Trở lại Long Châu

Trên chuyến tàu tới Long Châu (Cát Bà, Hải Phòng), tình cờ tôi gặp hai người lính: Đại úy Cao Văn Quyết (Đài quan sát Long Châu)-nhận nhiệm vụ ở Long Châu từ cuối 2015 và Trung tá Hoàng Thanh Hải (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Hải Phòng)-đã từng nhận công tác ở Long Châu cách đây gần 20 năm, từ 2002 tới 2004. Anh Quyết trở lại đảo tiếp tục nhiệm vụ sau một tuần hội thao trong đất liền, còn anh Hải tìm lại mảnh đất gắn bó cũ. Họ như tìm thấy một chủ đề chung, khi nói về hòn đảo mà cả hai gắn bó.

Cuộc gặp gỡ của những người lính.
Cuộc gặp gỡ của những người lính.

1/ Chuyến đi tới Long Châu của chúng tôi cuối cùng thành cuộc gặp gỡ ôn cố tri tân giữa những người lính cũ và mới ở hòn đảo mệnh danh Mắt Rồng này. Long Châu là tên cả một cụm đảo. Vì Long Châu lớn là đảo lớn nhất nên cả cụm đảo được gọi luôn với cái tên ấy. Nhìn từ trên cao, Long Châu xù xì với những mỏm đá tai mèo sắc lẻm, thứ đá nóng rẫy vào mùa hè và lạnh buốt vào mùa đông. Hôm chúng tôi ra đảo bỗng dưng có một trận mưa lớn. Anh Hải bảo chỗ này nằm giữa hai quả núi, giống như cái yên ngựa, nên đây là nơi hứng sét. Ai tới  Long Châu đều biết hai thứ đặc sản là rắn và sét. Cứ có mưa, có giông là mọi người được khuyến cáo ở trong nhà để tránh nguy hiểm. Có điều, nếu là vào các tháng ít mưa, thì mỗi trận mưa đều là vàng-như cái lẽ thường của mấy hòn đảo tiền tiêu. Chạy mưa, chạy sét để di chuyển ống nước hứng từng giọt vàng trời ban ấy, với ai đã ở Long Châu đều khó mà quên được. 

Đứng ở trạm biên phòng giữa lưng chừng núi, Trung tá Hải kể lúc mới tới Long Châu, sân của trạm biên phòng còn bé hơn bây giờ, trời mưa hoặc cứ vào lúc thời tiết thay đổi là rắn bò lổm ngổm. Sân hẹp, rắn lại càng được dịp tung tăng. “Rắn nhiều vô kể, nhất là trở trời hoặc mưa, bò lổm ngổm. Khủng khiếp lắm. Ngủ phải rũ hết chăn màn. Soi gầm giường rồi mới ngủ. Đi đâu phải đi hai người”, anh Hải nhớ lại. Ngay cái sân trạm, trước kia chỉ có một khoảng tầm 30 phân rải xi-măng. Riêng chỗ sân ấy, lúc nào anh em cũng phải chăm chỉ nhổ cỏ, phát quang đãng, để mấy ông bò sát không tranh thủ tới. Để không có chỗ cho cỏ mọc, cứ mỗi chiều đi qua, bộ đội lại tiện tay ném lên sân vài hòn đá. Lâu dần, cái sân cũng rộng hơn. Năm 2014 thì nhà chỉ huy xây lại, sân theo diện tích mới là lát xi-măng, cảnh rắn bò chung quanh cũng bớt phần nào. Nhưng anh Quyết xác nhận, Long Châu ngay cả bây giờ vẫn còn nhiều rắn: “Hồi mới ra đảo tôi cũng được nghe kể về rắn Long Châu, rồi mình chứng thực luôn. Rắn nhiều lúc bò cả vào sân, bò lên cả tầng hai nữa”. Chỉ mới cách đó hai hôm, một  chú rắn bò lên tận trạm hải đăng, nằm im cạnh tivi. Ngoài rắn còn có rết. Trung úy QNCN Nguyễn Đức Ba xòe ngón tay vẫn hơi sưng, kể vừa mới tóm được một chú rết cả gan cắn vào tay bộ đội lúc đang ngủ. Bàn tay thì nhức buốt nhưng  hũ rượu ngâm làm thuốc xoa bóp thì có thêm một sinh vật lạ. Mãi rồi rắn rết với người sống chung, chẳng ai ngạc nhiên nữa. Long Châu đặc thù như thế nên mỗi khi có khách, cánh bộ đội phải kiểm tra các ngả cửa nẻo, đèn đóm kỹ càng hơn, tránh những sự cố hay những vị khách không mời. “Tối ngủ phải khép chặt màn, tránh chúng chui vào chỗ ấm đòi ngủ cùng, nhất là sau khi tắt điện”, anh Ba dặn chúng tôi khi tiếng máy nổ ngưng. Ngủ lại đảo, đúng là một thử thách vậy!

Trở lại Long Châu -0
Trung tá Hoàng Thanh Hải với hàng bàng trồng từ năm 2002. 

