Từ chuyện tình bên dòng Danube

Kỳ 2: Cổ tích... chờ cái kết có hậu

Attila lên thăm cha ruột Lê Mỹ Thành tại Đà Lạt vào năm 2008.
Attila lên thăm cha ruột Lê Mỹ Thành tại Đà Lạt vào năm 2008.

Cậu bé ngày xưa ấy nay đã là một người cha. Anh là Lê Mỹ Benkõ Attila, chàng trai chọn làm rể một gia đình người Việt ở Nha Trang và như một sự sắp đặt của định mệnh, anh và chị Hồ Thị Ngọc Huyền cũng đã sinh ra một cậu con trai mang dòng máu Hung - Việt. Khác với người cha Attila của mình, cậu bé lên sáu tuổi Lê Mỹ Hunor Hùng có đủ họ tên của cha mẹ ruột trên bản giấy khai sinh…  
 
1/ Tôi không ví hành trình tìm cha của Attila như là một cổ tích trong thời hiện đại. Cổ tích thường có hậu. Còn câu chuyện của Attila, dù đã tìm được gốc gác cội nguồn, nhưng tôi vẫn cảm thấy ngậm ngùi cùng thân phận của anh…

Trước khi tiếp xúc với Attila, tôi đã gặp gỡ, trao đổi với rất nhiều người về chuyện tình Lê Mỹ Thành, Sáli Judit và con trai Attila của họ. Tất cả mọi cuộc trò chuyện đều có chung một dòng cảm xúc, đó là sự đồng cảm và chia sẻ. Trong mỗi tấm lòng ấy cũng thể hiện tình thương chân thành dành cho người con mang hai dòng máu đã vượt ngàn dặm tìm cha mà lại đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống hiện thời. Từ trời Âu xa xôi, khi biết tôi đang kết nối với con trai của mình, bà Judit đã gửi lời cảm ơn. Ông Lê Mỹ Thành cũng nói qua điện thoại: “Mong em chia sẻ và động viên cháu!”. Từ Hungary, anh Trần Quốc Bình gần như ngày nào cũng nhắn tin cho tôi và gửi gắm tình cảm với Attila. Thượng tá Vũ Trung Hậu, cựu sinh viên Trường Zalka Mate (Hungary) thì mỗi lúc nói chuyện với tôi về Attila cũng đều xúc động. Rồi tiến sĩ Phạm Minh Việt, nguyên Lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Budapest, anh Đinh Hương ở TP Hồ Chí Minh và rất nhiều những anh chị thành viên Hội hữu nghị Việt - Hung đã cùng tôi chia sẻ…

2/ Trở lại với cuộc gặp gỡ Lê Mỹ Benkõ Attila. Nha Trang mùa Covid-19. Biển cấm. Phố vắng. Không còn cảnh dập dìu du khách như những mùa hè cũ. Lần lữa hàng tuần do dịch bệnh, rồi cuối cùng tôi cũng gặp Attila. Anh chính là người con trai mà bà mẹ trẻ Sáli Judit đã sinh ra trong tháng 3/1972 gian khó, khi mà người cha Lê Mỹ Thành đã phải trở về Việt Nam. Cho đến rất nhiều năm sau, khi đã bước vào tuổi trưởng thành, Attila mới được hội ngộ với cha ruột của mình.

