Tình cờ hay là sự mách bảo

Cứ mỗi lần về tỉnh Phú Thọ công tác, tôi thường ghé thăm Hoàng Văn Phi - anh bạn đồng hương, bạn chiến đấu ở chiến trường Tây Nam Bộ những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau ngày giải phóng đất nước, Phi ra quân trở về tiếp tục học Trường đại học Kinh tế quốc dân. Ra trường, cậu về làm kế toán trưởng Công ty rượu Đồng Xuân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.

Viếng nghĩa trang liệt sĩ. Ảnh: NAM ANH
Viếng nghĩa trang liệt sĩ. Ảnh: NAM ANH

1/Hôm đó, hai anh em đang chuyện trò vui vẻ trong phòng của Phi thì một người đàn ông to mập bước vào:

- Ông Phi đã ra kho bạc chưa?
 
Phi giới thiệu tôi với anh ta, rồi nói:
 
- Đây là anh Yên - Giám đốc công ty.
 
Tôi bắt tay Yên rồi hỏi xã giao:
 
- Anh là người xã Đồng Xuân này?
 
- Vâng!
 
- Xin lỗi giám đốc, tôi có anh bạn tên là Phúc người xã này, nhập ngũ năm 1967, liệu anh có biết không?
 
- Quê tôi người tên là Phúc, đi bộ đội thì đầy!

Dường như Yên không quan tâm gì đến câu hỏi của tôi.

Tôi hỏi tiếp: Anh Phúc, họ tên đầy đủ là Nguyễn Đình Phúc, đẹp trai và có biệt tài là vẽ rất đẹp. Lúc này Yên nhìn tôi thật kỹ rồi thốt lên:

- Đấy là anh ruột tôi đấy. Anh tôi hy sinh năm 1971. Bao năm gia đình tôi đi tìm để đưa hài cốt anh ấy về quê nhưng không tìm thấy. Anh biết anh Phúc của tôi à?

Tôi lặng người đi trước việc bất ngờ này. Trong tôi dấy lên một cảm giác rất khó tả. Lúc này tôi mới nhìn kỹ Yên. Đúng rồi, đôi mắt kia, cái miệng kia sao giống anh Phúc thế.

Tôi lấy điện thoại ra gọi cho Nguyễn Thành Nang - bạn cùng tiểu đội với Phúc. Lúc đó Nang đang là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy quận Hồng Bàng - Hải Phòng.

- Nang ơi! Bạn còn nhớ Phúc “họa sĩ” hy sinh ở Xẻo Lá, An Biên (Kiên Giang), chôn ở đâu không?

Tiếng Nang vang lên trong máy:

- Sao hôm nay bỗng dưng ông lại hỏi chuyện này? Phúc mà ông hỏi có phải Nguyễn Đình Phúc quê ở Thanh Ba, Phú Thọ không? Hôm Phúc hy sinh, chính tôi là người lau mặt, vuốt tóc cho nó trước khi bàn giao cho du kích đưa đi mai táng mà! Hình như nó nằm ở Xẻo Lá thuộc xã Đông Thái (An Biên) ông ạ! Ông thử gọi cho Hà Kim Long ở Vĩnh Thuận xem nó có biết không? Khi đó Long là quân lực của tiểu đoàn mà.

Tôi gọi cho Long, hỏi nó về trường hợp của Phúc. Long trả lời:

- Lâu quá rồi, tôi nhớ không nhầm, hình như hồi đó họ chôn Phúc ở nghĩa trang Xẻo Lá thì phải. Nhưng đến nay, tất cả hài cốt liệt sĩ ở những nghĩa trang tạm thời trong chiến tranh đều được quy tập về nghĩa trang của xã hoặc của huyện rồi. Để tôi hỏi bên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của huyện xem nhé.

Yên ngồi bên cạnh chăm chú lắng nghe các cuộc điện thoại của tôi. Thi thoảng anh ta đứng dậy khẽ đi lại trong phòng, hai tay chắp sau lưng vẻ bồn chồn xúc động. Khác hẳn thái độ thờ ơ lúc ban đầu, giờ Yên ôn tồn nói chuyện và thay đổi cách xưng hô với tôi.

- Anh Phúc nhà em hy sinh năm 1971. Trong giấy báo tử ghi hy sinh ở chiến trường B. Sau giải phóng, qua rất nhiều nguồn thông tin, gia đình em đã đi tìm nhưng không biết anh của em nằm ở đâu. Hôm nay may quá gặp được anh, hy vọng sẽ tìm được anh ấy.

Tôi kể cho Yên nghe những kỷ niệm không bao giờ quên về anh trai của cậu ấy.

2/Năm 1967, chúng tôi nhập ngũ. Trong đơn vị lúc đó rất nhiều người có giấy báo trúng tuyển đại học. Nhưng theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh em xếp bút nghiên lên đường ra trận, trong đó có Phúc. Phúc có giấy báo vào trường mỹ thuật.

