số gần 1.000 tỷ đồng của năm trước. Tuy nhiên, thực tế kết quả này có nguyên nhân chính đến từ việc VNG phải chịu ảnh hưởng từ sự thua lỗ của các công ty liên kết, đặc biệt là Tiki.

Điều này được chứng minh bằng cập nhật kết quả kinh doanh của VNG, tính đến ngày 30-6-2019, doanh thu từ mảng game online vẫn là nguồn thu chính của công ty khi đạt 2.050 tỷ đồng, tăng tới 21,8% so cùng kỳ năm 2018 và chiếm 81,2% tổng doanh thu (2.524 tỷ đồng) của công ty. Trong khi doanh thu bán hàng tiếp tục giảm mạnh, chỉ ghi nhận con số “hẻo” với 125,6 triệu đồng trong khi cùng kỳ vẫn đạt gần 8,5 tỷ đồng. Tại thời điểm 30-6-2019, vốn chủ sở hữu của VNG đạt 4.811 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 5.273 tỷ đồng, ngoài ra công ty còn lượng cổ phiếu quỹ giá trị 1.943 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, trong những năm vừa qua, VNG rất tích cực giữ lại lợi nhuận để tích lũy, từ năm 2011 tới nay, công ty đã không trả cổ tức cho cổ đông, ngay cả với những năm đạt lợi nhuận “khủng” như năm 2012 hay 2017.

So sánh tương quan này cho thấy, lệnh cấm thanh toán các loại thẻ viễn thông không ảnh hưởng kết quả kinh doanh cốt lõi của VNG là game online. Hay nói cách khác là doanh nghiệp này đã tìm ra các hình thức khác, không những cho phép thanh toán bình thường, mà còn khuyến khích người chơi game online. Nhờ đó, doanh thu kinh doanh game online chỉ có thời gian ngắn bị suy giảm nhẹ, sau đó lại tăng trưởng mạnh.

Vậy thì nghiệp vụ biến hạn chế thanh toán thành cơ hội tăng trưởng của VNG liệu có được các website game online, cá cược và đánh bạc trên internet vận dụng, khi rào cản duy nhất chỉ đến từ chính hạn chế về thanh toán?