Đối diện cùng tôi là chàng trai tóc đen, mắt đen, dáng vẻ cao lớn. Nếu không nghe anh nói chuyện, lúc tiếng Hung, khi tiếng Anh, rồi cả tiếng Việt, thì khó phân biệt với những thanh niên Việt Nam khác đang ngồi chung quán cà-phê với chúng tôi. Dù không gian trò chuyện thân tình, nhưng Attila ít nói về chuyện buồn thân phận. Anh là người lạc quan, miệng lúc nào cũng cười. Trong câu chuyện, điều mà anh thể hiện nhiều nhất là biểu cảm tình yêu của mình với quê nội Việt Nam. Attila đã sống nhiều năm ở Hà Nội, cũng từng ở TP Hồ Chí Minh và khi lập gia đình với một cô gái Nha Trang, anh đã chọn thành phố biển làm nơi sinh sống. Attila nói, anh thích những trầm tích văn hóa, sự lãng mạn và sâu lắng của Hà Nội. Anh cũng gắn bó với Nha Trang bởi không gian an hòa và sự chân tình của người phố biển. Còn TP Hồ Chí Minh? “Dạ, đó là thành phố năng động, dễ sống nhưng em vốn không chịu được sự náo nhiệt, ồn ào”. Đặc biệt, chàng trai này thể hiện một tình yêu sâu sắc với âm nhạc Việt Nam. “Em mê dân ca, nhất là quan họ, nghe giai điệu và ca từ cảm nhận được một mạch cảm đắm đuối trữ tình, duyên dáng. Em cũng thích âm nhạc của Trịnh Công Sơn và biểu diễn nhiều ca khúc của ông”. Nghe chàng trai này nói về văn hóa Việt với một tinh thần say mê, tôi cảm nhận anh đích thị là người Việt Nam!

Câu chuyện của chúng tôi trở về với ký ức. Khi còn bé, Attila thường xuyên đứng trước gương và ngắm nghía khuôn mặt của mình. Anh đã không tài nào tự trả lời câu hỏi: Tại sao mình lại có mái tóc đen, đôi mắt đen như những người châu Á gặp ngoài phố, trong khi bố mẹ và hai đứa em trai đều có những mái tóc vàng óng ánh, da trắng và cặp mắt xanh? Đến mãi tới năm 1992, Attila đã 20 tuổi thì câu hỏi ấy mới được giải đáp khi được mẹ “giải mật” về nguồn cội của mình. Bà Judit đã cho Attila xem những lá thư bố Thành gửi cho mẹ con anh từ mấy chục năm trước. Năm 1993, lần đầu tiên Attila được theo mẹ “trở về” Việt Nam và được người cha của mình ôm vào lòng với những giọt nước mắt yêu thương. 

“Cảm xúc đầu tiên khi gặp bố Thành?”. Kể lại mà giọng anh vẫn còn bồi hồi: “Em nhìn rất lâu vào gương mặt của bố và đọc được trên gương mặt ấy cả tình yêu thương, nỗi buồn lắng đọng qua thời gian, sự mệt mỏi, hụt hẫng. Bố là một người không may mắn, trong cuộc đời và tình yêu. Em nghĩ, đối với ông, thời gian ở Hungary là quãng đời tươi đẹp nhất, nó là hiện thân của tuổi trẻ, tình yêu và hy vọng. Tất cả đã chấm dứt khi ông phải chia tay mẹ em. Ông nói, bao nhiêu năm rồi, không ngày nào không nghĩ về hai mẹ con. Từ lúc gặp lại ông, em hiểu rằng bố em vẫn chưa ra khỏi quá khứ. Em thương ông lắm...”. 

3/ Nghe Attila nói, ngắm gương mặt của anh, tôi chợt nhớ câu thơ của thi sĩ Xuân Diệu: “Tình yêu Tổ quốc là đỉnh núi bờ sông/Đến lúc tột cùng là dòng huyết chảy”. Anh yêu cả hai Tổ quốc, quê mẹ và quê cha. Tình yêu đó sinh thành từ trong huyết quản của người con mang hai dòng máu và bởi cả sự thấu cảm mỗi ngày mỗi dày thêm trong những tháng năm trải nghiệm cuộc sống. Không chỉ bằng lời nói, Attila đã thể hiện tình cảm ấy bằng chính sự lựa chọn đất sống và những hành động cụ thể của mình. Tôi nghe mọi người kể, khi còn là sinh viên ở Hungary, Attila đã tham gia rất tích cực các hoạt động của cộng đồng Việt - Hung. Anh đã góp phần kết nối và lan tỏa những giá trị văn hóa Việt Nam trên đất nước bạn. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp đại học, chàng trai trẻ đã xin phép mẹ được “trở về” Việt Nam sinh sống và lập nghiệp. Attila từng cộng tác với Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường đại học Văn hóa Hà Nội và VTVB trong nhiều dự án. Với tình yêu dành cho cả hai Tổ quốc, anh đã dốc sức lực, tâm huyết và sự hiểu biết cho nhiều chương trình quảng bá, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa hai nước Việt Nam - Hungary.

