Tiếng gọi từ quê mẹ

Những năm qua, nhiều người dân tại các tỉnh miền núi phía bắc hết sức ngạc nhiên trước sự xuất hiện của một phụ nữ ngoại quốc ăn mặc giản dị, lặn lội tìm đến các điểm trường gặp nhiều khó khăn để thực hiện các hoạt động thiện nguyện. Người phụ nữ ấy là nhà văn Isabelle Müller - tác giả của tự truyện “Loan - từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng” - người mang trong mình hai dòng máu Pháp - Việt.

Triển khai dự án tại trường tiểu học và trường mẫu giáo Thôn Bản Đúng, xã Đường Hồng, Bắc Mê (Hà Giang).
Triển khai dự án tại trường tiểu học và trường mẫu giáo Thôn Bản Đúng, xã Đường Hồng, Bắc Mê (Hà Giang).

Ký ức được trao truyền

Isabelle Müller là con gái út của bà Đậu Thị Cúc (hay còn gọi là Loan), sinh năm 1929 tại Hà Tĩnh. Ngay từ khi còn nhỏ, sống ở Pháp cùng gia đình, Isabelle đã nhận thấy sự khác biệt của mẹ không chỉ về ngoại hình hay ngôn ngữ với những người phụ nữ trong vùng. Bà làm việc chăm chỉ tối ngày ngoài vườn, thích nghe nhạc Việt Nam và nấu các món ăn truyền thống của người Việt. Chị hồi tưởng: “Tôi vẫn còn nhớ rất rõ về khoảng thời gian ấy, nhớ rõ cái sàn gạch phòng ngủ của chúng tôi lạnh và cứng như thế nào, bởi chúng tôi không có bất kỳ cái giường nào. Nhớ rõ sự ghẻ lạnh của những người chung quanh, vì chúng tôi không thể theo kịp họ về mặt vật chất. Và nhớ rõ, khó khăn như thế nào để giữ lại chút danh dự còn lại và để đấu tranh với sự cô đơn đang dần làm tổ trong trái tim chúng tôi”.

Để giải đáp những thắc mắc từ cô con gái nhỏ, bà Loan bắt đầu kể câu chuyện về cuộc đời mình. Bà sinh ra trong một gia đình lạc hậu, trọng nam khinh nữ. Năm 12 tuổi, vì không muốn bước vào một cuộc hôn nhân do gia đình sắp đặt, bà bỏ nhà ra đi. Kể từ đây, cuộc đời bà phải đối mặt với nhiều sóng gió sinh tử. Tuy nhiều lần rơi vào những bi kịch, bế tắc, nhưng chưa bao giờ khát vọng sống bị dập tắt trong người đàn bà Việt lạ lùng ấy. Không phải ngẫu nhiên bà đã chọn biểu tượng con chim phượng hoàng để đặt lại tên cho mình - loài chim biểu tượng của sự tái sinh từ đống tro tàn.

Đến năm 15 tuổi, Isabelle bắt đầu ý thức ghi chép cẩn thận các tư liệu về mẹ. Chị xem rất kỹ các bức ảnh ố mầu, đọc các bức thư mẹ còn lưu giữ. Chị còn dành nhiều thời gian để nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam. Đặc biệt chuyến trở về Việt Nam năm 1990 cùng với mẹ, Isabelle đã cố gắng nắm bắt thật chi tiết, cụ thể về những vùng đất, những con đường, ngõ phố nơi mẹ từng sinh sống, gặp gỡ các bạn bè của mẹ. Sau chuyến đi, quyết tâm viết về cuộc đời của mẹ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Theo chị, đó là cách để chia sẻ một “di sản gia đình” và cũng là cách đưa mẹ trở về gần hơn với quê hương Việt Nam. Song đây cũng là một câu chuyện đầy thách thức đối với người chấp bút, dù đó chính là con gái của bà. Bởi ngoài sự khác biệt về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ... thì chỉ riêng việc Isabelle chưa từng sống ở Việt Nam đã là một trở ngại vô cùng lớn để có thể tái hiện sinh động cuộc đời một phụ nữ Việt sống vào giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20.

Người kể chuyện kiên trì

Phải mất 30 năm, Isabelle Müller mới thực hiện được lời hứa của mình. Bởi chị muốn phải thực sự trưởng thành, có đủ sự chín chắn, trải nghiệm mọi thăng trầm của đời sống, khi đó mới là lúc thích hợp để viết về cuộc đời người mẹ kính yêu. Mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tư liệu và cảm xúc cho cuốn tự truyện, tuy nhiên chị cũng thừa nhận, phần khó nhất không phải là bản thân câu chuyện, mà chính là việc đặt mình vào hoàn cảnh của mẹ và sống lại cuộc đời đặc biệt ấy. “Tôi đã phải “hóa thân” vào mẹ, thấy mình như đang trải nghiệm cuộc sống khắc nghiệt ở các vùng đất khác nhau, chịu đựng sự vật lộn, đau khổ, hy sinh và khát vọng mãnh liệt của mẹ”. Sau hai năm, cuốn sách đã hoàn thành, với hơn 400 trang. Chị tâm sự: “Tôi viết câu chuyện của mẹ bằng nước mắt, mồ hôi, máu của bà. Tôi đã khóc rất nhiều lần trong khi viết và đau khổ với bà rất nhiều. Sau đó, khi tôi không thể khóc nữa, tôi biết rằng câu chuyện thành công. Cuốn sách đã làm dịu tâm hồn tôi. Tôi hạnh phúc vì đã giữ lời hứa với mẹ”.

