Sống theo cách bình thường (Kỳ 1)

TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng đang bước vào giai đoạn quay về cuộc sống - theo đúng nghĩa của từ “sống”. Sẽ lại là một quá trình để thích ứng với sự tương tác và đông đúc trở lại trong điều kiện bình thường mới. 

Tình nguyện viên Tổ tự quản 42 tại hẻm 994B Huỳnh Tấn Phát, quận 7 trao quà an sinh cho người dân đang thuê trọ trên địa bàn.
Tình nguyện viên Tổ tự quản 42 tại hẻm 994B Huỳnh Tấn Phát, quận 7 trao quà an sinh cho người dân đang thuê trọ trên địa bàn.

Kỳ 1: Điều bình thường ở quận “xanh”

“Ngày nhận cái phiếu đi siêu thị này, tôi thở phào nhẹ nhõm. Không phải vì được đến chỗ mua đồ quen thuộc mà tôi cảm thấy mình tự do sau mấy tháng trời gò bó trong bốn bức tường. Ở nhà riết, giờ có thể ra ngoài đi siêu thị cũng quý, cảm thấy phấn chấn lắm”, chị Nguyễn Thị Đông, một người dân ở phường Phú Mỹ, quận 7, địa phương đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh công bố kiểm soát dịch Covid-19 nói như reo. 

Chờ lâu lắm rồi!

Nhìn chồng xách hai túi hàng đầy ắp rau củ, bánh kẹo, sữa chua lật đật vào nhà, chị Đông cười nheo mắt. Đứng trước cửa, cu An con chị nhảy cẫng lên: “Nay mẹ có mua sữa chua cho con đúng hông mẹ? Mẹ có mua bánh ngọt nữa đúng hông mẹ?”. Thấy mẹ gật đầu lia lịa, thằng bé ba tuổi chạy lại lục vội túi đồ ba vừa xịt cồn, tìm gói bánh mình yêu thích, đưa lên ngắm nghía mãi không buông. “Tội nghiệp, mấy loại bánh quen thuộc mà mấy tháng rồi thằng nhỏ có được đụng tới cái nào. Dịch dã, mua đồ nấu ăn còn khó chứ gì tới bánh trái. Con xin hoài không tìm mua được, có bữa nó khóc, tôi sốt ruột lắm. Mà thôi, giờ mừng rồi, mọi thứ đã dần bình thường lại”, chị Đông vừa rửa tay vừa nói, giọng hớn hở như thể ngày mai là Tết.

Chị Đông nói, ngớt dịch còn mừng hơn Tết vì chỉ cách đây mấy tuần, nghe tới ra đường là sợ. Hàng xóm chị trước dịch vẫn tụ tập xôm tụ, mấy tháng nay cũng cửa chốt then cài, im ỉm, sát rạt mà bao lâu chẳng thấy mặt nhau. Hôm rồi thấy cửa hàng đầu xóm lau chùi bàn ghế, chuẩn bị “bán mang đi”, chị Đông mừng thầm “Vậy là sắp ổn rồi. Nhà mình sắp có tiền trả nợ rồi”. Vợ chồng chị Đông kinh doanh trực tuyến, thu nhập trước kia đủ ăn đủ mặc nhưng hai tháng rồi phải ngưng mọi hoạt động vì sợ va phải F0. Nghe nói quận 7 từ “đỏ” hóa “xanh”, chị Đông vội cầm điện thoại gọi liền cho mấy mối quen, khoe: “Chờ mấy bữa nhen, sắp có hàng giao qua rồi, đảm bảo giá ổn. Nhà tôi có “thẻ xanh” rồi nên cứ yên tâm về độ an toàn nha”.

