Trường học ở Tà Mung

Được triển khai từ năm 2015, mô hình “trường học nông trại” của Trường PTDTBT THCS xã Tà Mung, huyện Than Uyên (Lai Châu) đã thật sự mang lại hiệu quả rõ rệt. Đây chính là điều kiện thuận lợi để nhà trường chăm chút bữa ăn cho học sinh bán trú, cũng như nâng cao chất lượng dạy - học, giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường.

Trường học ở Tà Mung

Mầu xanh trên đá

Xuân này chúng tôi có dịp lên Tà Mung một trong những xã xa xôi, khó khăn bậc nhất của huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, toàn xã có 11 bản, hai dân tộc chính là H’Mông và Thái. Năm học 2019 - 2020, Trường PTDTBT THCS xã Tà Mung có 378 học sinh, trong đó có 266 em thuộc diện học sinh bán trú. Tà Mung với địa hình cheo leo, đi lại khó khăn việc giữ chân con em ở lại trường cả tuần là cả một kỳ tích.

Đến giờ này thầy Bùi Duy Nam - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS xã Tà Mung vẫn chưa quên những ngày đầu thực hiện công tác bán trú. Nằm ở độ cao hơn 1.300 m so mực nước biển, Tà Mung quanh năm sương mù bao phủ; một năm thì phải đến sáu tháng thiếu nước sinh hoạt nên sự nghiệp giáo dục nơi này đã khó lại càng khó hơn. Để có nước dùng trong năm vào mùa mưa, các thầy cô cắm bản phải tích nước mưa dùng tiết kiệm qua mùa. Mùa khô, cứ chiều chiều sau khi tan học lại thấy cảnh thầy trò tay xách, nách mang can, xô, thùng “rồng rắn” cuốc bộ gần chục cây số vào khe núi gùi nước về trường: “Tà Mung có số lượng học sinh bán trú đông nên nguồn nước và thực phẩm hằng ngày cho các em là cả một vấn đề, nhất là rau xanh vô cùng khan hiếm, từ sáng sớm các thầy, cô lóc cóc ra chợ huyện mua thực phẩm, nhưng thật sự nguồn gốc cũng chẳng biết thế nào”, thầy Nam phân trần.

Được biết, theo Nghị định 76/2019 của Chính phủ, hằng tháng các em được trợ cấp tiền ăn là 596 nghìn đồng và 15 kg gạo. Cùng với nguồn gạo của gia đình gửi thêm thì cái ăn không còn lo, nhưng rau xanh lại trở thành thứ xa xỉ với các em. Thế nên mỗi khi từ bản về trường, em nào cũng một bó rau to sụ cắp nách. Mỗi lần nhìn khu đất đá quanh sân trường mênh mông mà trong bữa ăn các em thiếu thốn mầu xanh khiến mỗi thầy, cô giáo nơi đây lòng thêm quặn thắt. Thầy Nam và các thầy, cô giáo đã có nhiều cuộc họp để tháo gỡ thực trạng trên, nhiều ý kiến đưa ra và bài toán là nước.

Sau nhiều ngày vào bản, khảo sát thực địa, tìm hiểu, các thầy, cô tìm ra một nguồn nước ổn định từ trong khe núi, nhưng ngặt nỗi mó nước xa trường học. Quyết tâm phải kèo nước về trường, thầy Nam bàn bạc với các thầy, cô trong trường, được sự ủng hộ nhiệt tình của các phụ huynh, cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới. Sau ba tháng triển khai hệ thống nước sạch được kéo từ núi về hai bể chứa tại khu bán trú học sinh. Còn gì vui hơn khi nước sinh hoạt không phải lo hằng ngày, thầy cô và các em chăm chỉ cải tạo khu đất bỏ hoang từ lâu. Lần lượt những bao đá, sỏi được chở đi, mang về là những xô, tải đất màu được các em quyên qóp. Sau một thời gian ngắn những luống rau đã hình thành trên màu đất mới. Cùng với đó là hệ thống chuồng trại ao cá được nhà trường thiết kế liên hoàn. Và mô hình “trường học nông trại” Tà Mung đã hình thành như thế.