Năm 2011, Attila kết hôn và chọn quê vợ Nha Trang sinh sống. Năm 2015, vợ chồng anh sinh con và đặt tên là Lê Mỹ Hunor Hùng. Không may mắn, cháu Hùng bị mắc chứng tự kỷ. “Người Việt mình coi con cái là điều quan trọng nhất và sẵn sàng hy sinh tất cả vì con đúng không anh?”. Attila tâm sự mà tôi cảm nhận những giọt nước mắt anh nuốt vào trong. Để có tiền chăm lo cho đứa con không may mắn, người cha nghèo ấy mỗi buổi tối lại vác cây đàn guitar đến các quán cà-phê chơi nhạc hay đi dạy nhạc, dạy tiếng Anh ở các trung tâm. Mùa dịch Covid-19, quán xá và các trung tâm hầu như đóng cửa, Attila không có thu nhập nên cuộc sống vô cùng chật vật, anh cũng chưa biết xoay xở thế nào để bảo đảm cho đứa con bé bỏng. Nhưng cuộc sống vẫn cứ thế tiếp diễn. Mỗi buổi chiều người dân Nha Trang vẫn quen thuộc với hình ảnh người cha cao kều chở đứa con bé nhỏ trên chiếc xe đạp tự chế bằng những chiếc ống nước ra phía bờ biển. Anh đồng hành cùng con, bổ khuyết cho con những hành vi, ngôn ngữ bằng tất cả tấm lòng phụ tử thiêng liêng. “Em sợ không may mà em chết. Em mà chết thì chẳng ai lo cho con!…”. Tôi nghe giọng Attila thảng thốt mà không dám nhìn vào mắt anh. 

Attila không nói nhiều, không mong được giúp đỡ gì nhiều về vật chất, kể cả lúc này cuộc sống của anh đang cực kỳ chật vật. Anh là người tự trọng. Nhưng điều khó khăn nhất của anh lúc này mà bố Thành, mẹ Judit và các anh Hậu, Việt, Bình, Hương và mọi người đang hết sức quan tâm đó là làm sao để Lê Mỹ Bankõ Attila được nhập quốc tịch Việt Nam. Tâm sự với Attila, tôi hiểu, anh tha thiết được ở lại Việt Nam, được sống và cống hiến, được có một công việc ổn định để có thể phụng dưỡng cha già và nuôi dạy con thơ. Mọi người gửi gắm với tôi rằng, Attila là người con hiếu thảo, người cha nhất mực yêu thương con trai bé nhỏ của mình; chàng thanh niên sinh ra giữa đất nước Hungary xa xôi trong hoàn cảnh đau buồn nhưng đã nỗ lực học tập để có bằng đại học, giỏi ngoại ngữ và âm nhạc; đặc biệt, anh đã gắn bó với Việt Nam hơn mười năm nay và yêu mến đất nước hình chữ S này bằng một tình yêu máu thịt. Bởi vậy, anh xứng đáng được nhập quốc tịch Việt Nam, xứng đáng làm một công dân Việt Nam yêu nước, thương nòi!...

Tôi kể câu chuyện này cũng vì mục đích đó, nhưng cũng không dám hy vọng nhiều về bài viết của mình. Chỉ mong rằng, nó có thể cất lên một “tiếng vọng”. Nếu may mắn chuyện tôi kể “vọng” đến được các cơ quan chức năng và nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình đáp lại nhu cầu chính đáng của một con người thật sự đã là công dân Việt Nam, dù chưa có quốc tịch.