Chạy xe đạp điện dọc tuyến đường dài hơn 500 m, gặp người dân nào, bà Đỗ Thị Lý (Trưởng khu phố 1, phường Tân Phong) cũng nói bằng chất giọng không thể vui hơn “Nè, chuẩn bị được ra công viên tập thể dục rồi đó. Ngày bà con đi buôn bán trở lại chắc không xa đâu, ráng giữ gìn “vùng xanh” nhé. Cần giúp thêm gì, nhắn trên Zalo cho tôi”. Mấy câu thông báo ngắn gọn vậy thôi mà ai nghe xong cũng sáng bừng đôi mắt. Xóm lao động nghèo, nhà trọ toàn bé xíu, nằm sát nhau, lúc dịch bùng, chỉ tháng trước, đây là điểm nóng của quận với rất nhiều F0 lây chéo trong cộng đồng.  Bà Lý kể, ngày tấm bảng phong tỏa được gỡ, bà mừng đến quên ăn. Nhớ lại khoảng thời gian liên tục phát hiện các ca F0, rồi xét nghiệm, tiêm vaccine cho toàn dân trong tuyến đường, bà Lý cùng các thành viên “Tổ tự quản về an sinh xã hội tại địa bàn dân cư” ở Tổ 1-2-7, khu phố 1, phường Tân Phong bận tối mắt tối mũi. Bên cạnh việc nhận hàng tiếp tế từ phường, quận, bà Lý liên hệ khắp nơi, tận dụng mọi mối quan hệ để xin thêm chút cá thịt, trái cây, gạo mắm cho bà con. “Điện thoại của tôi liên tục reo, bà con xin cái này, hỏi cái kia, từ sáng đến đêm. Khi đó tôi áp lực lắm nhưng không dám than, sợ bà con hoang mang. Tôi cùng anh em trong tổ nỗ lực tìm mọi nguồn để giúp bà con đủ. Cả đường toàn dân lao động tự do nhập cư, mình không giúp, họ bám víu vào đâu? Mừng quá, giờ bà con đỡ khổ hơn rồi. Mọi người được tiêm vaccine đủ, mình cũng nhẹ lòng. Rồi đoạn đường này sẽ nhộn nhịp trở lại vì nó là khu chợ mà”, bà Lý chia sẻ. 

Đợi ngày chở con dạo phố

“Chị Trang ơi, mở cửa nhận gạo nè!”. Nghe tiếng gọi, người phụ nữ 35 tuổi vội sửa lại chiếc võng con đang nằm cho ngay ngắn, đeo thêm khẩu trang cùng tấm chắn giọt bắn rồi nhẹ nhàng mở cửa đón “khách” quen. Tay bưng túi gạo cùng tờ báo địa phương gửi tặng, chị Trang khoe vừa nhận được tiền hỗ trợ khó khăn mùa dịch, giảm được gánh lo. Chị Trang ở trọ tại hẻm 994B Huỳnh Tấn Phát (phường Tân Phú) hơn chục năm nay. Trước kia làm công nhân, từ ngày có hai con, chị ở nhà nội trợ, toàn bộ gánh nặng kinh tế đặt lên vai chồng. Mấy tháng dịch kéo dài, tiền ăn, tiền sữa tã khiến cuộc sống thêm chật vật. Vậy nên khi được địa phương hỗ trợ tiền rồi nhu yếu phẩm, vợ chồng chị mừng lắm. 

Từ cuối tháng 8, hẻm 994B lập chốt bảo vệ “vùng xanh”, 216 hộ dân tự nguyện ở nhà, các tình nguyện viên trong Tổ tự quản hỗ trợ đi chợ thay và trao tặng nhu yếu phẩm ngay cửa. Cần gì, chị Trang cứ lên nhóm trò chuyện Zalo của hẻm gửi tin nhắn nhờ hỗ trợ. Mua rau cá, nước mắm, đường gạo hay nước uống, tã sữa, thuốc thang đều được. Cứ tối đặt mai có giao trước cửa, chẳng phải đi đâu. “Mấy anh nhiệt tình lắm, cái nào cần gấp là có liền. Hay tin hẻm có chốt trực, tôi thấy yên tâm vì như vậy gia đình sẽ an toàn hơn, nếu đi lung tung lỡ va phải F0 thì sao. Chúng tôi chịu khó ở nhà, cần gì được giúp tận nơi, biết ơn dữ lắm. Giờ tôi chỉ mong thành phố mau hết dịch để vợ chồng tôi chở con đi dạo vài vòng. Tụi nhỏ ở nhà mấy tháng liền, nhìn thương quá chừng”, chị Trang trải lòng. 