Trường học ở Tà Mung ảnh 1

Một góc mô hình “trường học nông trại” của Trường PTDTBT THCS xã Tà Mung, huyện Than Uyên (Lai Châu).

Hiệu quả từ mô hình “trường học nông trại”

Giờ đây các em học sinh đến trường như ngôi nhà chung của mình, ngoài giờ học các em có hoạt động khá lý thú, các hoạt động theo tổ nhóm, phân công cụ thể để hoàn thành công việc chung. Em Tòng Văn Quang, Lớp 9A1 đang cùng các bạn thoăn thắt tay liềm cắt những bó cỏ non cho vào gùi, em chia sẻ: “Hôm nay đến lượt tổ của em chăm cá, em luôn nhắc các bạn cắt cỏ phải đúng kỹ thuật, làm sao cho đợt cắt sau, mầm mới lên đều đúng thời điểm. Ở trường, ngoài học văn hóa, chúng em được lao động dưới sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô. Giờ thì chúng em đã biết cách trồng rau, chăn nuôi theo đúng khoa học”.

Mô hình “trường học nông trại”, các em học sinh được gắn học lý thuyết với thực hành qua nhiều môn học tích hợp như sinh vật, địa lý, hóa học, toán… Ngoài giờ học, các em được rèn luyện trong môi trường lao động lành mạnh, hữu ích. Mô hình “trường học nông trại” giúp cung cấp thực phẩm sạch, cải thiện cho các bữa ăn bán trú tại trường cho chính các em học sinh. Thầy giáo Nguyễn Văn Hòa, phụ trách công tác nuôi dưỡng vui vẻ: Sau dịch tả lợn châu Phi, giá thành thực phẩm lên cao lắm, nhưng nhờ các em tích cực nuôi lợn mà bữa cơm được đa dạng hơn, đủ dinh dưỡng, bảo đảm sức khỏe cho học sinh học hành.

Lò Thị Thanh, học sinh lớp 8A1 trong bộ váy H’Mông xúng xính nở nụ cười tươi rói: “Em rất thích những buổi chiều được cùng các bạn chăm sóc vườn rau. Nhìn vườn rau xanh, đàn lợn, đàn gà, vịt phổng phao mỗi ngày, chúng em vui lắm. Mỗi ngày ở trường như chính ở ngôi nhà của mình vậy!”.

Với mô hình “trường học nông trại”, đến nay nhà trường có bảy con lợn thành phẩm, hơn 200 con vịt, 100 con gà đẻ, hơn 12.000 m² rau sạch, 13.000 m² mặt ao, mỗi năm cho thu hoạch hơn 10 tấn cá các loại.

Từ mô hình này, các em còn học được nhiều kỹ năng khác như cách tự lên kế hoạch nuôi trồng, đặt mục tiêu, rồi lựa chọn giống, kỹ thuật chăm sóc vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa tăng năng suất nuôi trồng… Thực phẩm dùng không hết hằng ngày nhập bán cho các nhà hàng dưới huyện, số tiền thu về gây quỹ lớp mua sắm thêm đồ dùng cá nhân, giúp đỡ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Hoàng Văn Thiết - Chủ tịch xã Tà Mung nói trong niềm vui: “Quả thật, mô hình “trường học nông trại” đã kích thích hứng thú học tập và cải thiện sinh hoạt, giúp các em có thêm thu nhập. Giờ thì sau Tết, không còn cảnh thiếu nước, thiếu rau và đặc biệt là thầy, cô không phải về bản vận động học sinh ra lớp nữa. Việc nuôi trồng từ mô hình nông trại đã giúp các em học sinh dân tộc vốn nhút nhát, dè dặt phát triển được kỹ năng giao tiếp, thu hút các em hơn sau mỗi giờ học”.

Chia tay Tà Mung, khi nắng xuân đã nhuộm vàng trên những sắc đào mận còn rung rinh trong gió. Con đường rời Tà Mung mỗi lúc một xa, tiếng nói cười cũng khuất dần sau núi. Có thể địa danh Tà Mung sẽ rất còn xa lạ với nhiều người. Nhưng với chúng tôi ở đó có những trái tim nóng bỏng đang ngày ngày thắp lửa tìm chữ và những hoạt động thiết thực giúp các em trưởng thành hơn khi chia xa mái trường.