Hồi đó vượt Trường Sơn vào Nam là một thử thách nghiệt ngã với mỗi chúng tôi. Chúng tôi đi trong mưa rừng thác lũ; đi trong đói rét, bệnh tật; khiêng nhau, dìu nhau trong cơn sốt rét hoành hành; đi trong sự rình rập, theo dõi của địch cả trên không và dưới đất. Nhiều chiến sĩ đã nằm lại dọc đường giao liên giữa đại ngàn rừng Trường Sơn. Dẫu vậy, ý chí và nghị lực của tuổi trẻ đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả để đến đích.

Có một kỷ niệm khó quên về Phúc. Đó là khi đơn vị hành quân vào đến phía tây tỉnh Quảng Trị. Hồi đó dọc hai bên đường giao liên thi thoảng lại gặp những người dân Vân Kiều. Bà con đem gạo, rau quả đổi lấy quần áo, đồ dùng của những đoàn người từ miền nam đi ra. Đối với những đoàn bộ đội đi vào bà con chỉ hỏi ảnh Bác Hồ. Chỉ cần một con tem có in ảnh Bác Hồ là có thể đổi được vài cân gạo nếp nương.

Trong hoàn cảnh đó Phúc đã dùng bút chì vẽ chân dung Bác trên tờ giấy lấy trong cuốn sổ tay. Phúc vẽ chân dung Bác giống như ảnh chụp vậy. Bức vẽ đó đã đổi được 4 kg gạo nếp và 6 quả bí xanh. Phúc định vẽ tiếp, nhưng tiểu đội trưởng khuyên: Ba-lô ai cũng chật cứng và nặng lắm rồi, nếu vẽ rồi đổi tiếp là không đi nổi đâu!

Trong ba-lô của Phúc có một bức chân dung một người con gái. Bức chân dung đó được lấy nguyên mẫu từ một tấm ảnh nhỏ cỡ 3x4 đã ngả mầu nâu. Người con gái trong tranh có khuôn mặt trái xoan, đôi mắt bồ câu đen láy nhưng đượm nét buồn. Phúc bảo rằng đó là cô bạn gái của cậu ta, hiện cô đang học sư phạm ở Hà Nội. Cả tiểu đội coi cô gái trong tranh của Phúc như người thân của mình, nên thường truyền tay nhau xem những lúc dừng chân trên đường giao liên.

Đơn vị vào đến Tây Nam Bộ, đúng vào mùa mưa năm 1968. Và trong trận đánh vào đồn Xẻo Lá, xã Đông Thái, huyện An Biên tháng 7/1971, Phúc đã anh dũng hy sinh.

Trận đánh đó, tôi đi ở mũi khác nên không biết Phúc hy sinh lúc nào. Sau trận đánh nghe chính trị viên đại đội nói lại là: sau khi làm chủ trận địa, lúc lui quân, Phúc cõng một thương binh, ra đến phía ngoài đồn thì bị pháo địch bắn trúng, cả hai đều hy sinh.
                                                      
3/Hai tháng sau kể từ ngày tôi gặp Yên ở Công ty rượu Đồng Xuân, qua chắp nối các nguồn tin, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện An Biên đã thông báo cho gia đình Yên biết nơi an nghỉ của liệt sĩ Nguyễn Đình Phúc. Sau này Yên thông báo cho tôi biết: Tháng 7/2006, em vào Kiên Giang xin chính quyền huyện và xã làm thủ tục đưa anh Phúc của em về quê.

Hôm đón anh Phúc về, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân trong xã tổ chức đón rất trọng thể. Khi mọi người xếp hàng thứ tự đi quanh mộ thả nắm đất xuống thì có một phụ nữ lách qua hàng người vào bên mộ. Rất nhanh, chị thả một lọn tóc xuống mộ anh Phúc. Em biết đó là chị Q - cô giáo làng bên, người bạn của anh Phúc. Khi quay ra, chị bám vào vai em khóc nấc lên, rồi lấy khăn kín đáo lau nước mắt. Em biết chị muốn nói gì với em khi đón anh Phúc trở về.

- Em còn một người anh nữa, trên anh Phúc, tên là Nguyễn Hải Vũ. Anh Vũ cũng đã hy sinh ở tây bắc Sài Gòn tháng 3/1968. Nhưng đến giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Nhiều năm nay gia đình em cất công đi tìm nhưng vẫn không biết anh ấy nằm ở đâu trên dải đất miền nam.

Vì có hai người con hy sinh nên năm 2007, mẹ em được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Tôi chưa bao giờ tin có một thế giới huyền bí nào đó đang tồn tại. Nhưng việc tìm được vị trí an nghỉ của liệt sĩ Nguyễn Đình Phúc có lẽ không phải là sự ngẫu nhiên. Dường như có sự mách bảo, dẫn dắt nào đó để tôi gặp được người thân của anh. Và cuối cùng Phúc đã được đưa về nơi an nghỉ ở quê nhà.

Những người như anh sẽ sống mãi trong tâm tưởng của đồng chí, anh em, người thân, bạn bè và đồng bào mình, trong đó có chị Q - người đã giữ lọn tóc thề với anh.