Theo dấu rác độc (Kỳ 2)

Kỳ 2: Những miền quê “ngộ độc” rác thải

Lượng rác thải tại núi Bông (phường Khai Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đã lên tới vài trăm nghìn tấn.
Lượng rác thải tại núi Bông (phường Khai Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đã lên tới vài trăm nghìn tấn.

Chưa giải được bài toán rác thải từ làng nghề, một số tỉnh, thành phố còn phải đối mặt bài toán nan giải không kém: rác thải sinh hoạt. Từ khối rác, bãi rác, bức tường rác cho đến con đường rác, con kênh rác, ngọn núi rác… Rác được tập kết theo đủ mọi kiểu, nhưng không có biện pháp che chắn nào. Còn biện pháp xử lý? Một là chôn lấp, hai là đốt và ba là… không làm gì cả. 

Cứ thấy khói là thấy rác 

Theo thống kê ngày 2/6 tại Diễn đàn Môi trường năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), hiện cả nước phát sinh trung bình 60 nghìn - 70 nghìn tấn rác thải sinh hoạt/ngày. 70% lượng rác thải được xử lý bằng hình thức chôn lấp. Tuy nhiên, chỉ có 15% bãi chôn lấp rác thải bảo đảm vệ sinh. 85% bãi còn lại (gần 770/904 bãi chôn lấp trên cả nước) đều bị đánh giá là mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. 

Về Bắc Ninh, trên những con đường làng ở Tiên Du hoặc Yên Phong buổi chiều tà, sẽ thấy nhiều cột khói đang bay lên. Khi tới gần người ta có thể xây xẩm mặt mày vì mùi khét lẹt hòa cùng mùi chua loét đặc trưng. Đó là khói bốc lên từ những bãi rác khổng lồ đang cháy. Tiên Du và Yên Phong là hai trong những nơi tồn đọng nhiều rác thải sinh hoạt nhất tại Bắc Ninh. Ở huyện Tiên Du, muốn vào thôn Bất Lự thuộc xã Hoàn Sơn, phải đi qua một con đường rác dài vài trăm mét. Khắp địa bàn các xã Hoàn Sơn, Liên Bão, Việt Đoàn là hàng chục bãi rác trong khu dân cư. Huyện Yên Phong vẫn tồn tại một con kênh kín đặc rác thải đối diện dãy nhà dân ở đường 286, thôn Đông Yên, xã Đông Phong, hay những mặt đường đầy rác tại các xã Long Châu, Đông Thọ, Văn Môn, thị trấn Chờ… Ở một số nơi, dòng nước rỉ rác đục ngầu, hôi thối còn chảy thẳng vào nguồn nước tưới tiêu của người dân. 

Phần lớn những bãi rác trên đều do chính quyền các xã đặt làm nơi tập kết rác thải của địa phương nhưng không bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định. Biện pháp xử lý duy nhất chỉ là tưới xăng lên và đốt. Ngay cả chôn lấp - biện pháp xử lý phổ thông nhất, cũng không được thực hiện. “5 năm liền, có nhiều đêm tôi không ngủ được vì mùi thối và mùi khét của rác. Người ta cứ lái xe ra đó đổ thôi. Phản ánh, ý kiến, đơn từ cũng chẳng có ý nghĩa gì cả”, anh Nguyễn Khánh Toàn (30 tuổi, người dân xã Việt Đoàn) chỉ vào bãi rác đối diện nhà ở gần cây xăng Chợ Sơn, cho biết.

“Người ta còn đổ đầy rác vào vườn chuối nhà tôi nữa”, bà Nguyễn Thị Bé, 62 tuổi, sinh sống cạnh con đường rác ở thôn Bất Lự (xã Hoàn Sơn) nói, bãi rác này cứ ngày một phình to ra mà chả ai quan tâm. Cứ đà này, chẳng bấy lâu nữa mà ruộng lúa của nhà bà Bé cũng thành bãi rác. Bà Bé bị viêm phế quản mãn tính, khó thở quanh năm, bác sĩ nói do hít thở không khí ô nhiễm quá lâu. Người già làm ruộng, thu nhập chẳng đáng là bao, nhưng tháng nào bà cũng phải bắt xe lên Hà Nội mua thuốc uống định kỳ. Lạ lùng ở chỗ, con đường rác đầu thôn Bất Lự nằm ngay đối diện UBND xã Hoàn Sơn. Xã có một lò đốt rác công nghệ cao trong khu công nghiệp (KCN) Đại Đồng - Hoàn Sơn từ cuối năm 2021, do Công ty TNHH xử lý môi trường Từ Sơn làm đầu tư. Tuy nhiên, trong khu tập kết rác của lò đốt, gần như tất cả rác vẫn chỉ được đốt thủ công bằng xăng, dầu.

Ở các KCN - nơi ở và làm việc của hàng chục nghìn công nhân, lượng rác thải sinh hoạt còn lớn hơn rất nhiều lần. Chẳng hạn như “bức tường thành” rác dài gần 1km tại đường 10, KCN - Đô thị và Dịch vụ VSIP Bắc Ninh (xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Theo anh Nguyễn Đức Minh (23 tuổi, người dân xã Đại Đồng), kinh khủng nhất là những ngày mưa, nước rỉ rác túa ra khắp mặt đường. Hay bãi rác đối diện KCN Đông Thọ (đường tỉnh lộ 277, xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), nơi rác và nước thải tràn cả vào ruộng lúa của người dân. Và không thể bỏ qua một “bức tường thành” rác nằm ngay sát đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, đối diện Khu nhà ở xã hội Viglacera Yên Phong Bắc Ninh (nơi ở của công nhân tại KCN Yên Phong, Bắc Ninh). Mỗi khi đốt rác, khói phủ kín cả một đoạn đường cao tốc.