2/ Đường đi lên trạm quan sát, lên hải đăng của Long Châu trồng cả một dãy bàng. “Hàng bàng này là mình trồng được 17 năm rồi đấy, từ năm 2002 lúc mới ra”, Trung tá Hoàng Thanh Hải hóa ra là một trong những người góp phần làm nên hàng bàng xanh tốt của Long Châu bây giờ. Thời điểm mới ra đảo, anh Hải ngỡ ngàng vì quanh trạm quan sát Long Châu chỉ có đúng bốn cây bàng, trơ trọi giữa hòn đảo chói chang nắng. “Bước lên trạm hoa cả mắt”, anh Hải không giấu cảm xúc đầu tiên của 20 năm trước. Như đồng cảm, Đại úy Cao Văn Quyết cũng bảo: “Cảm giác lớn nhất là trống vắng”. Chỉ hai tiếng đi tàu cách đất liền ngày biển êm, nhưng giống như là xa xôi cả một thế giới. Chỉ tay vào một cây bàng to nhất ở sân trạm, anh Hải bảo:  “Cây này là cổ thụ nhất. Hạt rơi xuống mọc lên thành cây, thế là anh em lại đánh ra trồng”. 

Bàng có lẽ là loài cây biểu tượng cho sức sống mãnh liệt trên đảo đá này. Những cây bàng xanh cả một góc đảo, là ý chí, quyết tâm của những người lính trên đảo Long Châu. Những năm tháng còn khó khăn, cánh bộ đội cứ chăm từng gốc bàng một. Như anh Hải kể là “Cứ chiều cầm xà-beng đi cậy đá dọc đường, tạo hố. Ở đây không có đất, chúng tôi tận dụng mưa mùn trong hốc đá chảy ra, đánh bàng con ra trồng, xin lưới cũ về đóng cọc quây vào không cho dê xuống ăn”. Chuyện bảo vệ bàng khỏi đàn dê háu ăn đến giờ vẫn là một kỳ công. Cây bàng chăm chút mãi mới lên một chút ngọn non mà bị dê ăn mất thì tiếc lắm. Nên ở đảo này, để có được hàng bàng này là cả sự nỗ lực của nhiều thế hệ bộ đội nắng thì che, gió bão thì chằng chống để tạo mầu xanh cho đảo. 

3/ Lần này trở lại Long Châu, anh Hải mang theo mấy thùng rau. Nước ngọt, rau xanh luôn là chuyện sống còn ở bất cứ đảo xa nào. Đứng ở sân trạm biên phòng, anh Hải có chút bùi ngùi. Tôi hỏi anh Hải thời 20 năm trước, có bao giờ anh ao ước nơi mình sống cũng được khang trang như bây giờ không. “Cũng ước chứ, nhưng không bao giờ mơ được như bây giờ đâu”, anh Hải thành thật. 20 năm trước,  như lời Trung tá Hải là “Đồn có một cái máy phát điện, chúng tôi khênh lên hải đăng nhờ phát điện hộ rồi lại gánh về để xem tivi, nghe đài. Đời sống văn hóa khó khăn, điện thoại phải để ra góc núi hứng sóng, có lúc bỏ quên mà gió biển táp ướt cả điện thoại”. Bây giờ sóng vẫn đánh ào ào như thế, nhưng sóng điện thoại đã mạnh hơn, điện cũng xông xênh hơn, máy nổ chạy tới 12 giờ đêm, trạm và sân đều rộng rãi hơn, cả hàng bàng cũng đã mạnh mẽ vươn thẳng. 

Đảo có khách mới ra, anh em bộ đội nói hôm nay sẽ có bữa cải thiện. Ở đảo, món cải thiện cũng là thứ “nhà trồng được”: ốc đá. Anh Hải cũng xắn tay cùng đồng đội kiếm thêm “mồi”. Nghe tin có khách, mấy anh em bên nhà đèn cũng sang góp thêm con mực mai. “Bữa tối có vẻ sẽ xôm đấy”, anh Nguyễn Chung Thủy, nhân viên hải đăng Long Châu đung đưa túi mực. “Ốc đá bên này mình thử mấy lần rồi, ngon lắm”. 

Ở Long Châu, biên phòng và nhà đèn là hàng xóm. Biên phòng ở lưng chừng núi. Nhà đèn ở trên đỉnh núi. Anh em thân thiết, gần gũi như người nhà, đúng nghĩa tối lửa tắt đèn. Mấy bữa tới Tết, đảo cũng đón Tết chung. Sáng ăn bữa cỗ ở đồn, chiều ăn bữa cỗ ở nhà đèn. Cũng coi như thành đủ cho ngày Tết. Anh Hải bảo hồi còn ở Long Châu, bộ đội và nhà đèn đã gắn kết thế rồi. Bữa tối thêm người nên không khí tưng bừng hẳn. Có thịt mang từ đất liền, có cả hải sản của biển, cả rau và ốc của núi đá. Thịnh soạn thế này, một năm chắc được đôi ba bận. “Chủ yếu là khi đón khách từ đất liền ra đảo”, anh Quyết nói nhỏ. 

Anh Quyết nói, những ngày vất vả nhất của Long Châu sẽ là cuối năm. Bởi đó là lúc đảo vắng người, tàu ít ra tới nơi, sóng gió liên tục, nhẹ cũng cấp 6-7. Người muốn tới đảo có khi cũng phải chờ sóng cả tuần mới lên được tàu. 

Chiều ở Long Châu, chúng tôi ngồi với cánh bộ đội trên ghế đá, nhìn ra biển. Cũng vì mới có trận mưa, nên không gian mới tự nhiên tĩnh lại, và phía chân trời xa xa có vẻ như sẽ có một hoàng hôn thật đẹp. 

Một hòn đảo đẹp kỳ vĩ, nhưng đầy thử thách với con người.