Năm 2015, từ hơn 1.000 tác phẩm tham dự, “Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng” (tiếng Đức) đã lọt vào top 5 chung kết giải Kindle Storyteller Award năm 2015 tại Đức, sau đó đã lọt vào top sách bán chạy nhất trên trang Amazon Đức trong hạng mục Lịch sử châu Á, Văn học trẻ và Tự truyện. Trước sự đón nhận nồng nhiệt này từ độc giả Đức, Isabelle lý giải: “Không phải vì cuốn sách liên quan trực tiếp đến lịch sử Việt Nam, mà vì gắn liền với các nền văn hóa khác biệt. Trước khi đọc cuốn sách này, họ chỉ biết đến Việt Nam với cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau khi đọc cuốn sách này, họ đã biết nhiều hơn về cuộc sống tại Việt Nam, về lịch sử cũng như vai trò của phụ nữ. Họ bị cuốn hút và xúc động bởi câu chuyện của mẹ. Nhiều người trong số họ cảm ơn tôi vì đã viết cuốn sách này giúp họ có thêm sức mạnh để đối phó với cuộc sống”.

Tiếng gọi từ quê mẹ ảnh 1

Nhà văn Isabelle cùng các học sinh vùng cao.

Hành trình yêu thương đến Việt Nam

Ngay sau thành công của cuốn sách, tháng 5-2016, với tình cảm dành cho quê mẹ, đồng thời cũng hoàn thành tâm nguyện của bà Loan muốn tri ân quê hương, Isabelle Müller đã chính thức thành lập quỹ Loan - một tổ chức từ thiện hợp pháp theo Luật Dân sự CHLB Đức. Mục tiêu của quỹ Loan là nhằm thực hiện các dự án giáo dục vì lợi ích của trẻ em dân tộc thiểu số ở các vùng núi nghèo nhất miền bắc Việt Nam. Kinh phí ban đầu của quỹ được lấy từ 100% tiền bán sách, sau đó Isabelle tiếp tục kêu gọi sự đóng góp của các nhà từ thiện. Chính nhờ hoạt động từ thiện này đã tạo mối duyên giúp nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa biết đến tác phẩm “Loan - từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng” trong một chuyến công tác ở châu Âu vào tháng 8-2016, khi đến Frankfurt (Đức) về việc hợp tác giữa quỹ học bổng Vừ A Dính do bà làm chủ tịch và quỹ Loan của Isabelle Müller. Sau đó, nhờ sự kết nối của bà Trương Mỹ Hoa, tự truyện “Loan – từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng” (NXB Trẻ, bản dịch Trương Hồng Quang) đã ra mắt độc giả Việt Nam. Hạnh phúc của Isabelle Müller tăng lên gấp bội, bởi giờ đây cuốn sách đã đưa mẹ về với quê hương của mình, đồng thời quỹ Loan cũng được nhiều người Việt biết đến và chung tay giúp sức.

Sau hơn ba năm hoạt động, đến nay quỹ Loan đã thực hiện được 23 dự án từ thiện bao gồm xây dựng nhà trẻ, trường học, bếp ăn, phòng ngủ cho học sinh nội trú, cung cấp những trang thiết bị hỗ trợ dạy học.... Các dự án tiêu biểu thực hiện trong năm 2018 có thể kể đến: Công trình xây dựng trường tiểu học tại làng Mo (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai); xây dựng một trường tiểu học và trường mẫu giáo, phòng giáo viên, bếp và khu vệ sinh ở Cáo Chứ Phìn, xã Sảng Tủng (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang); xây dựng trường tiểu học và trường mẫu giáo thôn Bản Đúng, xã Đường Hồng, (huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang)... Isabelle mong mỏi việc làm nhỏ bé của mình sẽ giúp các em học sinh đang gặp nhiều khó khăn có thể tự định hướng tương lai cho bản thân.

Đi lại như con thoi giữa hai quốc gia Việt Nam và Đức, người phụ nữ nhỏ bé ấy tự nhận tâm hồn mình 99% là người Việt, quê hương của chị chính là Việt Nam. Bởi vậy chị không quản khó khăn vất vả để mong muốn làm được những điều tốt đẹp nhất cho quê hương. Gặp Isabelle Müller những ngày đầu năm 2019, chị hào hứng chia sẻ những dự án thiện nguyện phía trước bởi chị biết vẫn còn rất nhiều trẻ em khó khăn đang cần đến sự giúp đỡ của cộng đồng. Bởi vậy hành trình yêu thương của chị vẫn còn tiếp tục...

Những thăng trầm trong cuộc đời người mẹ, không dễ để một đứa trẻ có thể thấu hiểu và chia sẻ. Vậy mà thật kỳ lạ, những câu chuyện mẹ kể có sức hấp dẫn và ám ảnh mãnh liệt đối với Isabelle, để rồi ngay từ khi còn ở tuổi niên thiếu, Isabelle Mülller đã tự hứa sau này nhất định sẽ viết sách về mẹ.