Theo dấu rác độc (Kỳ 2) -0
Con đường rác dài hàng trăm mét tại KCN - Đô thị và Dịch vụ VSIP Bắc Ninh (xã Đại Đồng,  Tiên Du, Bắc Ninh). 

“Đổ tạm” hàng trăm tấn rác mỗi ngày

Thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) hầu như không có những bãi rác lộ thiên tỏa khói nghi ngút, hay những con đường rác dài cả cây số. Bởi nơi này đã sử dụng cả một ngọn núi chỉ để chứa rác. Đó là núi Bông thuộc phường Khai Quang (TP Vĩnh Yên), nơi “gánh” toàn bộ rác thải sinh hoạt của thành phố. Mỗi ngày, núi Bông nhận khoảng 130 tấn rác từ TP Vĩnh Yên. Rác được đổ trực tiếp ra môi trường, không có bạt lót phía dưới để ngăn chất thải ngấm vào lòng đất. Nước rỉ rác cũng không được xử lý, mà cùng với nước mưa tạo thành một hồ nước đen kịt rộng hàng trăm m2. 

Theo chị Nguyễn Thị Hiền (56 tuổi, người dân phường Khai Quang), thu gom phế liệu tại núi Bông, vì khối lượng rác quá nhiều, nên từ lâu người ta đã không còn chôn lấp nữa, mà chỉ đổ ra rồi để mặc đó. “Đã sống ở đây thì kiểu gì cũng có bệnh về hô hấp. Chẳng hạn như tôi đây, bị viêm mũi dị ứng, hắt hơi sổ mũi quanh năm. Dân phản ánh, kiến nghị với chính quyền rất nhiều, nhưng chẳng có thay đổi nào”. Khi được hỏi, dù bản thân biết núi Bông ô nhiễm như vậy, tại sao chị vẫn vào tận đây để nhặt phế liệu? “Để còn kiếm tiền chuyển đi chỗ khác ở. Giờ tích thêm được chút nào hay chút đấy. Làm nghề khác á? Tớ chỉ là công nhân dệt may nghỉ hưu, trình độ không có, không đi nhặt rác thì làm gì có tiền?”, chị Hiền ngậm ngùi. Công việc thu gom, bán phế liệu đem lại cho chị Hiền 2-3 triệu đồng mỗi tháng. Chồng chị, công nhân tại KCN Bình Xuyên (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) kiếm được 15 triệu đồng mỗi tháng, nhưng chỉ còn hai năm nữa là nghỉ hưu. Nhà vẫn còn một đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Không biết bao giờ hai vợ chồng chị mới đủ tiền chuyển đi nơi khác.

Đại diện UBND phường Khai Quang xác nhận, bãi rác ở núi Bông là “bãi đổ tạm” của TP Vĩnh Yên, được tỉnh Vĩnh Phúc cho phép thành lập trong khi chờ xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung. Bãi rác này đã bị dừng hoạt động từ năm 2018. Nhưng đến nay, xe của Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên (đơn vị được TP Vĩnh Yên thuê thu gom rác cho toàn thành phố) vẫn đều đặn đổ hơn 100 tấn rác tại núi Bông mỗi ngày.

Ngoài núi Bông, Đầm Vậy (phường Đống Đa, TP Vĩnh Yên) cũng là một điểm nóng về ô nhiễm môi trường tại Vĩnh Phúc. Dư luận đã nhiều lần phản ánh tình trạng ùn ứ rác thải, ô nhiễm nước khiến cá chết hàng loạt trong đầm. Hiện nay, dù nguồn nước đã được cải thiện, người dân đã có thể nuôi cá trở lại, nhưng rác và bùn thải còn bám dày đặc thành những tảng lớn ở góc đầm. Rác ở đây đến từ hai nguồn: nơi khác trôi đến và người dân vô ý thức vứt ra. “Nhiều người không đổ rác đúng giờ thu gom nên vứt thẳng ra đầm luôn. Có người vứt cả xác chó, xác mèo xuống. Thế nên vẫn còn thối lắm, lại còn ngay sát nhà dân thì chịu sao nổi!”, bà Vũ Bích Hồng (68 tuổi, người dân phường Đống Đa) phản ánh. Gia đình chủ thầu nuôi cá ở Đầm Vậy thường xuyên dọn dẹp đầm, nhưng với lượng rác ở đây, công sức của họ chỉ như muối bỏ bể.

“Nói thật chứ người dân phường này có ai dám ăn cá nuôi trong đầm đâu”, bà Đỗ Bích Liên (55 tuổi, người dân phường Đống Đa) chia sẻ, “chủ hộ nuôi cá toàn phải mang tít ra chợ Quang Hà cách đây gần 10 cây số để bán. Đợt nào không bán được thì phải đem nghiền ra làm thức ăn cho lợn, rùa, ba ba...”. Từ năm 2019 đến nay, UBND phường Đống Đa đã xử lý, cải tạo chất lượng môi trường đầm. Vậy bằng nhiều cách như nạo vét, trục vớt rác thải, dùng chế phẩm sinh học… nhưng rác ở Đầm Vậy vẫn đóng thành tảng.

(Còn nữa)