Từ khi dịch bùng phát dữ dội, quận 7 lập tức xuất hiện 817 tổ tự quản để chăm lo đời sống an sinh, xã hội vào tận tuyến hẻm sâu, tránh tình trạng chỗ dư, nơi thiếu đói. Mỗi tổ sẽ theo sát, hỗ trợ 30-50 hộ gia đình, làm sao để tiếng nói của người dân kịp thời được phản ánh lên cấp cao hơn, không bỏ rơi ai lại phía sau. Các tổ này chủ yếu hoạt động theo mô hình “lấy sức dân lo cho dân”. Họ là người cùng hẻm, cùng tổ, cùng khu phố nên nắm rất rõ hoàn cảnh của nhau, kịp thời kết nối thông tin và đề xuất những hướng hỗ trợ hợp lý cho các trường hợp cấp thiết. 

Các “Tổ tự quản về an sinh xã hội tại địa bàn dân cư” còn góp sức tích cực trong việc lập, xác minh, đối chiếu danh sách các hộ khó khăn, hộ nghèo, các đối tượng được hưởng chính sách. “Nhờ kênh kết nối trong dân, ngay cả khi dịch bùng phát dữ dội, quận 7 cũng hạn chế được tình trạng người yếu thế không được hỗ trợ kịp thời. Mình phải làm thì người dân mới thấy được, chứ không chỉ nói. Chúng ta phải có đội ngũ chăm sóc, hỗ trợ người dân kịp thời, thiết thực, có như vậy mới tạo được sự đồng thuận. Việc gì cũng vậy, dân không đồng thuận rất khó làm”, ông Nguyễn Văn Tuyền, Trưởng ban Dân vận Quận ủy quận 7 cho hay.

Chính quyền quận 7 cũng triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ chỗ ở cho người dân khó khăn, đặc biệt là công nhân, lao động tự do mất việc, giúp họ cố gắng bám trụ, chờ ngày “bình thường mới”. Toàn quận có khoảng 4.000 chủ cho thuê với 41 nghìn phòng trọ, phục vụ nhu cầu sinh sống của khoảng 92 nghìn người ở. Khi địa phương kêu gọi, nhiều chủ phòng trọ đã chung tay, giảm bớt phần nào gánh nặng kinh tế cho người thuê trọ. Từ tháng 7 đến nay khoảng 26 nghìn phòng trọ tại địa phương này đã được miễn giảm với tổng số tiền 16,4 tỷ đồng giúp nhiều người cảm thấy an tâm hơn.

Tại những khu vực đông dân cư, đặc biệt các khu nhà trọ, hẻm dưới 2 m, nhà ven kênh rạch… chính quyền quận 7 đã thực hiện việc giãn cách chủ động từ sớm, hạn chế việc lây nhiễm cộng đồng. Quận đã vận động các chủ nhà trọ triển khai mô hình san sẻ phòng trống cho những phòng tập trung quá nhiều người thuê trong giai đoạn này. Dù mới triển khai nhưng tại phường Tân Thuận Đông và Tân Thuận Tây đã có gần 160 chủ nhà trọ chấp thuận mô hình này bằng việc hỗ trợ gần 650 phòng trống để giãn bớt mật độ tiếp xúc của người thuê trong các không gian chật hẹp. Quận 7 vừa lên danh sách và đang tiến hành kêu gọi khoảng 2.000 người trên 65 tuổi, người có bệnh nền đang sinh sống tại các khu trọ về ở tập trung tại các nhà trọ cao cấp, khách sạn, ký túc xá… để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh cho nhóm đối tượng này. Hôm phóng viên đến, bà Thị Hiếu (63 tuổi, khu phố 1, phường Tân Phong) đang chuẩn bị vào khu tập trung. Bà có bệnh nền, nên chuyển vào đó để yên tâm, có bạn bè cũng đỡ cô đơn. Giờ bà Hiếu chỉ mong hết dịch để còn đi chữa cái chân đau khớp đã mấy chục năm. 

Bệnh viện quận 7, nơi mấy tháng trước đầy ắp bệnh nhân Covid-19 trở nặng vừa được chuyển công năng sang khám chữa bệnh cho người dân. Các siêu thị lớn cùng hệ thống cửa hàng “bán mang đi” đã mở cửa trở lại phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Từ ngày 1-10, địa phương này sẽ mở lại câu lạc bộ thể thao, sân bóng đá, công viên an toàn sau khi thí điểm thành công tại một số phường. Những điều ngỡ như bình thường ấy đang mở ra những tín hiệu khả quan cho sự phục hồi sau dịch.

(Còn nữa)